Chắp cánh 'Ước mơ xuân' của thiếu nhi Quảng Trị

Chắp cánh 'Ước mơ xuân' của thiếu nhi Quảng Trị
một ngày trướcBài gốc
31 năm gieo “Ước mơ xuân”
- Được biết, Nhà Thiếu nhi tỉnh vừa phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công chương trình “Ước mơ xuân” năm 2025. Đề nghị anh chia sẻ về chương trình này?
- Đã thành thông lệ, năm nay, cán bộ, viên chức Nhà Thiếu nhi tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình “Ước mơ xuân”. Chương trình càng trở nên ý nghĩa khi diễn ra vào dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào đón xuân Ất Tỵ. Năm nay, Nhà Thiếu nhi tỉnh chọn TP. Đông Hà là địa điểm tổ chức. Chương trình của chúng tôi có sự chung tay của cán bộ, chiến sĩ Hải đội 202, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển II và các liên đội. Trong chương trình, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức như: Giao lưu văn hóa - văn nghệ; giới thiệu về tết cổ truyền; tổ chức các trò chơi dân gian... Một trong những điểm nhấn của chương trình là các em nhỏ được trải nghiệm gói bánh chưng với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển. Đặc biệt, đã trở thành nét đẹp truyền thống, năm nay, Nhà Thiếu nhi tỉnh tiếp tục cùng các đơn vị trao nhiều suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để ai ai cũng được vui tết, đón xuân.
- Đến nay, 31 năm đã trôi qua kể từ ngày chương trình “Ước mơ xuân” đầu tiên được tổ chức. Xuất phát từ đâu mà Nhà Thiếu nhi tỉnh xây dựng và duy trì đều đặn chương trình này, thưa anh?
-Từ trước đến nay, cán bộ, viên chức Nhà Thiếu nhi tỉnh luôn mong muốn mang những điều tốt đẹp đến với trẻ em. Ở một số miền quê trong tỉnh vẫn còn các em nhỏ có hoàn cảnh rất khó khăn. Vào dịp tết đến, xuân về, một số em không thể thực hiện giấc mơ dẫu nhỏ bé của mình. Điều đó đã thôi thúc cán bộ, viên chức Nhà Thiếu nhi tỉnh hình thành ý tưởng tổ chức chương trình “Ước mơ xuân”. 31 năm trước, chúng tôi tổ chức chương trình đầu tiên và biến “Ước mơ xuân” trở thành hoạt động thường niên. Để duy trì chương trình trong thời gian dài như vậy, các thế hệ cán bộ, viên chức Nhà Thiếu nhi tỉnh đã hết sức nỗ lực.
Nhà Thiếu nhi tỉnh cùng các đơn vị mang xuân vui đến với trẻ em vùng khó thuộc huyện miền núi Hướng Hóa - Ảnh: T.L
- Vậy qua 31 năm tổ chức, chương trình “Ước mơ xuân” đã mang về những tín hiệu vui gì?
- Khó có thể kể hết những kết quả mà chương trình mang lại. Tôi có thể khái quát thành 3 niềm vui lớn. Những người chung tay tổ chức chương trình vui bởi đã làm nên một chương trình ý nghĩa cho em thơ vào dịp Tết đến, xuân về. Các em nhỏ vui bởi được tham gia nhiều hoạt động lý thú, bổ ích, giúp hiểu thêm về cái tết cổ truyền của dân tộc. Thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vui vì nhận được món quà ấm tình yêu thương. Những niềm vui đó chính là động lực to lớn, thôi thúc chúng tôi vượt qua mọi thử thách.
- Trực tiếp cùng cán bộ, viên chức Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức nhiều chương trình “Ước mơ xuân”, anh có thể chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ về chương trình này?
- Trong tôi, mỗi chương trình “Ước mơ xuân” đều gắn liền với nhiều kỷ niệm đẹp. Trao tặng những món quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, tôi cảm nhận rõ niềm vui của các em. Trước khi chương trình “Ước mơ xuân” diễn ra, một số em vẫn đang chờ đợi niềm vui tết. Không chỉ các em nhỏ khó khăn, chương trình “Ước mơ xuân” còn có sự tham gia của đông đảo thiếu nhi địa phương. Cảm nhận được ý nghĩa mà chương trình mang lại, các em đã góp sức bằng nhiều cách. Điều đó càng tôn lên ý nghĩa của chương trình.
Nhân lên những việc làm tốt đẹp
- Không chỉ mang “Ước mơ xuân” đến với thiếu nhi vào dịp Tết đến, xuân về, thời gian qua, Nhà Thiếu nhi tỉnh đã chắp cánh ước mơ cho nhiều em nhỏ, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đề nghị anh chia sẻ thêm về thông tin này?
