Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là trung tâm sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chính xác và lắp ráp ô tô và đây là những thị trường lớn cho robot cánh tay. Việt Nam đang có lợi thế là một quốc gia đang phát triển mạnh về sản xuất và công nghệ. Nếu kết hợp robot cánh tay với chuyển đổi số và AI, sẽ giúp tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng lao động và sản phẩm.
Robot cánh tay (robot arm) là một trong những loại robot phổ biến nhất trong tự động hóa hiện đại. Nó được thiết kế mô phỏng chuyển động của cánh tay người, có thể có từ 3 đến 7 bậc tự do.
Trên thế giới, những quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ là những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực robot cánh tay công nghiệp, với các chiến lược và đầu tư khác nhau để phát triển công nghệ này.
Những doanh nghiệp của Việt Nam chen chân vào thị trường này vẫn là câu chuyện khó. Thế nhưng, vẫn có nhiều startup Việt muốn thử sức ở một thị trường đầy thách thức này.
Hồi năm 2022, startup đến Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 2 là Đoàn Hồng Trung – nhà sáng lập và điều hành Công ty cổ phần công nghệ IMWI, một công ty chuyên về cánh tay robot và trí tuệ nhân tạo đã kêu gọi đầu tư cánh tay Robot Delta X.
Đây là cánh tay robot ứng dụng trong dây chuyền sản xuất công nghiệp. Tại thời điểm đó, Shark Hùng Anh cho biết ông thích nghị lực, ý chí của startup. Chính vì vậy ông sẽ đầu tư cho Hồng Trung 10 tỷ đổi lấy 35% cổ phần.
Robot cánh tay vẫn là sự thử thách cho một số startup Việt trên con đường chinh phục thị trường đầy thách thức này.
Mới đây, Hữu Trung - một 9x người Việt đã ra mắt cánh tay robot công nghiệp 6 bậc tự do mang tên ELBOT với 80% nguyên liệu của Việt Nam và chỉ với dung sai 0.1mm ở phiên bản ELBOT Mark 3 và chỉ 0.05mm ở phiên bản Mark 4.
Robot ELBOT được chế tạo từ chất liệu thép và nhôm đúc nguyên khối, thiết kế theo dạng mô đun có sải tay dài 1310mm, độ chính xác ±0.1mm, tải trọng tối đa 6kg và trọng lượng chỉ 43kg. Ảnh: PV
Giấc mơ robot của chàng trai trẻ thế hệ 9X
Sinh năm 1993, Hữu Trung đã có 20 năm theo đuổi giấc mơ công nghệ kể từ khi mới 11 tuổi. Với niềm yêu thích và mong muốn được chế tạo ra một cỗ máy có thể phục vụ con người từ khi mới 11 tuổi, Hữu Trung đã từng ngày biến ước mơ thành hiện thực.
Sau 5 năm ấp ủ, tìm tòi, đến năm 2010, Hữu Trung đã chính thức chế tạo hoàn thiện phiên bản đầu tiên – một cánh tay robot mini 5 bậc, với kích thước khoảng 300mm.
Tuy nhiên, ở vai trò là một cậu học sinh phổ thông trung học, Hữu Trung biết rằng để làm nên một cánh tay robot như mình ao ước thì còn là một khoảng cách rất xa.
Vì thế, hơn 10 năm tiếp theo anh dành thời gian tích lũy kiến thức về cơ khí, điện tử, lập trình, thiết kế đồ họa 3D… Để đi đến Elbot Mark 3 hiện nay, anh đã thiết kế gần 30 phiên bản khác nhau.
Hữu Trung - một 9x người Việt đã ra mắt cánh tay robot công nghiệp 6 bậc tự do mang tên ELBOT với 80% nguyên liệu của Việt Nam. Ảnh: PV
Nhận biết được robot là một công cụ hữu ích không chỉ trong công việc mà cả đời sống con người nhưng chi phí để sở hữu một thiết bị công nghệ cao vô cùng tốn kém khiến nó chưa được phổ biến, vì thế, Hữu Trung quyết định chế tạo một robot “made in Vietnam” để không chỉ dành các đơn vị lớn mà cả doanh nghiệp nhỏ hay cơ sở đào tạo, cá nhân cũng có thể tiếp cận được.
