Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy động viên thầy và trò Trường THPT Chuyên Sơn La nhân dịp khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh PV
Vượt qua khó khăn thách thức
Bước vào giai đoạn 2020-2025, giáo dục Sơn La đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, khi tỷ lệ kiên cố hóa phòng, lớp học toàn tỉnh chỉ đạt gần 65% và có đến gần 1.000 phòng học tạm. Không chỉ vậy, ngành giáo dục của tỉnh còn phải đối mặt với nhiều áp lực từ dư luận xã hội về tiêu cực thi cử trong năm học 2018-2019; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của tỉnh năm 2019 toàn tỉnh chỉ đạt 72% và xếp hạng thứ 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Làm thế nào để đưa giáo dục Sơn La phát triển đi lên là nỗi trăn trở của cả tỉnh và những nhà quản lý giáo dục thời điểm đó.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 -2025 xác định: “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp, nhất là bậc THPT và giáo dục nghề nghiệp”. “Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 70,1%”... Đây là kim chỉ nam, mục tiêu quan trọng mà ngành giáo dục tập trung phấn đấu thực hiện.
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục - đào tạo, tháng 6/2019, UBND tỉnh điều động, bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Vân Hồ, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và giao quyền Giám đốc Sở; đến tháng 8/2019, được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở GD&ĐT.
Sau khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp làm việc, giao nhiệm vụ, Ðảng ủy, Ban Giám đốc Sở đã tổ chức hội nghị chuyên đề toàn ngành về nâng cao chất lượng giáo dục. Những nội trọng tâm là quyết tâm, tập trung cao, kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững, với lộ trình phù hợp điều kiện thực tiễn của tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý giáo dục; nâng cao hiệu quả phối hợp với huyện ủy, UBND các huyện, thành phố trong thực hiện quản lý giáo dục; nâng cao trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cơ sở giáo dục.
Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết văn bản phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh và Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh PV
Đẩy mạnh các phòng trào thi đua, đợt thi đua cao điểm trong toàn ngành với phương châm: "Tất cả vì học sinh thân yêu”, "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, "Chung tay giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không để học sinh nào bị nỏ lại phía sau”, "Đợt thi đua cao điểm cống hiến, hy sinh để nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT”; tăng cường phối hợp, huy động sự hỗ trợ, chung tay của các tổ chức đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Trong đó, Sở GD&ĐT là đơn vị đi đầu đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ; người đứng đầu cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về chất lượng giáo dục. Đội ngũ giáo viên các cấp học đóng vai trò then chốt trong công tác cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán giỏi về chuyên môn và tinh thông về nghiệp vụ sư phạm làm nòng cốt thực hiện cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.
Giờ học của cô và trò Trường THPT Chuyên Sơn La.
Chính sách thúc đẩy giáo dục
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của địa phương về điều kiện giảng dạy, học tập và sinh hoạt của giáo viên, học sinh còn nhiều khó khăn, nhất là ở các xã khu vực III và các bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, khu vực I trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến năm 2024, Sở GD&ĐT đã chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 23 nghị quyết trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Nổi bật là chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non, học sinh nội trú, bán trú và quản lý học sinh bán trú; chính sách về học phí, các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập; chính sách hỗ trợ giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh bán trú và lưu học sinh nước CHDCND Lào...
Bữa ăn bán trú của học sinh xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên.
Sau khi các nghị quyết được ban hành, các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện đầy đủ, đảm bảo giải quyết chế độ chính sách đối với giáo viên, người học theo quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn của địa phương, góp phần duy trì sĩ số học sinh, củng cố kết quả phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Yên, thông tin: Trước kia, điều kiện cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục của huyện còn nhiều hạn chế, nhất là các trường, điểm trường vùng sâu vùng xa, các em học sinh đi học phải ăn ở trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, vì vậy tỷ lệ học sinh bỏ học cao. Từ những nghị quyết về chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non, học sinh nội trú, bán trú và quản lý học sinh bán trú; cùng nhiều chủ trương, chính sách lớn trong giáo dục, giúp giáo viên, học sinh nội trú, bán trú trên địa bàn huyện được thụ hưởng nhiều chế độ, từ đó yên tâm học tập. Cơ sở vật chất từng bước được quan tâm, đầu tư, góp phần đưa diện mạo giáo dục vùng cao Bắc Yên ngày một khởi sắc toàn diện.
Giờ học của cô và trò Trường THCS Tà Xùa, huyện Bắc Yên.
Các nghị quyết có ý nghĩa quan trọng và nhân văn sâu sắc, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cấp đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng cao, giáo dục dân tộc.
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT, đánh giá: Các nghị quyết đi vào thực tiễn đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động và duy trì số lượng học sinh ra lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; tạo thêm cơ hội cho học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn được đến trường, tiếp cận giáo dục, giảm bớt khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ðáng chú ý, ngành Giáo dục - Đào tạo Sơn La giai đoạn này cũng tập trung triển khai một loạt các kế hoạch công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho giáo viên. Nhất là thực hiện đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành giáo dục tổ chức nhiều đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng, như: Kinh nghiệm bồi dưỡng đội ngũ, phát triển giáo dục mũi nhọn, xã hội hóa giáo dục, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới… của nhiều địa phương trên cả nước.