- Từ lâu, Nhà Thiếu nhi tỉnh đã trở thành “mái nhà chung” của thiếu nhi Quảng Trị. Thông qua nhiều hoạt động, Nhà Thiếu nhi tỉnh đã ươm mầm, phát hiện, bồi dưỡng cho các tài năng trẻ. Thời gian qua, cán bộ, viên chức Nhà Thiếu nhi tỉnh luôn quan tâm đến việc hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Bên cạnh chương trình “Ước mơ xuân”, chúng tôi còn có nhiều hoạt động hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn khác. Những chuyến thiện nguyện ở vùng khó thường xuyên được Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức. Vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi hay tết Trung thu, đơn vị đều tổ chức các chương trình ý nghĩa cho thiếu nhi nói chung, trong đó có trẻ em nghèo. Trong quá trình đào tạo, ươm mầm, chúng tôi cũng chú ý hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng hình thức miễn, giảm học phí. Nhiều lớp học 0 đồng dạy các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn kỹ năng bơi lội, viết văn... đã được Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức.
- Hiện nay, vì nhiều lý do, trong đó có khoảng cách địa lý, một bộ phận em nhỏ chưa thuận lợi để đến với Nhà Thiếu nhi. Vậy, anh và đồng nghiệp đã có những nỗ lực gì để hỗ trợ các em?
- Đây là khó khăn và cũng chính là nỗi trăn trở từ lâu của cán bộ, viên chức Nhà Thiếu nhi tỉnh. Trong những năm qua, vì khoảng cách địa lý và một số lý do khác, việc thu hút thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn đến với Nhà Thiếu nhi tỉnh còn hạn chế. Trước thực tế ấy, chúng tôi nêu cao tinh thần “Đưa Nhà Thiếu nhi đến vùng khó”. Cán bộ, viên chức Nhà Thiếu nhi tỉnh đã tích cực phối hợp với các huyện, thị, thành đoàn tổ chức nhiều lớp học, chương trình giáo dục kỹ năng, sân chơi... cho thiếu nhi ở vùng khó ngay tại địa phương. Nhiều chương trình giao lưu giữa trẻ em miền ngược với miền xuôi, nông thôn và thành thị đã được chúng tôi tổ chức. Thiếu nhi ở vùng khó về miền xuôi tham gia các hoạt động tại Nhà Thiếu nhi tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực.
- Trong quá trình “Đưa Nhà Thiếu nhi đến vùng khó”, anh và đồng nghiệp còn điều gì trăn trở?
- Càng đi, chúng tôi càng thấy nhu cầu được học tập, trải nghiệm, vui chơi của các em nhỏ vùng khó là rất lớn. Thế nhưng, điều kiện của Nhà Thiếu nhi tỉnh lại có hạn. Vì vậy, số lượng chương trình hướng về thiếu nhi vùng khó vẫn chưa như mong muốn của chúng tôi. Mỗi lần tổ chức xong chương trình ở vùng khó, nhìn thấy ánh mắt tiếc nuối, mong chờ của các em là tôi và đồng nghiệp rất trăn trở. Trong năm 2025, dự kiến Nhà Thiếu nhi tỉnh sẽ được trang bị một chiếc ô tô 17 chỗ ngồi. Với sự quan tâm này, chúng tôi có điều kiện thuận lợi hơn để phối hợp với những nhà trường, liên đội ở vùng khó tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi địa phương.
- Thời gian tới, Nhà Thiếu nhi tỉnh sẽ có những giải pháp gì để có thể chắp cánh cho nhiều thiếu nhi, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn?
- Thời gian tới, Nhà Thiếu nhi tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của mình. Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cán bộ, viên chức Nhà Thiếu nhi tỉnh tiếp tục đưa các chương trình, sân chơi, lớp học... đến vùng khó. Cùng với đó, chúng tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm, phát hiện, hỗ trợ những thiếu nhi vùng khó có năng khiếu, tố chất để ươm mầm, phát triển, đồng thời tổ chức những hoạt động kết nối học sinh miền ngược với miền xuôi, nông thôn và thành thị để các em tăng cường giao lưu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Hy vọng nỗ lực của chúng tôi sẽ nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cấp, ngành, đơn vị liên quan và tổ chức, cá nhân hảo tâm.
- Xin cảm ơn anh!
Tây Long (thực hiện)
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/chap-canh-uoc-mo-xuan-cua-thieu-nhi-quang-tri-191329.htm