Chấp nhận hy sinh như một sự cống hiến để hiện thực cách mạng tinh gọn bộ máy

Chấp nhận hy sinh như một sự cống hiến để hiện thực cách mạng tinh gọn bộ máy
5 giờ trướcBài gốc
Vừa qua, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Trao đổi với VietNamNet về nội dung này, TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong giai đoạn trước đây, chúng ta đã có những bước đi thích hợp để tinh gọn bộ máy và đạt được kết quả nhất định.
Đó là, số lượng các bộ giảm dần từ trên 30 bộ và cơ quan ngang bộ xuống còn 22 bộ, cơ quan ngang bộ, từ trên chục cơ quan thuộc Chính phủ xuống còn 8 cơ quan và duy trì con số này từ năm 2011 đến nay (mà đáng lẽ ra còn phải giảm nữa). Cơ cấu tổ chức của Chính phủ đã được thiết kế theo hướng tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực.
Đưa ra được tư duy mới, cách làm mới triệt để, quyết liệt hơn
Theo ông, vì sao Tổng Bí thư lại đưa ra yêu cầu về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy vào thời điểm này?
Bên cạnh những kết quả đạt được, đúng như Tổng Bí thư đã nói, chúng ta vẫn còn rất nhiều hạn chế như: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa được tiến hành một cách tổng thể, đồng bộ và toàn diện. Vẫn còn tình trạng nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối. Mặc dù Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương, nhưng vai trò và trách nhiệm tự quản của chính quyền địa phương vẫn chưa được nâng lên…
Tôi thấy những hạn chế mà Tổng Bí thư nhận định rất chính xác, đúng thực tiễn hiện nay.
TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Phạm Hải
Bây giờ chúng ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy trong cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, trong mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, chính là nhằm khắc phục những hạn chế Tổng Bí thư đã nêu, để thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và phát huy những kết quả đạt được.
Tôi nghĩ phải thêm cả tính khoa học nữa, để đảm bảo hiệu quả chỉ làm một lần, phục vụ cho cả quá trình dài, tránh tình trạng mỗi lần chuẩn bị hết nhiệm kỳ hoặc sau thời gian ngắn lại phải sắp xếp lại vài tổ chức hoặc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật liên quan, rất mất thời gian, lãng phí.
Vì vậy, cần chú ý tính ổn định, nâng cao tuổi thọ các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy.
Đợt này nếu bảo đảm tính khoa học thì sẽ đổi mới tư duy tinh gọn, khắc phục được những hạn chế, đưa ra được tư duy mới, cách làm mới triệt để, quyết liệt hơn để đảm bảo phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Như ông nói, chúng đã đã trải qua nhiều lần thực hiện tinh gọn bộ máy. Vậy lần này có điều gì khác biệt và đáng chú ý so với những lần trước, thưa ông?
Tinh gọn bộ máy lần này như Tổng Bí thư Tô Lâm nói là một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, muốn đạt hiệu quả thì phải làm đến cùng và triệt để.
Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy này được tiến hành trong cả hệ thống chính trị, được thực hiện tổng thể, toàn diện và đồng bộ, làm đến cùng và triệt để thì mới bảo đảm được sự thành công.
Và việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thành công hơn gấp bội nếu chúng ta đồng thời thực hiện cả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đó là Cách mạng.
Tinh gọn tổ chức bộ máy lần này không nên thực hiện một cách cơ học là sáp nhập các tổ chức, cơ quan. Việc thành lập một tổ chức mới hoặc giải thể các tổ chức khác có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải phù hợp với yêu cầu của thực tiễn quản trị quốc gia, giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nếu giải quyết được vấn đề đó thì việc tinh gọn bộ máy lần này chính là tổ chức lại, tái cấu trúc các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta phù hợp với yêu cầu hiện nay - yêu cầu về quản trị quốc gia; về cách mạng công nghiệp lần thứ tư với chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo; về phát triển kinh tế thị trường, về hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN...
