Chàng trai Phú Yên nhận giải nghiên cứu trẻ xuất sắc về xây dựng

Chàng trai Phú Yên nhận giải nghiên cứu trẻ xuất sắc về xây dựng
11 giờ trướcBài gốc
Nhận được thông báo nhận giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc về vật liệu cốt sợi trong xây dựng, PGS. TS. Thông coi đây là một dấu mốc mang tính biểu tượng trong sự nghiệp nghiên cứu. Anh cho biết, đó cũng là sự khích lệ lớn lao cho hành trình hơn một thập kỷ theo đuổi vật liệu cốt sợi, từ khi còn là nghiên cứu sinh, đến dẫn dắt các nhóm nghiên cứu có đóng góp thực chất cho lĩnh vực này.
“Khi bắt đầu, tôi không hình dung được rằng một ngày nào đó mình sẽ được vinh danh bởi IIFC - tổ chức quốc tế hàng đầu trong ngành, và càng không nghĩ rằng công trình của mình có thể tạo được ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu”, PGS.TS. Thông khiêm tốn nói.
Qua đó, anh cũng kỳ vọng rằng sự công nhận này sẽ góp phần lan tỏa tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, đổi mới và thực tiễn đến thế hệ nghiên cứu trẻ ở Việt Nam.
TS. Phạm Minh Thông - giảng viên cao cấp tại Đại học Nam Australia.
Kiên định với sự lựa chọn
Từ thời học sinh, tín hiệu dạy cho anh về sự kiên định bắt đầu bởi câu nói của ông ngoại: “Thành công mỗi ngày sẽ thành công một tuần, một tháng, một năm và cả cuộc đời…”.
Câu nói ấy dường như đã ngự trong tâm trí anh trên suốt hành trình học thuật, để học cách đối mặt, vượt qua một cách nhẹ nhàng sau mỗi lần thất bại. Còn nhớ năm 2011, anh Thông mang theo cả ước mơ của mình và niềm tự hào của bố mẹ tới Đại học Wollongong (Úc) bắt đầu làm nghiên cứu sinh. Khi mới đến Úc, như bất cứ người Việt nào, anh tốn nhiều thời gian để làm quen với những điều mới mẻ nhưng kèm nhiều rào cản.
Chính trong giai đoạn này (2011 - 2014), mặc dù có nhiều sự lựa chọn, nhưng anh đã kiên định đặt nền móng đầu tiên cho hướng nghiên cứu ứng dụng vật liệu cốt sợi trong tăng cường và gia cường kết cấu, với các nghiên cứu thực nghiệm và mô phỏng ban đầu. Đề tài này đã mang về cho anh giải thưởng Nghiên cứu sinh tiến sĩ xuất sắc nhất khoa.
PGS.TS. Phạm Minh Thông - giảng viên Đại học Nam Australia luôn thuộc top 2% nhà khoa học về chỉ số trích dẫn trên thế giới và mới được trao giải Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc của Hiệp hội lớn nhất về vật liệu cốt sợi (FRP) trong xây dựng - Viện Quốc tế (IIFC).
Sau khi tốt nghiệp, anh chuyển sang Đại học Curtin (Tây Úc) để nghiên cứu sau tiến sĩ rồi đến vị trí giảng viên cao cấp. Theo anh, điều làm nên sự khác biệt trong chuỗi nghiên cứu của một nhà khoa học xây dựng đó là cách tiếp cận toàn diện.
Từ ý tưởng thiết kế, thực nghiệm kiểm chứng, mô hình phần tử hữu hạn để khảo sát sâu hơn, và cuối cùng là đề xuất công thức thiết kế có thể chuyển giao cho kỹ sư trong thực tế. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu được triển khai không chỉ dưới tác động tĩnh mà còn chịu các tải trọng động phức tạp như va đập, nổ và động.
“Tôi tin rằng, chính phương pháp làm nghiên cứu bài bản, hướng tới các vấn đề thực tiễn và có chiều sâu học thuật đã giúp thuyết phục Hội đồng danh dự của IIFC trao giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc. Đây không chỉ là vinh dự cá nhân, mà còn là sự ghi nhận cho những nỗ lực nghiêm túc và kiên định trong suốt hành trình hơn 10 năm qua”, PGS.TS. Thông nói.
TS. Thông trao đổi học thuật với các nhà nghiên cứu quốc tế.
