Chàng trai trẻ và mối duyên với cải lương

Chàng trai trẻ và mối duyên với cải lương
2 giờ trướcBài gốc
Trương Lê Tuấn Kiệt (đứng giữa) mong muốn kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại vào cải lương
Tuấn Kiệt chia sẻ, ông ngoại là người ảnh hưởng lớn đến niềm đam mê của anh: “Hồi còn bé, ông thường chỉ dẫn, hun đúc tình yêu cải lương trong tôi. Do đó, tôi sớm tiếp xúc với loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cũng như nghệ thuật cải lương”.
Sau này, khi đang là sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học FPT TP.HCM, Tuấn Kiệt tích cực tham gia những hoạt động giao lưu, trau dồi kỹ năng ca hát. Bên cạnh đó, anh còn học thêm thanh nhạc cổ điển và Opera thính phòng để ứng dụng được vào thực tiễn, không ngừng đổi mới bản thân.
Mối duyên mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp của anh phải kể đến lần gặp gỡ Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Tiến sĩ (TS) Bạch Tuyết. “Tôi còn nhớ trong một chương trình giao lưu văn hóa - nghệ thuật dành cho sinh viên, tôi có cơ hội hát giao lưu với NSND, TS Bạch Tuyết. Không ngờ sau hôm ấy, cô giữ liên lạc với tôi. Hai năm sau gặp lại trong chương trình Học viện cải lương, tôi lại may mắn nhận được tấm vé vàng từ cô. Trong một lần đi cùng xe, cô Bạch Tuyết bảo tên thật của tôi hay nhưng cô cũng muốn đặt cho tôi một nghệ danh khác. Từ đó, nghệ danh Trương Lê Tuấn ra đời, tôi biết ơn và trân trọng những điều cô Bạch Tuyết đã dành cho tôi” - Tuấn Kiệt kể về những kỷ niệm đẹp cùng người thầy của mình.
Là thế hệ Gen Z, Tuấn Kiệt cũng như những bạn trẻ khác, mong muốn thổi "làn gió mới" vào nghệ thuật cải lương. Anh luôn nỗ lực trau dồi để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, vừa giữ được hồn dân tộc, vừa tiếp nhận những điều mới mẻ, tinh túy.
Trong những lần luyện tập cải lương cùng NSND, TS Bạch Tuyết, anh được rèn giũa thái độ làm nghề, tạo nên những sản phẩm chỉn chu, phù hợp với văn hóa đại chúng. Ngoài ra, Tuấn Kiệt cũng tiếp thu nhiều bài học quý giá từ NSND, TS Bạch Tuyết, đặc biệt là lòng biết ơn, tình thương và cách tiếp cận nghệ thuật một cách toàn diện. Những bài học này giúp Tuấn Kiệt vượt qua nhiều trở ngại và định hướng con đường phát triển bản thân.
Chia sẻ về chặng đường theo đuổi nghệ thuật cải lương, Tuấn Kiệt cho rằng bên cạnh những thách thức, người trẻ cũng có nhiều thuận lợi khi theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống.
“Tuổi trẻ là khoảng thời gian chúng ta tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các nền tảng truyền thông xã hội, mọi người đều có cơ hội tiếp cận và sáng tạo nghệ thuật dễ dàng hơn. Để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật thật sự ấn tượng và phù hợp với thị hiếu của khán giả, nghệ sĩ cần có tư duy đổi mới, nhạy bén với xu hướng và biết cách kết hợp yếu tố truyền thống với hiện đại. Đồng nghĩa, nội dung của các vở diễn phải gần gũi với cuộc sống; hình thức trình diễn cũng cần được cải tiến để thu hút khán giả, chẳng hạn như kết hợp với các yếu tố âm nhạc, hình ảnh hiện đại” - Tuấn Kiệt nói.
Hiện tại, không chỉ là sinh viên năm cuối của Trường Đại học FPT TP.HCM, anh còn học song song khoa Thanh nhạc của Nhạc viện TP.HCM. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Tuấn Kiệt đạt những kết quả xứng đáng. Nổi bật nhất là ngôi vị Á quân Học viện cải lương cùng giải thưởng 40 triệu đồng tiền mặt và học bổng 6 tháng trị giá 60 triệu đồng.
Là người trẻ có tình yêu mãnh liệt với cải lương, trân trọng bộ môn nghệ thuật cổ truyền, Tuấn Kiệt không ngừng phấn đấu và mong muốn đưa bộ môn này đến gần hơn với công chúng, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa của dân tộc./.
Ngọc Hân
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/chang-trai-tre-va-moi-duyen-voi-cai-luong-a183947.html