Trường Sa hôm nay không chỉ là pháo đài thép, lá chắn vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, mà còn là một đơn vị hành chính đang vươn lên mạnh mẽ từ nội lực, cùng sự phát triển của Khánh Hòa và cả nước.
Âu tàu - bến bình yên của ngư dân
Đưa tàu cá cập Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây xong, ông Nguyễn Văn Tứ (tỉnh Bình Định) nhanh nhẹn lên bờ, vui vẻ chào hỏi các cán bộ, nhân viên của trung tâm và nhờ kiểm tra giúp trục bánh lái. Trao đổi một hồi, các cán bộ trung tâm hỏi thêm ông Tứ về hành trình đã đi, lưu ý ông tuân thủ nghiêm các quy định về vùng biển được phép đánh cá, hỏi ông có thiếu nước ngọt, đá lạnh..., mọi thứ thân thiết như người nhà. “Tôi và bà con ngư dân thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ hải quân. Chúng tôi được hướng dẫn vào âu tàu, làng chài để tránh, trú bão; được tuyên truyền chấp hành pháp luật về khai thác hải sản; được hỗ trợ sửa chữa máy móc, cấp nước ngọt miễn phí; được khám, cấp thuốc và điều trị khi đau bệnh. Có âu tàu, chúng tôi luôn yên tâm vươn khơi bám biển”, ông Tứ cho biết.
Âu tàu đảo Trường Sa, điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Tại đảo Sinh Tồn, những năm qua, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật của đảo luôn tận tình phục vụ ngư dân, từ cung cấp đá lạnh, nước ngọt miễn phí, đến chia sẻ lương thực, thực phẩm, sửa chữa kỹ thuật, tư vấn pháp luật, cứu hộ, lai dắt tàu… Việc tiếp nhiên liệu cho các tàu được thực hiện kịp thời với mức giá như ở đất liền. Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Bỉnh - Phó Chỉ huy trưởng trung tâm cho biết, 5 năm qua, cán bộ, nhân viên trung tâm đã đón hàng ngàn lượt tàu cá vào tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới; khắc phục sự số cho 130 lượt tàu cá; cung cấp hơn 1.500m3 nước ngọt miễn phí, cung ứng hơn 400.000 lít dầu D0 bằng giá ở đất liền; tặng nhiều áo phao cá nhân, cờ Tổ quốc, tủ thuốc y tế, nhu yếu phẩm, thuốc men... Với các anh, niềm vui của ngư dân cũng là niềm vui của chính mình, từ đó tận tâm, tận lực giúp đỡ, góp phần thực hiện tốt chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Quản lý 2 trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật tại đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn và 2 làng chài tại đảo Núi Le, đảo Tốc Tan, từ năm 2020 đến nay, Hải đoàn 129 đã tuyên truyền pháp luật về khai thác hải sản cho hơn 7.000 lượt ngư dân với 1.500 lượt tàu cá; tặng 1.200 tủ thuốc y tế, 11.378 cờ Tổ quốc, 4.800 áo phao cá nhân; cấp miễn phí hơn 3.000m3 nước ngọt; hỗ trợ sửa chữa miễn phí cho hơn 150 lượt tàu cá; hướng dẫn, bố trí, sắp xếp vào tránh trú bão cho hơn 3.500 lượt tàu cá… Những âu tàu ở quần đảo Trường Sa đã trở thành bến bình yên, là “trạm dừng chân” giữa biển khơi của ngư dân. Thượng tá Bùi Ngọc Sang - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải đoàn 129 cho biết, các trung tâm đóng quân nơi biên giới, hải đảo nên việc tổ chức thay thế, luân chuyển con người, bổ sung lương thực, thực phẩm, trang thiết bị… phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, sóng gió. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, quân đội, Quân chủng Hải quân giao, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn 129 luôn chú trọng lựa chọn cán bộ, nhân viên vững vàng về bản lĩnh chính trị, có trình độ, năng lực tay nghề tốt; thường xuyên bồi dưỡng tay nghề; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị; tích cực tuyên truyền cho ngư dân.
Góp phần dựng xây Trường Sa
Cuối tuần qua, chúng tôi vinh dự được tham dự cuộc họp giao ban tuần của UBND huyện Trường Sa. Cuộc họp tập trung bàn những vấn đề rất thiết thực. Chủ tịch UBND huyện Lê Đình Hải yêu cầu từng người báo cáo về lĩnh vực phụ trách, rồi gợi ý thảo luận sát nhiệm vụ. Từng nội dung được bàn thảo sôi nổi, thẳng thắn, với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung giải quyết những tình huống phát sinh, những hoàn cảnh cần hỗ trợ. Ông Hải chỉ đạo rất cụ thể, người này chú ý công tác lưu hồ sơ, số hóa dữ liệu; người kia khẩn trương gặp người thân gia đình tư vấn cách chăm sóc thai phụ trong thời gian ở đảo; các địa điểm cần kiểm tra lại thiết bị rỉ sét do nước biển; các vị trí ở đảo cần xem lại hệ thống đèn điện… Cuộc họp chỉ khoảng 30 phút, nhưng những biến chuyển ở đảo đều được nắm bắt và quản lý sao cho tốt nhất.
