Văn bản nêu rõ: Về dự án đầu tư tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đồng ý chủ trương mua tàu bay không cấp bảo lãnh Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Vietnam Airlines chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định của pháp luật.
Một máy bay của Vietnam Airlines đang hạ cánh tại sân bay Nội Bài.
Trước đó, Vietnam Airlines và Vietcombank đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác thu xếp vốn cho dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp.
Theo Biên bản ghi nhớ, Vietcombank sẽ tham gia thu xếp vốn cho dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bao gồm các khoản trả trước và vốn vay dài hạn từ năm 2026 - 2032.
Nằm trong chiến lược phát triển đội bay giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2040, kế hoạch đầu tư 50 máy bay thân hẹp là một trong những trụ cột quan trọng giúp Vietnam Airlines tăng cường năng lực khai thác, hiện đại hóa đội bay và mở rộng quy mô hoạt động.
Khoản đầu tư này hướng tới việc mở rộng mạng bay tầm ngắn và trung bình tại các thị trường trọng điểm như Đông Nam Á, Đông Bắc Á và nội địa – nơi nhu cầu vận chuyển tăng nhanh và cạnh tranh ngày càng cao.
Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, dài hạn của Hãng hàng không Quốc gia.
Việc tăng cường đội bay thân hẹp cũng giúp Vietnam Airlines nâng cao khả năng linh hoạt khai thác, đồng thời mang đến thêm nhiều lựa chọn sản phẩm, dịch vụ cho hành khách.
Trong quý I/2025, Vietnam Airlines ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu hợp nhất ước đạt gần 31.107 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.625 tỷ đồng. Công ty mẹ Vietnam Airlines đạt doanh thu gần 25.019 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 3.044 tỷ đồng.
Vietnam Airlines cũng chủ động duy trì ổn định mạng bay nội địa, phân bổ lịch bay hợp lý, tối ưu hóa nguồn lực trong giai đoạn cao điểm quốc tế, đồng thời thuê bổ sung ba tàu bay dịp Tết, đóng góp trực tiếp 37,3 tỷ đồng vào hiệu quả kinh doanh.
Biển Ngọc