Ngày 17/7, họa sĩ Lê Thiết Cương - gương mặt nổi bật của hội họa đương đại Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội, sau thời gian chống chọi với bạo bệnh. Ông ra đi ở tuổi 64 để lại sự tiếc thương sâu sắc trong lòng bè bạn, giới nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ, độc giả... đã viết những lời chia sẻ về người họa sĩ tài hoa này. VietNamNet xin trích đăng bài viết của nhà văn Đỗ Bích Thúy.
"Dù có dùng cách gì để lý giải tôi cũng không thể tin được là phải từ biệt anh sớm thế, trong một tối tháng 7. Có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng anh chịu thua một việc khó, một việc anh không tự vượt qua được mà phải trông cậy vào các bác sĩ. Còn bao nhiêu việc khác, khó như hái sao, anh đều lặng lẽ giải quyết một mình. Đôi khi xong việc, ngoái nhìn lại có chút chua chát mà thấm thía. Anh thường bảo: Thôi em ạ, ông trời cho anh nhiều nên ông ấy cũng phải đòi lại chứ.
Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Hà Phương
Anh đã làm cho tôi 10 cuốn sách. Cuốn thứ 11 anh em định làm vào mùa thu năm nay và tôi đã chọn màu cam. Nhưng rồi anh ốm, khỏe một chút lại ốm, rộn ràng vài hôm lại chìm vào yên ắng. Sốt ruột nhắn tin, anh luôn nói thật về tình trạng sức khỏe của mình. Những diễn biến tốt lên hoặc xấu đi.
Chúng tôi, trong những nỗ lực tuyệt vọng, những ngày gần đây vẫn không ngừng tìm kiếm một giải pháp từ nhiều nguồn, nhiều kênh, dù chỉ có chút lấp lánh hy vọng anh sẽ vượt qua giai đoạn này. Nó như một con dốc rất dài và dựng đứng nhưng tôi luôn nói với anh, bọn em tin anh sẽ vượt qua. Anh nói: Cảm ơn em gái! Suốt bằng ấy năm trời gần anh, kính trọng, quý mến, anh gọi tôi là em gái. Tôi thấy lòng mình cứ quặn lên.
Một buổi chập tối, tôi đang nấu ăn thì anh gọi điện. Anh hiếm khi gọi điện lắm, toàn nhắn tin tiện cho tôi lúc nào đọc thì đọc. Giọng anh yếu và bảo: Kiếm cho anh một que sắt giống hệt cái đũa cả. Tôi không hỏi anh dùng để làm gì, cũng không nghĩ ngợi gì, hai vợ chồng vội mặc áo mưa đi ra đường lục lọi mấy hàng đồ vật liệu xây dựng chưa kịp đóng cửa. Mang lên phòng chắc anh đoán bọn tôi lo lắng vì chẳng biết dùng cái thanh sắt ấy làm gì nên giải thích ngay: Để bẩy lưng anh lên, anh mỏi...
Biết là cuộc đời vốn thế và sẽ luôn như thế, ai vui cứ vui ai buồn cứ buồn, có người ra đi và có người chào đời... nhưng thực sự thấy thương anh kinh khủng. Anh là người ham sống, khát khao sống. Sống với anh đồng nghĩa với làm việc, làm việc với anh là hạnh phúc. Anh không như bọn tôi, hay mất thời gian vào những việc lăng nhăng, anh tận dụng mọi khoảnh khắc để sống...
Thương anh vì đã phải trải qua những ngày đau đớn nhưng thương hơn gấp nhiều lần vì thấy khát khao được tiếp tục sống, viết, vẽ, đọc, nghe, xem, đi, trò chuyện của anh như ngọn đèn bị vặn nhỏ dần đến khi tắt lịm.
Thương những người ở lại nữa anh ạ! Mẹ anh, có đêm bà ở nhà một mình, anh trong viện, bà gọi điện nói: Mẹ nhớ con lắm, mẹ muốn vào thăm con. Mẹ không ngủ được. Anh nói: Mẹ không phải vào viện đâu. Chiều nào con nhìn qua camera cũng thấy mẹ ngồi ở cửa. Hóa ra, những chiều vắng anh, bà đều ra cửa ngồi, ngay rìa con phố nườm nượp người qua. Có lẽ bà muốn hỏi: Khi nào con về?
Nhưng anh đã trở về theo cách mà mẹ anh không bao giờ mong muốn. Anh đã chọn đi vắng, để lại nụ cười rất hiền. Kỳ lạ, người khó tính kỹ tính đến thế mà cười lại hiền đến thế. Từ biệt anh Lê Thiết Cương của chúng em!
Đỗ Bích Thúy
Tình Lê