Chàng trai Mông đi đầu chuyển đổi số du lịch ở Phình Hồ

Chàng trai Mông đi đầu chuyển đổi số du lịch ở Phình Hồ
2 giờ trướcBài gốc
"Đại sứ du lịch" ở bản làng trên mây Sùng A Tủa
Xã Phình Hồ ở lưng chừng núi, được mệnh danh là "bản làng trên mây" bởi nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, quanh năm chìm trong biển mây, là nơi sinh sống của đồng bào người dân tộc Mông. Và Lau Camping Phình Hồ đang là địa điểm cắm trại hot ở Yên Bái được giới trẻ ưa thích vì có tầm nhìn đẹp, là tọa độ săn mây và khám phá vô cùng hấp dẫn. Đến đây, du khách được hòa mình vào bức tranh thiên nhiên trong lành, hoang sơ, quanh năm mát mẻ. Một trong những lý do hút khách biết đến nơi này là nhờ xem hình ảnh trên kênh TikTok của Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phình Hồ, Sùng A Tủa.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phình Hồ, người con của bản làng A Tủa có điều kiện thuận lợi khi biết tiếng dân tộc và hiểu rõ về bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Nắm bắt những lợi thế của địa phương, A Tủa đã tích cực truyền thông, quảng bá, lan tỏa hình ảnh Phình Hồ trên các nền tảng số với mong muốn sẽ có nhiều du khách biết và đến với quê hương mình. Với giọng nói mang đặc trưng riêng cùng bộ trang phục truyền thống của dân tộc, mỗi video của A Tủa là một câu chuyện đặc sắc về văn hóa, ẩm thực của người Mông, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả xem kênh ở khắp mọi nơi.
Chia sẻ về câu chuyện về tiếp cận, học hỏi, ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế và phát triển du lịch địa phương, A Tủa cho biết: "Lợi thế, tiềm năng là vậy nhưng lúc đầu nhận thức của bà con còn lạc hậu lắm. Nói đến làm du lịch ở Phình Hồ là điều gì đó rất xa vời nên khi tôi có ý tưởng và hô hào mọi người tham gia thì không ai tin mình sẽ làm được nên mọi người không ủng hộ.
Rồi khi tốt nghiệp đại học trở về, tôi được tiếp cận với công nghệ, biết sử dụng điện thoại thông minh nên đã học hỏi thêm được nhiều điều hay qua mạng, đặc biệt là học được các kỹ năng ứng dụng công nghệ số phục vụ xây dựng sản phẩm truyền thông quảng bá cho các sản phẩm nông sản và du lịch của địa phương. Theo đó, từ chỗ chưa biết gì, tôi đã tập làm các video clip.
Lúc đầu cũng thấy khó, nhưng tôi nghĩ rằng nhiều người làm được thì mình cũng làm được nên mạnh dạn thử quay và chia sẻ những sinh hoạt, cuộc sống thường ngày của bà con. Và tôi không nghĩ những sản phẩm đó lại được nhiều người quan tâm, yêu thích đến thế. Để tăng độ chuyên nghiệp, tôi đã quyết định xuống Hà Nội để học làm TikTok. Hiện nay kênh TikTok của tôi có hơn 200.000 người theo dõi".
"Chỉ là những hình ảnh giản dị, mộc mạc từ núi rừng, khung cảnh đến cuộc sống của đồng bào thôi song những video đó lại chính là những điều mà người miền xuôi thích thú và thu hút được du khách lên với Phình Hồ. Đến đây, du khách không chỉ để săn mây, mà họ còn trải nghiệm cuộc sống của đồng bào người Mông, khám phá văn hóa, ẩm thực… Do đó, tôi đã động viên bà con đăng ký liên kết làm du lịch và hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 400 hộ gia đình tham gia, họ trồng rau, nuôi lợn, gà đen, chế biến chè Shan tuyết… để phục vụ khách du lịch mỗi khi đến Phình Hồ. Từ đó, tạo sinh kế bền vững cho bà con.
Cùng với đó, tôi còn giúp bà con tiêu thụ các sản phẩm trà Shan Tuyết tại địa phương với thương hiệu Hồ Shan Trà để người dân có thu nhập ổn định hơn từ cây chè Shan Tuyết cổ thụ Phình Hồ. Các sản phẩm chè của hợp tác xã chè Phình Hồ cũng đã và đang đứng top đầu thịnh hành trên sàn thương mại điện tử TikTok Shop", A Tủa chia sẻ thêm.
Với sự nỗ lực học hỏi, A Tủa giờ không chỉ biết quảng bá mà còn có thể tương tác trực tiếp với khách hàng qua các phiên livestream, giải đáp thắc mắc, lắng nghe góp ý của khách hàng để cải thiện dịch vụ. Và thời gian qua, A Tủa đã cùng một số TikToker đến từ các tỉnh mở các phiên livestream các mặt hàng OCOP để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương như: chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, gạo nếp Tú Lệ, gà đen Tây Bắc, miến, khoai sọ… Nhờ vậy mà khách du lịch đến với địa phương ngày càng đông, bà con có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Dương Phương Thảo, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu đánh giá: "Anh Sùng A Tủa là người trẻ đã ứng dụng thành công công nghệ số để phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn huyện. Bằng tình yêu quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc, A Tủa đã trở thành những nhà sáng tạo nội dung một cách nghiêm túc. Luôn năng động học hỏi để ứng dụng công nghệ số vào phát triển du lịch địa phương, anh còn sẵn sàng chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm sử dụng công nghệ số của mình với bà con và các bạn thanh niên để cùng liên kết quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, văn hóa bản sắc của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước. Thành công của Tủa đã tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng, lan tỏa hình ảnh Phình Hồ nói riêng và huyện Trạm Tấu trên các nền tảng số, góp phần đưa hình ảnh tỉnh Yên Bái ngày một vươn xa”.
Nói về quan điểm của mình, A Tủa bộc bạch: "Đối với tôi, chuyển đổi số là cơ hội giúp tôi kết nối với nhiều người hơn, tạo ra nhiều giá trị trong cuộc sống. Không phải ai cũng có điều kiện lên tận vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Do đó, việc làm video quảng bá như vậy sẽ giúp mọi người dù chỉ lướt điện thoại vẫn có thể hiểu ít nhiều về văn hóa, đời sống vùng cao, tạo sự kết nối giữa cộng đồng các dân tộc. Quan điểm của mình là khi làm du lịch cộng đồng cần coi trọng cái tình, cái chân thật; đừng quá ham chỉnh sửa sản phẩm truyền thông mà làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của các điểm du lịch và chất lượng thực của các sản phẩm nông sản, sản phẩm du lịch. Như thế khi đến với quê hương mình, du khách mới thấy thật, thấy yêu và muốn quay trở lại”.
A Tủa dự định trong thời gian tới, sẽ tiếp tục học hỏi để nâng cao hiểu biết, đáp ứng công nghệ ngày càng cao với mong muốn có thể tiếp cận các cách quảng bá mới, truyền thông, quảng bá, lan tỏa hình ảnh địa phương trên các nền tảng số. Cùng với đó, anh cũng mong muốn bà con, đặc biệt là những người làm nông nghiệp, du lịch tích cực sử dụng Internet, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, văn hóa bản sắc, con người Yên Bái, tiềm năng du lịch của Yên Bái đến bạn bè khắp nơi trong và ngoài nước để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Thanh Chi
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/210/330510/chang-trai-mong-di-dau-chuyen-doi-so-du-lich-o-phinh-ho.aspx