Chân trần chí thép - Cuộc chiến trong lòng đất Kỳ 3: Trò chơi mèo vờn chuột

Chân trần chí thép - Cuộc chiến trong lòng đất Kỳ 3: Trò chơi mèo vờn chuột
3 giờ trướcBài gốc
Từ chiến dịch “Bóc vỏ trái đất” cho đến lính chuột chũi
“Sau thất bại của chiến dịch Crimp”, tướng Phụng kể tiếp, “họ tiếp tục mở thêm nhiều chiến dịch. Cuộc tấn công lớn nhất là chiến dịch Cedar Falls với sự tham gia của nhiều quân hơn cũng như một lực lượng cơ giới có cả máy ủi. Chúng tôi vẫn sử dụng chiến thuật cũ trong khi họ triển khai chiến thuật mới để phá địa đạo. Họ đã dùng máy ủi để “bóc vỏ trái đất”. Nhưng sau chiến dịch Crimp, chúng tôi đã đào địa đạo sâu hơn, khiến quân địch khó phát hiện. Chẳng biết địa đạo nằm ở đâu nên quân Mỹ đem theo nhiều xe ủi dàn thành từng hàng, thường là mười hai chiếc, có khi cả tiểu đoàn được huy động cùng lúc. Nếu sau khi ủi mà không tìm thấy gì lạ, họ sẽ chuyển tới nơi khác để ủi tiếp. Chiến thuật này rất nguy hiểm, nhưng chúng tôi đã dùng súng chống tăng để bắn xe ủi. Phía Mỹ sau đó đã điều rất nhiều quân chỉ để bảo vệ xe”.
Ảnh trên chụp trong chiến dịch Cedar Falls
Việc sử dụng xe ủi không làm Việt cộng bất ngờ. Trinh sát của họ đã theo dõi những chuyển động bên trong các căn cứ Mỹ trước chiến dịch Cedar Falls. Những gì trông thấy giúp họ biết rằng xe ủi sắp được sử dụng. Ông Phụng kể:
“Chúng tôi thấy xe ủi được huy động bên trong căn cứ quân sự Mỹ trước khi chiến dịch bắt đầu. Khi biết rằng họ sẽ dùng xe ủi, chúng tôi quay sang tìm hiểu xem họ sẽ ủi ở đâu để đem mìn và chất nổ cài ở những nơi ấy. Xe ủi tỏ ra hiệu quả hơn xe tăng trong việc phá hầm ngầm, nhưng chúng tôi đã đào hầm sâu hơn nên cả hai loại xe này đều không gây tổn thất lớn”.
Lục quân Mỹ còn dùng chó để đánh hơi nơi ẩn náu của Việt cộng. Nhưng rồi họ cũng chẳng thu được mấy thành công bởi du kích quân đã chuẩn bị đối phó. Họ sử dụng ớt bột rải trên đất để ngăn chặn chó đánh hơi.
Về phía Mỹ, lính chuột chũi, với nhiệm vụ đột nhập địa đạo, là một dạng binh lính đặc biệt. Họ đi vào một thế giới bí ẩn để đối mặt với kẻ thù, nơi ấy đầy rẫy bất trắc và cái chết đôi khi chỉ ở cách họ vài mét.
“Chúng tôi cố ý thiết kế địa đạo rất phức tạp, vì đây là cách duy nhất để chống lại sự xâm nhập của lính chuột chũi”, tướng Phụng giải thích.
Lính chuột chũi được trang bị đèn pin, súng ngắn, dao, cũng như một tinh thần dũng cảm lớn lao khi đột nhập vào những nơi dễ bị phát hiện.
Ảnh một lính chuột chũi chui ra từ địa đạo với sự giúp sức của đồng đội
Để liên lạc với người trên mặt đất, lính chuột chũi mang theo điện thoại có dây. Một sợi dây được buộc vào cơ thể người lính để người trên mặt đất biết được anh ta đã đột nhập bao xa vào lòng địa đạo.
