Chăn nuôi bò sữa tại xã Mộc Hoàn đang gặp khó khi đàn bò giảm số lượng ở hầu hết các hộ nuôi, tập trung nhiều tại khu chăn nuôi bò sữa tập trung của xã. Bình quân mỗi hộ chăn nuôi giảm khoảng 7 – 10 con, một số hộ giảm từ 10 đến hơn 20 con… Hộ anh Tống Xuân Văn đang nuôi 25 con bò sữa tại khu chăn nuôi bò sữa tập trung, giảm hơn 10 con so với cuối năm 2024. Lượng bò sữa giảm tập trung trong khoảng 3 – 4 tháng gần đây. Số bò giảm đều là những con đã nuôi lâu, năng suất sữa không còn duy trì ổn định. Anh Văn cho biết: Tôi tham gia nuôi bò sữa từ khi xã xây dựng khu chăn nuôi tập trung, đến nay đã hơn 10 năm. Đây là thời điểm rất khó khăn trong việc duy trì và phát triển đàn. Việc giảm đàn là tình thế bắt buộc để tránh không bị thua lỗ. Gia đình tôi đang cố gắng giữ số lượng phù hợp do đây vẫn là nghề cho thu nhập chính. Khi sản xuất tốt trở lại, gia đình sẽ tiếp tục phát triển đàn do hệ thống chuồng trại vẫn có thể bảo đảm...
Không chỉ giảm về quy mô nuôi, số hộ chăn nuôi bò sữa của xã cũng giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Nhiều hộ có thời gian nuôi bò sữa hơn 10 năm nhưng giờ ngừng hẳn chuyển sang làm nghề khác. Chỉ tính từ năm 2024 đến nay, cả xã giảm hơn 20 hộ, xuống còn 45 hộ nuôi bò sữa. Những hộ giảm này đều có quy mô vừa, phần lớn số lượng bò nuôi khoảng 10 – 20 con/hộ. Theo ông Tống Văn Bính, Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa Mộc Bắc, chăn nuôi bò sữa của địa phương đang ở trong thời điểm khó khăn. Hiệu quả từ bò sữa đem lại không cao cộng với một số khó khăn khác dẫn đến số lượng đàn giảm. Khả năng đàn bò sữa sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Trang trại chăn nuôi bò sữa của hộ gia đình anh Tống Xuân Văn, xã Mộc Hoàn (Duy Tiên).
Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến số lượng đàn bò sữa tại Mộc Hoàn giảm mạnh là do: Lũ sông Hồng vào tháng 9/2024 lên trên báo động 3 gây ngập toàn bộ khu vực chăn nuôi bò sữa ngoài bãi làm phần lớn đàn bò sữa nuôi phía ngoài đê phải di chuyển vào bên trong tránh lũ. Quá trình di chuyển dẫn đến một số con bị hỏng móng, viêm tuyến vú… Sau khi lũ rút, lượng thức ăn xanh thiếu hụt nghiêm trọng do phần lớn cỏ, cây ngô trồng ngoài đê bị chết, các hộ phải mua cây ngô, rơm từ nơi khác về, vì vậy chi phí cao hơn. Bên cạnh đó, giá bán sữa bò tươi những năm gần đây tăng rất ít (trong vòng 7 năm chỉ tăng 6%). Trong khi đó, chi phí sản xuất đầu vào đều tăng cao, như: giá cám, thức ăn xanh tăng hơn 30%; giá điện, nhân công… tăng 100% trở lên (so với cách đây hơn 5 năm). Khâu tiêu thụ sữa cũng đang gặp khó khăn khi doanh nghiệp chế biến khống chế lượng thu mua. Công ty cổ phần sữa Vinamilk - đơn vị thu mua sữa bò tươi chính tại Mộc Hoàn (đặt trạm thu mua sữa tại địa phương), hiện mỗi ngày chỉ thu mua 5,3 tấn, bằng khoảng 90% sản lượng sữa. Phần còn lại người dân phải bán ra ngoài với giá thấp hơn 2 nghìn đồng/kg so với giá công ty thu mua khiến lợi nhuận thu được từ bò sữa thấp. Theo tính toán, bình quân 1 con bò đang cho sữa người dân chỉ thu được lợi nhuận gần 2 triệu đồng/tháng, bằng hơn 60% so với trước. Cùng với đó, việc làm bên ngoài giai đoạn hiện nay đang rất nhiều, người dân dễ dàng chuyển sang làm công nhân cho các doanh nghiệp có thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng, không bị rủi ro như chăn nuôi bò sữa…
Theo tính toán, bình quân 1 con bò đang cho sữa người dân chỉ thu được lợi nhuận gần 2 triệu đồng/tháng, bằng hơn 60% so với trước. Cùng với đó, việc làm bên ngoài giai đoạn hiện nay đang rất nhiều, người dân dễ dàng chuyển sang làm công nhân cho các doanh nghiệp có thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng, không bị rủi ro như chăn nuôi bò sữa…
Chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã Mộc Hoàn (trước đây là xã Mộc Bắc) đã phát triển được hơn 20 năm, trở thành nghề đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trước những khó khăn đang gặp phải, thiết nghĩ cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền cùng ngành chức năng để xã Mộc Hoàn tiếp tục duy trì và phát triển chăn nuôi bò sữa. Quan trọng nhất, cần có sự hỗ trợ, tác động để toàn bộ lượng sữa bò khai thác hằng ngày được doanh nghiệp thu mua hết. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ về công tác xúc tiến thương mại, thị trường để các cơ sở chế biến sữa bò tươi trên địa bàn tăng lượng chế biến và đa dạng các sản phẩm, giúp tiêu thụ sữa bò tươi cho người chăn nuôi trên địa bàn…
Với lợi thế có khu chăn nuôi tập trung và người dân tích lũy được kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, bò sữa vẫn là đối tượng con nuôi có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế. Việc kịp thời tháo gỡ khó khăn sẽ giúp đàn bò sữa của Mộc Hoàn duy trì ổn định và phát triển trong thời gian tiếp theo.
Mạnh Hùng