Giờ học của thầy và trò Trường Tiểu học Trường Sa.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (44 tuổi, hiện dạy học tại Trường Tiểu học Vạn Giã 3, huyện Vạn Ninh) nhớ lại, lần đầu ra đảo Song Tử Tây (tháng 6-2018), khi tàu tới đảo, thấy cán bộ, chiến sĩ quăng dây, ra sức kéo xuồng cập bờ, người dân ra chào đón nồng nhiệt, những mệt mỏi vì hành trình sóng to gió lớn trên biển trong anh tan hết, rồi thương và gắn bó với đảo 5 năm liền. Đó cũng là khoảng thời gian thầy Phú cảm nhận cảnh quan môi trường ở đảo xanh tươi thêm từng ngày; các điều kiện về điện, nước, truyền hình... dần đủ đầy hơn, hiện đại hơn. Sự nồng hậu của người dân, sự quyến luyến của các em nhỏ là động lực để các thầy cô trên đảo nỗ lực chia sẻ mọi kiến thức mình có. "Có đợt, trường được trang bị 3 bộ máy vi tính, thầy trò chúng tôi vui lắm, vì tôi có thể hướng dẫn các em tiếp cận tin học, để khi vào bờ học cấp cao hơn, các em bớt bỡ ngỡ. Tôi cũng mong ở đây có thêm các cấp học cao hơn để các em nhỏ lớn lên ở Trường Sa được học tập trọn vẹn các cấp học tại đảo, trở thành những “đại sứ” tuyên truyền, bảo vệ Trường Sa trong tương lai", thầy Phú chia sẻ.
Bà Lê Thị Hiền (đảo Đá Tây) kể, những ngày mới đến, gia đình bà được cán bộ, chiến sĩ trên đảo và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá nhiệt tình hướng dẫn cách trồng rau, sử dụng nước ngọt hợp lý; được bác sĩ quân y chăm sóc, khám chữa bệnh; chỉ huy đơn vị thăm hỏi, động viên thường xuyên; hàng hóa cũng theo các tàu cá và tàu hàng thường xuyên gửi tới người dân qua âu tàu. Cuộc sống trên đảo cơ bản không thiếu gì... Giờ đây, lúc rảnh, bà tham gia trồng cây làm đường hoa, dọn vệ sinh, phân loại rác thải, nuôi gà, tham gia các hoạt động của hội phụ nữ… Ở đây, trẻ em được các chú bộ đội rất yêu thương, dạy cho nhiều kỹ năng. Bà và nhiều chị em ở đây đều mong các con được lớn lên trong sự giáo dục, đùm bọc của đảo, lớn lên được làm bộ đội canh giữ đảo.
Vâng, ước mơ đó thật đẹp. Chúng tôi từng vinh dự được dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma, được nghe lời khẳng định bảo vệ và xây dựng quần đảo ngày càng vững mạnh của những cán bộ, chiến sĩ đã, đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Tại Khánh Hòa, 24 mô hình cột mốc đảo Trường Sa được khánh thành tại các trường học nhằm thực hiện các công trình "Trường Sa trong trái tim tôi", cùng những chương trình giáo dục ngoại khóa về biển, đảo đã góp phần hun đúc lòng tự hào dân tộc của các bạn trẻ, làm gia tăng tình yêu biển, đảo. Ông Lương Đức Hiếu (41 tuổi), ra đảo từ tháng 6-2023, hiện là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Sinh Tồn kiêm văn phòng thống kê cho biết: “Từ hồi trẻ, tôi đã mơ ước được đặt chân tới Trường Sa, giờ ước mơ đó đã toại nguyện”.
Được ra Trường Sa cống hiến, góp phần đưa Trường Sa vươn lên không chỉ là mơ ước của ông Hiếu, mà còn là khát vọng của nhiều người Việt. Có lẽ, tình yêu Trường Sa của những người đã, đang cống hiến cho đảo được hun đúc từ tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, từ những em bé Trường Sa lớn lên bên tiếng sóng, học lịch sử 50 năm giải phóng quần đảo qua câu chuyện bám biển của cha ông và ấp ủ khát vọng cống hiến cho đảo. Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã đi vào thực tiễn từ những suy nghĩ giản dị, những hành động nhỏ bé như vậy của những con người ở đảo và của quân dân cả nước, vì một Trường Sa vững mạnh.
VĨNH THÀNH - THIỀU HOA
Kỳ cuối: Tiếp tục phát triển nhanh, vững mạnh