'Chảo lửa' Trung Đông không ngừng sục sôi

'Chảo lửa' Trung Đông không ngừng sục sôi
6 giờ trướcBài gốc
Cảnh đổ nát sau vụ tấn công của Israel tại Beirut (Lebanon) ngày 21-9. Ảnh: AP
Tình hình Trung Đông nóng lên từ cuối năm 2023, khi căng thẳng âm ỉ ở Dải Gaza bùng phát thành chiến sự quy mô lớn giữa Israel với phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine. Israel đặt mục tiêu cho chiến dịch này là khôi phục an ninh và xóa sổ Hamas, giải cứu các con tin bị nhóm vũ trang này bắt trong cuộc đột kích ngày 7-10-2023. Để làm được điều đó, Israel đã oanh tạc dữ dội các mục tiêu Hamas, bao vây, chia cắt các thành phố lớn ở Gaza. Các chiến dịch tấn công quy mô lớn của Israel ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam, khiến Hamas thiệt hại nặng nề nhưng cũng làm cho tình hình nhân đạo xấu đi nghiêm trọng. Đã có gần 45.000 người thiệt mạng và 105.000 người bị thương tại dải đất này, trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em. Israel cũng đã tổn thất hơn 600 binh sĩ. Cứ 10 người Gaza thì có 9 người mất nhà cửa, sống trong tình cảnh nguồn cung thực phẩm, y tế và các dịch vụ thiết yếu khác cực kỳ hạn chế. Dải đất hẹp ven Địa Trung Hải này lún sâu vào khủng hoảng nhân đạo. Hàng viện trợ vào Gaza nhiều lần bị cướp phá.
Israel đã hạ sát nhiều chỉ huy cấp cao của Hamas nhưng vẫn chưa thể đạt được 2 mục tiêu cơ bản đặt ra ban đầu. Israel cũng đối mặt sự chỉ trích ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế do gây thương vong lớn cho dân thường. Nhiều quốc gia đã kiện Israel lên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC). ICC hồi tháng 11 phát lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vì các tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh gây ra ở Gaza. Thay vì giành chiến thắng chỉ trong vài tháng như kế hoạch ban đầu của Israel, cuộc chiến chưa rõ thời gian kết thúc sau khi các nỗ lực đàm phán ngừng bắn do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian đều thất bại.
Từ một xung đột cục bộ, chiến sự ở Gaza dần kéo theo sự tham gia của toàn bộ các lực lượng vũ trang trong khu vực vốn coi Israel là đối thủ. Nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen đều tuyên bố tập kích Israel cũng như mục tiêu có liên hệ với Israel hoặc Mỹ để thể hiện sự đoàn kết với Hamas. Hamas, Hezbollah và Houthi đều là thành viên trong “Trục Kháng chiến” được Iran hậu thuẫn nhằm đối phó sự ảnh hưởng của Israel và Mỹ ở Trung Đông.
Trong năm qua, Hezbollah thường xuyên phóng rocket vào miền bắc Israel, khiến hơn 60.000 người phải sơ tán. Các đợt không kích, oanh tạc đáp trả của Israel đã giáng đòn mạnh vào Hezbollah, hạ nhiều chỉ huy cấp cao của nhóm này. Đặc biệt, tháng 10-2024, Israel bắt đầu chiến dịch đưa quân đổ bộ vào miền Nam Lebanon, chính thức mở màn cho một cuộc chiến tranh toàn diện. Tính đến nay đã có gần 3.800 người thiệt mạng tại Lebanon và hơn 100 người thiệt mạng tại Israel. Cuộc xung đột còn khiến hơn 1 triệu người dân Lebanon, chiếm gần 20% dân số, phải rời bỏ nhà cửa. Còn với Israel, gần 70.000 người dân phải di tản khỏi các khu vực biên giới phía Bắc. Tình hình gần đây hạ nhiệt phần nào sau khi Israel và Hezbollah đạt thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày, hiệu lực từ ngày 27-11, do Mỹ và Pháp làm trung gian. Tuy nhiên, thỏa thuận này có nguy cơ sụp đổ, do Israel và Hezbollah đều cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn và đã có động thái đáp trả.
Đói khát và bệnh tật bao trùm Dải Gaza. Ảnh: CTV News
Trong khi đó, Mỹ đã lập liên quân, bắt đầu tấn công các vị trí của Houthi ở Yemen để đáp trả nhóm vũ trang tăng cường tập kích tàu hàng nghi có liên hệ với phương Tây hoặc Israel qua Biển Đỏ, ảnh hưởng hoạt động vận tải biển toàn cầu. Tuy nhiên, các đòn tập kích của Mỹ vào Yemen vẫn chưa thể ngăn Houthi tiếp tục các cuộc tấn công tàu hàng, tàu chiến trên Biển Đỏ.
Đặc biệt, hai quốc gia kình địch trong khu vực là Israel và Iran chuyển sang đối đầu không công khai. Sau khi Israel liên tiếp hạ sát các chỉ huy cấp cao, thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah, đêm 1-10, Iran đã phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo nhằm vào ba căn cứ quân sự Israel để trả đũa. Tình hình trở nên căng thẳng đáng kể, bởi Israel dường như muốn đáp trả bằng cách nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran, trong khi Tehran dọa sẽ đáp trả nếu lợi ích cốt lõi bị đe dọa. Mỹ đã tiến hành chiến dịch ngoại giao con thoi để thuyết phục đồng minh Israel không tiến hành các động thái leo thang quá mức. Ngày 26-10, Israel mở chiến dịch hiệp đồng tác chiến ném bom, phóng hàng loạt tên lửa vào cơ sở quân sự, nhà máy chế tạo tên lửa Iran. Iran tuyên bố sẽ trả đũa, nhưng đến nay vẫn kiềm chế trong hành động.
Khi xung đột Iran - Israel tạm lắng xuống thì những ngày cuối năm, “chảo lửa” Trung Đông lại được “tiếp dầu” khi lực lượng đối lập ở Syria trỗi dậy, nhanh chóng kiểm soát các thành phố chiến lược và lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Với việc ông al-Assad rời khỏi đất nước và lực lượng đối lập tuyên bố giành quyền kiểm soát, giới quan sát lo ngại chiến trường Syria có nguy cơ trở thành một điểm nóng mới lôi kéo các quốc gia đối thủ trong và ngoài khu vực tham gia. Một số nhà phân tích lo ngại chiến sự ở Trung Đông không sớm thì muộn cũng sẽ lan rộng.
Tuy nhiên, nhiều người hy vọng, vào thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức, các bên sẽ nỗ lực để thiết lập được một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Ông Trump sẽ tích cực nối lại tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab, Hồi giáo. Dù vậy, đây là một thử thách không dễ vượt qua. Ông Trump sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết mớ hỗn độn ở Trung Đông. Dự đoán cho năm 2025 cho thấy rằng Israel sẽ tiến hành một cuộc xung đột cường độ thấp ở Gaza trong suốt năm tới. Và rộng hơn, tình hình Trung Đông vẫn tiếp tục phức tạp và đầy thử thách cho bất kỳ ai muốn tìm kiếm hòa bình trong khu vực này.
GIA NGHI
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/chao-lua-trung-dong-khong-ngung-suc-soi-post307944.html