Nếu chúng ta vẫn tư duy theo “lối mòn” của kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, giảm đầu mối nhưng cơ cấu tổ chức bên trong, đội ngũ cán bộ, công chức chỉ là số cộng đơn giản vào tổ chức mới, thì vẫn gây ra lãng phí và dẫn đến câu chuyện là “nguyễn như vân” (vẫn như nguyên), không thay đổi được gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Phải có lòng dũng cảm, dám hy sinh
Nhưng sắp xếp, tinh gọn bộ máy là vấn đề rất nhạy cảm, động chạm đến “ghế”, đến “nồi cơm” của không ít người nên sẽ rất dễ dẫn đến tâm lý né tránh, viện lý do để không làm?
Đây đúng là vấn đề nhạy cảm, khó khăn và phức tạp. Và cái khó nhất hiện nay trong tinh gọn bộ máy là vấn đề đổi mới tư duy và thống nhất về tư tưởng, nhận thức; là sự dũng cảm, dám vượt lên trên bản thân mình, từ bỏ các lợi ích cá nhân để vì lợi ích chung của đất nước và của dân tộc.
Nếu vô tư, khách quan, công minh và biết hy sinh thì sẽ làm được điều này, còn nếu việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ thì sẽ lại đi vào lối mòn “nửa vời”, kết quả không như mong đợi.
Vì vậy, trong đợt sắp xếp này cũng nên thực hiện theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư là triển khai thống nhất về mặt tư tưởng, quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt và phải có lòng dũng cảm, dám hy sinh để triển khai thực hiện.
Đồng thời phải đảm bảo có nghiên cứu thấu đáo, chúng ta “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng không có nghĩa là làm vội vàng, thiếu tính thận trọng, cẩn thận. Hết sức tránh “nhập vào rồi lại tách ra, tách ra rồi lại nhập vào” do thiếu lập luận khoa học và chạy theo cảm tính, lợi ích, thích thành tích.
Chúng ta phải có một cái nhìn khoa học, tổng thể và đặt yêu cầu của bối cảnh hiện nay để thiết kế cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc phù hợp…
Vậy theo ông cần phải làm gì để vượt qua các rào cản này?
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc lại lời của Lê-nin: “Thà ít mà tốt”. Tôi cũng rất tâm đắc. Điều này luôn là chân lý và nhất là chúng ta lại đang chuyển sang chế độ công vụ vị trí việc làm và có nhiều ứng dụng của công nghệ thông tin, của chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo.
Ai cũng thấy ít mà tốt còn hơn là nhiều mà không tốt. Thực hiện tinh gọn bộ máy phải xác định được vị trí việc làm và ứng với nó là số lượng người làm việc phù hợp trong mỗi tổ chức.
Đồng thời, tinh thần mạnh mẽ, dũng cảm không phải chỉ là bố trí được người có năng lực, có trách nhiệm, có tinh thần cống hiến vào tổ chức mới, mà còn phải đưa những người không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm ra khỏi đội ngũ để sang làm việc ở khu vực khác.
Những người ra đi cũng có một tư duy mạnh mẽ, dũng cảm vì dám chấp nhận hy sinh như một sự cống hiến vì sự nghiệp phát triển đất nước trong thời đại mới, kỷ nguyên mới. Cuộc sống không phải chỉ duy nhất có một con đường là làm trong cơ quan nhà nước mới tốt. Khu vực công hay khu vực tư thì đều làm việc để phát triển đất nước, đều được trân trọng như nhau và điều quan trọng là trở thành người có ích cho xã hội.
Chúng ta vẫn nói rằng: “Ai cũng có chỗ đứng của mình dưới ánh mặt trời”. Đừng để tình trạng tinh giản biên chế chỉ giảm được người nghỉ hưu mà chẳng giảm được người không phù hợp trong công vụ.
Tôi tin rằng nếu thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư thì sẽ đảm bảo được hiệu quả và mục tiêu đặt ra trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy này.
Thu Hằng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chap-nhan-hy-sinh-nhu-mot-su-cong-hien-de-hien-thuc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-2345179.html