Bên trong lòng đất, trò chơi mèo vờn chuột bắt đầu giữa lính chuột chũi và du kích quân, với vai “chuột” và “mèo” được hoán đổi. Ông Nguyễn Thành Linh giải thích về sự hoán đổi nhanh chóng giữa vai mèo và chuột: “Khi phát hiện có người đang bám theo mình trong địa đạo, chúng tôi liền nằm im và chờ đợi cơ hội tấn công kẻ đột nhập. Chúng tôi thường nằm phục ở tầng trên để đón lõng lính chuột chũi đang ở tầng dưới bò lên. Địa đạo được thiết kế để buộc những kẻ đột nhập phải đưa tay lên trước rồi sau đó mới đưa phần thân trên qua lỗ kết nối để chui từ tầng dưới lên tầng trên. Di chuyển bằng cách này khiến lính chuột chũi rất dễ bị tấn công, chúng tôi thường dùng dao đâm hoặc thả một quả lựu đạn xuống tầng dưới vào đúng vị trí đã xác định”. Dù ở hai bờ chiến tuyến nhưng lính chuột chũi và người phòng thủ địa đạo luôn tôn trọng nhau.
Một quân giải phóng đang phục chờ lính chuột chũi
“Lính chuột chũi thực hiện một nhiệm vụ rất nguy hiểm”, tướng Phụng giải thích. “Khi chui vào địa đạo thì họ có hai nhiệm vụ: thứ nhất, tìm kiếm tài liệu, đồ quân nhu, vũ khí hoặc bất cứ thứ gì có giá trị tình báo; thứ hai, nghiên cứu cách thức hiệu quả nhất để đánh dưới hầm ngầm. Đó là nhiệm vụ rất khó khăn, không chỉ bởi họ phải thường xuyên xoay trở trong không gian chật hẹp mà còn bởi bộ đội của chúng tôi luôn phục chờ họ… Sau chiến tranh, tôi đã gặp một đại tá Mỹ; ông ta lắc đầu và bảo rằng không thể nào đánh nhau với chúng tôi dưới địa đạo”.
Không bao giờ biết trước sẽ đối mặt với điều gì
Bẫy cũng luôn chờ đợi lính chuột chũi. Bẫy chông tre là loại phổ biến nhất, được làm bằng cách đặt những thanh tre vót nhọn vào dưới hố rồi ngụy trang kỹ nắp hố. Nắp hố làm bằng chất liệu dễ gãy để có thể sụp xuống khi một người bước lên trên. Lính chuột chũi vô ý sẽ trở thành nạn nhân của loại bẫy này, với thân thể bị chông tre đâm thủng. Đôi khi, que chông được tẩm phân người hoặc động vật để khiến vết thương dễ nhiễm trùng trong trường hợp nạn nhân sống sót sau khi bị đâm.
Các thiết bị nổ cũng được huy động. Cửa sập thường được gắn chất nổ, mà phần lớn lấy từ số bom đạn chưa phát nổ của Mỹ. Các thiết bị nổ này không chỉ làm chết hoặc bị thương kẻ đột nhập mà còn phá hủy địa đạo để khiến quân Mỹ không thể lần ra phần còn lại.
Một loại bẫy đỡ chết chóc hơn là loại tấm bảng lởm chởm đinh. Đã có một số lần lính chuột chũi Mỹ bị đâm thủng chân tay khi vấp tấm bảng này.
Trong một biến thể khác, Việt cộng dùng bẫy cung tên. Người ta đào đường hầm ngắn, vuông góc với địa đạo chính. Một chiếc cung được đặt trong hầm ngắn, với dây được kéo căng ra phía sau, và được giữ chặt bằng thiết bị rất nhạy, mũi tên được đặt lên trên, chĩa mũi ra hầm chính. Sau đó, người ta nối một sợi dây từ hầm chính tới thiết bị kích hoạt. Khi lính chuột chũi bò vào hầm chính, tới điểm giao nhau ấy, nếu không cảnh giác thì có thể vướng phải sợi dây, kích hoạt cây cung và mũi tên được phóng đi.
