Chàng thanh niên ra chiến trường với đôi bàn tay có năng khiếu hội họa

Chàng thanh niên ra chiến trường với đôi bàn tay có năng khiếu hội họa
6 giờ trướcBài gốc
Cựu chiến binh Đàm Duy Thiên chia sẻ tại buổi tọa đàm, giao lưu với chủ đề “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng” chiều ngày 21/4 tại Đại học Công nghệ Giao thông vận tải. Ảnh: Đức Huy.
Cựu chiến binh Đàm Duy Thiên, nguyên là lính trinh sát trẻ thuộc Sư đoàn 341 - Sông Lam - đã bước vào quân ngũ cuối năm 1972 khi còn chưa học xong cấp ba. Ông đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng những chàng thanh niên mang theo hành trang là lòng yêu nước trong sáng và đôi tay có năng khiếu hội họa ra chiến trường. Chính năng khiếu này đã đưa ông trở thành chiến sĩ trinh sát vẽ bản đồ.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, giao lưu với chủ đề “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng” tại Đại học Công nghệ giao thông vận tải, ông Đàm Duy Thiên nói: “Có hai lực lượng quan trọng trong chiến tranh, một là lính trinh sát, hai là người làm nhiệm vụ cơ yếu cơ mật. Nếu người lính trinh sát bị địch bắt và khai ra thông tin, lực lượng của ta có thể bị xóa sổ. Vì vậy đây là một công việc đòi hỏi bản lĩnh lớn”.
“Đừng uống nước dọc đường, trong đó có độc”
Theo dòng ký ức, người cựu chiến binh Đàm Duy Thiên kể lại rằng vào những ngày đầu huấn luyện, ông được đào tạo khắt khe trong công tác trinh sát. Lĩnh vực này đòi hỏi tốc độ, trí nhớ tốt và khả năng ghi nhớ địa hình cực kỳ chính xác. Không có chỗ cho sai sót, bởi một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến việc phá sản cả một kế hoạch tác chiến. Từ việc ghi nhớ từng ngọn đồi, từng dòng suối cho đến các mốc địa lý chiến lược, ông phải luyện trí nhớ như một phản xạ tự nhiên.
“Một khi được lệnh đánh dấu các vị trí vào bản đồ, chúng tôi bắt buộc phải nhớ rõ từng chi tiết. Quân lệnh như sơn, đó là điều quan trọng nhất”, ông Đàm Duy Thiên chia sẻ.
Trong chiến trường miền Nam khốc liệt, ông đã cùng đồng đội hành quân vượt Trường Sơn, đặt chân đến ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia, rồi tiến vào mặt trận B2, góp mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những kỷ niệm khó quên ấy gắn liền với thử thách về thể lực và ý chí: cơ thể gầy yếu chỉ nặng 49 kg, hành quân 40-50 km mỗi ngày.
Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của các cựu chiến binh, người từng là đồng đội của ông Đàm Duy Thiên.
“Đừng uống nước dọc đường, trong đó có độc” là bài học đầu tiên ông Đàm Duy Thiên được dạy. Dù có khát đến đâu, người lính trinh sát chỉ được uống nước trong chiếc bi-đông được phát bởi các nguồn nước xung quanh chiến trường có thể đã nhiễm chất độc da cam. Mỗi lần ông Thiên uống một ngụm nhỏ tránh tình trạng mất nước và kiệt sức.
Hơn hết, bài học ông luôn nhấn mạnh chính là tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật tuyệt đối. Là lính trinh sát kiêm chiến sĩ đồ bản, ông hiểu rõ hơn ai hết vai trò sống còn của thông tin tình báo. Nếu không may rơi vào tay địch, người lính trinh sát có thể phải đối mặt với sự tra hỏi gắt gao từ địch. Vì thế, ông không được phép rời vị trí tác chiến nếu chưa có lệnh, và mỗi lần di chuyển đều phải xin phép, báo cáo đầy đủ.
Trải nghiệm chiến tranh đã tôi luyện một chàng trai trẻ thành người lính trinh sát bản lĩnh, kiên cường và thấu hiểu sâu sắc giá trị của từng tấc đất quê hương. Cho đến năm 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã trở thành người vẽ tấm bản đồ mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc cho quân ta tiến vào Sài Gòn.
50 năm vẫn nhớ từng địa phận của bản đồ tác chiến
Năm 19 tuổi, ông Đàm Duy Thiên được giao nhiệm vụ đặc biệt: vẽ bản đồ tác chiến cho trận đánh Xuân Lộc - nơi được ví như “cánh cửa thép” phía Đông bảo vệ Sài Gòn. Đó là một trọng trách nặng nề, đòi hỏi sự tỉnh táo, chính xác và kiên cường trong hoàn cảnh chiến trường khốc liệt, nơi từng tấc đất đều nhuốm mồ hôi, máu và sự hi sinh của đồng đội.
Giữa bom đạn và tiếng gầm rú của chiến tranh, chàng trai trẻ ngày ấy phải lắng nghe từng chỉ thị của chỉ huy, ghi chép từng chi tiết từ các đơn vị trinh sát, rồi nhanh chóng chuyển hóa thông tin ấy thành bản đồ thực chiến. Chỉ trong hơn một tuần, ông đã hoàn thành bản đồ cho mặt trận Xuân Lộc. Đây là tấm bản đồ mang giá trị sống còn, góp phần quan trọng vào chiến thắng của Quân đoàn 4 và quân dân Bà Rịa - Long Khánh trong trận đánh kéo dài suốt 12 ngày đêm. Nhờ bản đồ ấy, từng hướng tấn công, từng vị trí pháo binh, từng mục tiêu cụ thể đều được xác lập chính xác, giúp ta phá vỡ tuyến phòng thủ cuối cùng của địch, mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng Biên Hòa - Sài Gòn.
Bản đồ trận Xuân Lộc do ông Đàm Duy Thiên vẽ. Nguồn: Báo Nhân dân.
Đến tận hôm nay, ký ức về những địa danh gắn với từng nét vẽ bản đồ, từng trận đánh dữ dội vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông. Những tên địa danh như Trảng Bom, Dầu Giây, ấp Suối Tre, Tân Phong cho đến nay vẫn in sâu trong ký ức của ông Đàm Duy Thiên
“Một ly trên bản đồ bằng 12 km, vì vậy sai một ly, đi một dặm. Với những người vẽ bản đồ như tôi, một nét vẽ là sinh mạng của bao người lính trên chiến trường”, ông Đàm Duy Thiên nói.
Năm mươi năm sau, người lính trinh sát năm nào vẫn nghẹn ngào khi nhắc đến nghĩa trang Trảng Bom, Xuân Lộc - nơi yên nghỉ của nhiều đồng đội ông, những người đã không trở về. Ông Đàm Duy Thiên chia sẻ: Được sống sót trở về là điều quá đỗi quý giá, bởi vậy ký ức về trận đánh, về bản đồ Xuân Lộc, về những địa danh xưa cũ - không bao giờ phai trong tâm trí ông.
Qua mỗi câu chuyện ông kể, thế hệ sau hiểu thêm rằng chiến thắng không chỉ đến từ những trận đánh anh dũng, điều đó còn bắt đầu từ từng nét bút thầm lặng, từ bản đồ của một chàng trai 19 tuổi dám vẽ giữa lửa đạn, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.
Đức Huy
Nguồn Znews : https://znews.vn/cach-linh-trinh-sat-sinh-ton-dung-uong-nuoc-la-trong-do-co-doc-post1548057.html