Từ những bài học kinh nghiệm được rút ra, qua khảo sát chất lượng, phân tích chất lượng qua các kỳ thi (thi thử tốt nghiệp THPT, thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào lớp 10...) và đối sánh với kết quả trong học bạ phát hiện chất lượng ảo, dấu hiệu bệnh thành tích, tìm thấy độ lệch giữa kết quả thi và kết quả học tập trong học bạ thì ngành sẽ tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp để điều chỉnh, nâng cao chất lượng.
Các cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Vân Hồ, huyện Vân Hồ hân hoan bước vào năm học mới.Ảnh PV
Ngoài ra, các hoạt động tổ chức sinh hoạt theo tổ chuyên môn hoặc sinh hoạt chuyên môn theo cụm nhằm chia sẻ kinh nghiệm, phát huy trí tuệ của đội ngũ giáo viên được chú trọng. Thực hiện việc đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, khảo sát, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và làm tốt công tác thi đua khen thưởng, khích lệ giáo viên dạy giỏi, tâm huyết, yêu nghề. Xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh.
Ưu tiên nguồn lực kiên cố hóa trường lớp học
Điểm trường mầm non Phiêng Mựt, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai được khánh thành đưa vào sử dụng năm học 2024-2025. Ảnh PV
Tạo động lực thúc đẩy phát triển giáo dục bền vững, ngành giáo dục đã triển khai tốt các nguồn vốn dự án đầu tư, phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa để kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Đầu năm học 2024-2025, cô trò điểm Trường Mầm non bản Phiêng Mựt, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai được đón niềm vui mới khi điểm trường mới được khánh thành, đưa vào sử dụng. Ngôi trường đẹp như cổ tích nổi bật giữa cánh đồng và đồi núi hoang sơ, là nơi chăm sóc, giáo dục hơn 150 trẻ mầm non của 3 bản thuộc xã Mường Giôn, cách trung tâm xã gần 10 km. Trường có tổng diện tích mặt bằng gần 2.300 m², diện tích mặt sàn 394 m² với 6 phòng học, 1 bếp ăn bán trú, 4 nhà vệ sinh và khuôn viên cây xanh, khu vui chơi, tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Công trình được tài trợ bởi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty Idemitsu Gas Production (Vietnam), Quỹ “Trò nghèo vùng cao” làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Kiến trúc Xây dựng Quốc tế 1+1>2 tài trợ thiết kế với kiến trúc độc đáo, thân thiện môi trường. Ngôi trường đẹp khang trang cũng thu hút được các em đến lớp đều đặn mỗi ngày và các cô cũng có điều kiện để chăm sóc, giáo dục tốt cho các em học sinh.
Bà Lương Thị Tám, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Những năm qua, huyện ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, tăng cường kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các điểm trường, nhà bán trú, nhà công vụ ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn phòng học tạm. Quỳnh Nhai cũng là huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất của tỉnh với 35/38 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Giờ học của thầy và trò Trường THCS Chiềng Khay, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai.
Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học và lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, hằng năm, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, thị xã rà soát cơ sở vật chất, thực hiện triển khai hiệu quả các đề án về hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học.
Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 248 tổ chức, cá nhân đầu tư xã hội hóa cho giáo dục, với tổng số tiền huy động 159 tỷ đồng, xây mới 505 phòng học, 132 phòng công vụ cho giáo viên. Đến nay, đối với bậc mầm non, toàn tỉnh có 4.612 phòng, trong đó trên 97% phòng học kiên cố, bán kiên cố; số phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi đảm bảo. Bậc tiểu học có 6.236 phòng học, trong đó 97,7% số phòng học kiên cố, bán kiên cố. Bậc phổ thông có 4.060 phòng học với trên 99% số phòng học kiên cố, bán kiên cố.
Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Hệ thống cơ sở trường, lớp học trong tỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, 100% cơ sở trường học trong tỉnh đăng ký phong trào thi đua “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”. Bậc học mầm non có gần 100% số trường triển khai học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới, có đủ bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu phục vụ cho hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Đối với các bậc tiểu học, THCS, THPT, giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý, tổ chức lớp học 2 buổi/ngày.
Trường PTDT Nội trú tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang.
Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 421/596 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia (đạt 70,64%) về đích sớm 1 năm và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Duy trì vững chắc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (đạt 100%). Tỉnh Sơn La được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 vào tháng 8/2023; đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2 vào tháng 11/2023, là tỉnh thứ 12 trong toàn quốc và tỉnh thứ 5 trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2.
Từ những giải pháp đột phá, đổi mới và những chỉ đạo kiên quyết, toàn ngành giáo dục - đào tạo đã có những bước tiến cụ thể trong thực hiện cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục thực chất và bền vững với những kết quả, thành tựu rất đáng khích lệ. Trong giai đoạn từ năm học 2019-2020 đến năm học 2024 – 2025, quy mô mạng lưới trường lớp được củng cố và phát triển, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực, cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông có sự chuyển biến, tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn trước.
Việt Anh - Duy Tùng - Hoàng Giang