Bên cạnh đó, Elbot là một quá trình tối ưu về mọi mặt, từ chi phí cho tới cách sử dụng công nghệ; giúp thay thế con người làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm và phù hợp cho việc nghiên cứu, giảng dạy và phát triển công nghệ.
Hành trình nghiên cứu và sáng chế thành công ELBOT - cánh tay robot công nghiệp đối với Hữu Trung không chỉ là những năm tháng tích lũy và học hỏi nghiêm túc kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau: kiến trúc, đồ họa, lập trình, thiết kế… mà còn là một minh chứng cho việc dám nghĩ dám làm, không gì là không thể và ý chí, sự quyết tâm của người Việt Nam.
Thiết kế hiện tại của Elbot Mark 3 có một ưu điểm đặc biệt: có thể dễ dàng chuyển đổi từ robot công nghiệp sang robot cộng tác (Cobot) trong tương lai, giúp mở rộng khả năng ứng dụng linh hoạt hơn.
Cánh tay robot 6 bậc tự do (6-DOF robot arm) ngày càng trở thành công cụ không thể thiếu trong các dây chuyền sản xuất hiện đại. Sở hữu cấu trúc mô phỏng chuyển động tay người, loại robot này có khả năng thực hiện đa dạng tác vụ phức tạp với độ chính xác cao, linh hoạt và tốc độ vượt trội.
ELBOT được chế tạo từ chất liệu thép và nhôm đúc nguyên khối, thiết kế theo dạng mô đun có sải tay dài 1310mm, độ chính xác ±0.1mm, tải trọng tối đa 6kg và trọng lượng chỉ 43kg, đáp ứng được đường kính không gian làm việc lên đến 2.6m - một thiết kế tối ưu giữa hiệu suất và tính linh hoạt cho nhiều ngành công nghiệp.
ELBOT bao gồm 3 bậc tự do cho chuyển động định vị (gốc đến cổ tay) - chuyển động trong không gian 3D để đưa tay robot đến đúng vị trí và 3 bậc tự do cho chuyển động định hướng (cổ tay) cho phép xoay, nghiêng, gập đầu công cụ (end - effector) theo nhiều hướng.
Để đạt được độ chính xác đến 0.1mm và 0.05mm, tất cả các khớp của robot phải đạt đến độ gia công, chế tạo cực kì chính xác.
“Thời điểm tôi nói sẽ chế tạo một cánh tay robot, gần như không ai hiểu được mong muốn đó. Có không ít người chê cười vì không biết tôi làm ra sản phẩm này trông sẽ như thế nào hoặc nghĩ mình… ảo tưởng. Tuy nhiên, tôi có những người thân trong gia đình luôn ủng hộ và quyết tâm của bản thân. Tôi luôn nói với mọi người rằng, đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn bởi như vậy mới có kết quả. Khi nhìn lại hành trình trong suốt bao nhiêu năm qua đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện, tôi cảm thấy rất tự hào”.
Hữu Trung cũng chia sẻ thêm rằng, thời gian tới anh sẽ cho ra mắt một sản phẩm công nghệ “đến từ thế kì 22” - một cỗ máy lưu trữ không gian 4 chiều với kích thước rất nhỏ mà không cần sử dụng điện vẫn có thể hoạt động.
Mục đích Hữu Trung nghiên cứu và phát triển cỗ máy này đó là sử dụng lưu trữ dữ liệu lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ở dạng vĩnh cửu, không thể hỏng hóc hay bị lỗi.
Hữu Trung cũng mong rằng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ công nghệ. Anh hi vọng sẽ có nhiều người bạn đồng điệu về tâm hồn, cùng thực hiện hóa những ý tưởng và cùng nhau tạo ra những thế hệ robot hiện đại, thông minh hơn nữa do chính người Việt làm ra.