Ảnh: nhandan.vn
Trưởng Nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) Trần Toàn Thắng thông tin, Báo cáo Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) theo kế hoạch được công bố vào tháng 8 tới, dự kiến sẽ “chụp ảnh” bức tranh vươn ra toàn cầu của doanh nghiệp để thấy sự lớn lên của khu vực tư nhân.
Đón chờ kỳ lân công nghệ
Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp tư nhân là Vingroup lọt bảng xếp hạng tốp 50 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á của Fortune 2024 và không doanh nghiệp nào lọt vào tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Thứ hạng này gần như không thay đổi so cách đây ba năm khi chúng tôi phỏng vấn các chuyên gia kinh tế về tình hình phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sau 35 năm Đổi mới.
Chia sẻ khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung trăn trở doanh nghiệp Việt Nam mãi không chịu lớn và không thể lớn, vẫn ở quy mô “thuyền thúng” ra biển, trong khi đội ngũ doanh nhân cũng ngày càng già đi, khó tìm người kế nghiệp. Nền kinh tế không thể mãi phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Vị chuyên gia cảm nhận rất rõ, kinh tế tư nhân đã đến ngưỡng của một giai đoạn phát triển mới, phải bứt phá nhưng chưa đủ lực đẩy để có thể vượt lên. Nhưng đó là câu chuyện của ba năm trước, còn hiện nay, trước sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật cùng những diễn biến khó đoán định của kinh tế chính trị toàn cầu, Đảng ta tiếp tục đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tạo đột phá nhằm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng. Chính lúc này, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất, là đòn bẩy để hiện thực hóa khát vọng đó.
Theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, đây thật sự là cuộc cách mạng trong nhận thức của Đảng về kinh tế tư nhân, có ý nghĩa rất lớn, tạo niềm tin và động lực cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đua tranh phát triển. Sứ mệnh mới của kinh tế tư nhân phải là động lực đưa nền kinh tế Việt Nam lên đẳng cấp mới, trở thành một thế lực trong hệ thống kinh tế toàn cầu, bảo đảm năng lực cạnh tranh quốc gia và nền kinh tế độc lập, tự cường. Muốn vậy, Việt Nam cần xây dựng được lực lượng doanh nghiệp Việt Nam hùng mạnh trên nền tảng là khu vực kinh tế tư nhân với các tập đoàn kinh tế lớn giữ vai trò trụ cột, dẫn dắt để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nghiên cứu về quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Lê Duy Bình cũng nhận thấy, quá trình phát triển doanh nghiệp đang ở vào một giai đoạn có tính chất bước ngoặt. Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ, rất nhiều người sẽ nghỉ hưu sớm hoặc nghỉ việc. Đây là thời điểm cần thổi bùng tinh thần khởi nghiệp để nguồn vốn và nguồn lực chất xám được phát huy.
“Khi mọi người dân đều nghĩ đến khởi sự kinh doanh, nền kinh tế sẽ khởi sắc. Điều này đã được minh chứng khi Luật Doanh nghiệp năm 2000 ra đời đúng thời điểm chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bắt đầu mở rộng, đã thu hút được chất xám từ khu vực nhà nước sang phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đã phát triển chính từ cơ hội này”, ông Bình nhớ lại.
Tháng 12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. “Bộ đôi” Nghị quyết số 57-NQ/TW và nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân sắp ban hành được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để kinh tế tư nhân bứt phá.
Ông Cung tin tưởng sự đổi mới về tư duy kinh tế của Đảng cùng sức lan tỏa mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy hình thành thế hệ doanh nhân mới trong lĩnh vực công nghệ. Đội ngũ startup ở Việt Nam rất đông đảo, liên kết với mạng lưới người Việt Nam làm trong các tập đoàn công nghệ nước ngoài, sẽ được nuôi dưỡng để trở thành kỳ lân công nghệ thay vì dịch chuyển sang Mỹ, Singapore khởi nghiệp.
Đòn bẩy từ thực thi chính sách hiệu quả
Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân sắp tới sẽ có những định hướng chiến lược nhằm khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển, tạo động lực đột phá cho kinh tế tư nhân Việt Nam.
“Đây là lần đầu tiên, dự thảo nghị quyết có cách tiếp cận mới, có những nội hàm chính sách cụ thể để có thể triển khai thực hiện ngay sau khi nghị quyết được ban hành”, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), thành viên Tổ soạn thảo nghị quyết chia sẻ.
Dự thảo nghị quyết sẽ đề xuất nhóm giải pháp để doanh nghiệp lớn tham gia giải quyết những bài toán lớn của quốc gia thông qua cơ chế đặt hàng; xem xét bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh và miễn thuế thời gian đầu chuyển đổi lên doanh nghiệp; hỗ trợ hình thành 1.000 doanh nghiệp quy mô vừa;… Trước những bất cập trong việc thực hiện quy định “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” nhiều năm qua, Tổ soạn thảo cũng làm việc với các bên liên quan để làm rõ nội dung này, nhằm đề ra giải pháp thực thi hiệu quả, giúp doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phân tích: Từ khi Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 và Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 được ban hành, kinh tế tư nhân đã trỗi dậy mạnh mẽ, dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực này chưa như kỳ vọng, trong đó có nguyên nhân từ việc tổ chức thực hiện nghị quyết. Do đó, cách tổ chức triển khai nghị quyết mới thời gian tới cần đổi mới, chú ý đến hiệu quả, không hình thức; phải pháp điển hóa các mục tiêu của nghị quyết thành các chỉ tiêu hằng năm, báo cáo định kỳ trước Quốc hội để các cơ quan của Đảng và nhân dân cùng giám sát. Đồng thời, tránh thành lập quá nhiều cơ quan chỉ đạo, sử dụng nhiều bộ máy chồng chéo nhưng không có người chịu trách nhiệm cụ thể.
Ông Cung đề xuất giao Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương là cơ quan thường trực, phối hợp các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ theo dõi, đánh giá và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Bộ phận thường trực, chuyên trách của Ban phải quy tụ được đội ngũ cán bộ, chuyên gia độc lập có đủ năng lực phát hiện, phân tích và đề xuất giải pháp xử lý các điểm bất cập, điểm yếu trong quá trình thực hiện nghị quyết. Cơ chế này sẽ tạo ra áp lực buộc cả hệ thống chính trị vào cuộc để nghị quyết trở nên sống động, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Quay trở lại với câu chuyện của ông Hạnh Nguyễn, bước sang tuổi 73, vị doanh nhân dù đang lui dần về phía sau để nhường chỗ cho thế hệ F2, nhưng vẫn tham gia kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt các dự án đầu tư IPPG đã đệ trình, nhất là kế hoạch đầu tư các trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Các đối tác của ông Hạnh Nguyễn đã sẵn sàng phương án huy động tài chính lên đến hàng chục tỷ USD, chỉ chờ cơ hội rót vốn.
Có thể thấy, nguồn lực trong dân còn rất lớn. Kinh tế tư nhân là kinh tế của nhân dân, trong dân, từ dân. Không nguồn lực nào có thể thay thế hoặc vượt qua nguồn lực từ nhân dân nên tiềm năng của kinh tế tư nhân là không giới hạn. Tinh thần kinh doanh, khát vọng cống hiến của các doanh nhân như mạch ngầm tuôn chảy, nhất là khi chúng ta cấp bách thực hiện công cuộc đổi mới về kinh tế ngay tại thời điểm mang tính bước ngoặt, giúp kinh tế tư nhân bừng lên, lập kỳ tích mới.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