“Loại bẫy này hoạt động tốt”, tướng Phụng đánh giá. “Nhưng đôi lúc chúng lại gây ra rắc rối. Một vài lần người Mỹ không thể thu dọn xác quân nhân bên trong đường hầm. Tôi biết tới hai trường hợp dính bẫy – một người vấp phải chông tre và người kia bị trúng bẫy tên – cả hai đều thiệt mạng và thi thể bị bỏ lại. Sau đó, chúng tôi phải kéo xác lên mặt đất và để đấy cho người Mỹ thu dọn. Bẫy của chúng tôi rất hiệu nghiệm khiến sau năm 1966, lính chuột chũi không còn hoạt động nhiều nữa”.
Tuy nhiên, không chỉ người Mỹ mới là nạn nhân của các loại bẫy.
“Ngay cả người của chúng tôi cũng sợ bẫy”, tướng Phụng thừa nhận. “Đã có lần người của tôi trở thành nạn nhân. Chúng tôi luôn tìm cách đánh dấu nơi đặt bẫy để tránh tai nạn nhưng do vô tình hoặc đánh dấu không đúng nên đôi khi chiến sĩ của chúng tôi cũng thiệt mạng”.
Một số loại bẫy gây khiếp sợ hơn các loại khác, đặc biệt là loại “bẫy sống”. Thỉnh thoảng, sau khi sơ tán khỏi một đường hầm, người ta để lại một vài con rắn độc để đối phó với lính chuột chũi. Rắn được nhốt trong lồng, sau đó được thả ra đúng lúc để đón lõng lính chuột chũi.
“Dùng rắn không thực sự hiệu quả”, tướng Phụng cho biết. Có thể không hiệu quả mấy, nhưng chúng lại làm gia tăng nỗi sợ hãi đối với những người muốn khám phá đường hầm.
Ông Nguyễn Thành Linh bổ sung: “Ngay cả những người sống ở Củ Chi như chúng tôi cũng không bao giờ biết trước được mình sẽ đối mặt với điều gì bởi đôi lúc thú hoang vẫn thường chui vào địa đạo. Bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể đụng phải dơi, chồn hoặc rắn”.
Sự sáng tạo của Việt cộng tại Củ Chi không chỉ giới hạn trong phạm vi hệ thống địa đạo. Họ còn làm bẫy đặt trên mặt đất ở những lối dẫn tới đường hầm. Nếu người Mỹ sáng tạo ra phương cách để phát hiện bẫy, du kích quân sẽ thay đổi loại bẫy hoặc cách thức đặt bẫy. Điều này đã dẫn tới việc quân du kích đặt bẫy ở những nơi mà trực thăng Mỹ nhiều khả năng sẽ sử dụng làm bãi đáp.
“Chúng tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng máy bay Mỹ tìm kiếm khu vực thoáng đãng để đổ quân nhằm đột kích bất ngờ”, tướng Phụng nói. “Chúng tôi đối phó bằng cách cài mìn ở nơi mà quân Mỹ có thể đáp máy bay. Một chiến thuật khác là buộc trực thăng đáp xuống những nơi chúng tôi đang mai phục. Chúng tôi buộc người Mỹ phải đánh theo cách của mình, chứ không phải theo cách của họ. Về sau, vì sợ mìn, phi công đã cho trực thăng treo trên không và lính tụt xuống bằng dây thừng. Nhưng chúng tôi chế ra loại bẫy mìn có thể phát nổ khi trực thăng bay ở độ cao mười tới mười lăm mét. Điều này được thực hiện bằng cách cài một quả mìn trên mặt đất, rồi đặt một cây nhỏ lên trên kíp nổ. Khi máy bay vờn phía trên, gió từ cánh quạt sẽ thổi bay cái cây, kích hoạt quả mìn. Loại mìn này sử dụng kíp nổ đặc biệt do nông dân địa phương thiết kế và chế tạo”.
Kỳ tới: Địa đạo còn, chúng tôi sẽ thắng
Hạ Vĩ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/chan-tran-chi-thep-cuoc-chien-trong-long-dat-ky-3-tro-choi-meo-von-chuot-232083.html