“Nghiêm khắc với bản thân và nghiên cứu của mình
Nhà nghiên cứu Đại học Nam Australia tập trung vào hai hướng nghiên cứu chính đó là cáp cốt sợi cho dầm đúc sẵn và bu lông cốt sợi cho liên kết dầm - cột. Cả hai hướng nghiên cứu đều xuất phát từ thực tế các cấu kiện bê tông truyền thống thường sử dụng thép làm vật liệu chịu lực, nhưng thép lại dễ bị ăn mòn theo thời gian, nhất là trong môi trường ven biển, hầm ngầm hoặc nơi có hóa chất.
Vì vậy, anh đã tập trung vào việc thay thế thép bằng vật liệu phi kim loại, nhẹ, bền, không rỉ và có khả năng chống chịu môi trường rất tốt. Ngoài ra, anh còn nghiên cứu về vật liệu mới giúp tạo ra các liên kết vừa bền, vừa có khả năng “hồi phục” sau chấn động, kết cấu không bị lệch vĩnh viễn mà có thể trở về trạng thái ban đầu.
Do được chế tạo từ sợi và nhựa nền, cốt sợi có độ bền khác nhau theo từng phương. Điều này cũng gây cản trở lớn trong quá trình nghiên cứu, ảnh hưởng lớn đến việc mô phỏng và tính toán kết cấu trong thực tế.
“Chúng tôi đã xây dựng các mô hình số có khả năng mô phỏng chính xác hành vi của vật liệu này theo nhiều phương tác động, từ đó đề xuất các công thức thiết kế điều chỉnh theo từng loại ứng dụng (uốn, kéo, cắt, va đập...)”, anh nói.
Quan trọng hơn cả, theo PGS.TS. Thông, để thuyết phục cộng đồng kỹ sư và nhà quản lý, chỉ kết quả thí nghiệm là chưa đủ. Anh đã cố gắng trình bày kết quả nghiên cứu dưới dạng các công thức thiết kế cụ thể, kèm theo khuyến nghị thực hành và phân tích vòng đời. Những kết quả này đã được trích dẫn trong nhiều công trình quốc tế.
PGS.TS. Thông (phải) tích cực tham gia các hội thảo khoa học quốc tế.
PGS.TS. Thông cùng nhóm nghiên cứu.
Trở thành nhà khoa học trong top 2% người có chỉ số trích dẫn bài báo cao nhất thế giới từ năm 2020 đến nay, anh cho rằng, đó là một hành trình làm nghiên cứu nghiêm túc và nhấn mạnh vào chất lượng thực sự, nghiêm khắc với bản thân và nghiên cứu của mình.
“Đặc biệt, tôi rất tâm đắc với câu nói "muốn vươn cao thì hãy đứng trên vai người khổng lồ", điều này có nghĩa hãy làm việc và hợp tác với những người giỏi và nhóm nghiên cứu thật mạnh”, PGS. TS. Thông cho hay.
Đối với các kỹ sư trẻ và nhà nghiên cứu đang theo đuổi nghiên cứu ở lĩnh vực này, anh Thông lưu ý, đây không phải là một lĩnh vực dễ đi tắt hay thành công nhanh chóng. Theo anh, khi nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thật không chỉ tạo ra giá trị hữu ích mà còn duy trì động lực rất tự nhiên cho người làm khoa học.
“Điều quan trọng nhất là phải duy trì sự tò mò khoa học và lòng tin vào giá trị của nghiên cứu. Sẽ có lúc bạn thấy cô đơn, nghi ngờ bản thân, nhưng nếu giữ được lửa đam mê, cộng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thái độ học hỏi không ngừng, bạn sẽ từng bước tìm được tiếng nói riêng trong cộng đồng khoa học”, PGS.TS. Thông nói.
Trong thời gian tới, anh định hướng tiếp tục phát triển ba nhóm nghiên cứu chính nhằm nâng cao khả năng ứng dụng thực tiễn và mở rộng giới hạn kỹ thuật của vật liệu này trong xây dựng. Bên cạnh đó, anh cũng tích cực tham gia các hướng nghiên cứu liên ngành tại Việt Nam và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm 100% “made in Vietnam” (từ ý tưởng, vật liệu đến thiết bị do các nhóm trong nước làm chủ).
Châu Linh
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/chang-trai-phu-yen-nhan-giai-nghien-cuu-tre-xuat-sac-ve-xay-dung-post1744529.tpo