Họa sỹ Lê Thiết Cương: Di sản khổng lồ của người theo đuổi phong cách tối giản

Họa sỹ Lê Thiết Cương: Di sản khổng lồ của người theo đuổi phong cách tối giản
5 giờ trướcBài gốc
Họa sỹ Lê Thiết Cương trong buổi ra mắt sách "Trò chuyện với hội họa" tháng 6/2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngay khi biết tin họa sỹ Lê Thiết Cương qua đời vì bạo bệnh, giới văn nghệ sỹ đã bày tỏ sự thương tiếc khôn nguôi. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống lớn của nền nghệ thuật đương đại, bởi ông là người tài hoa ở nhiều lĩnh vực, là người bạn, người thầy trân quý của nhiều người.
Một tài hoa không thể lẫn vào ai khác
Vài ngày trước khi qua đời, trên trang cá nhân, họa sỹ Lê Thiết Cương đăng ảnh chụp tác phẩm điêu khắc đậm chất thiền của mình, cùng câu thơ trong bài "Hữu Không" (Có-Không) của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, thời Lý: “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không.”
Giản dị, vô ngôn nhưng lại chất chứa bao nhiêu suy tưởng. Cũng thật dễ hiểu vì sao Lê Thiết Cương đồng cảm với hai câu thơ ấy. Ông đã dành cả đời để theo đuổi sự duy mỹ một cách tối giản.
Các tác phẩm gốm thiền của họa sỹ Lê Thiết Cương. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Ông từng có tuyên ngôn nghệ thuật rằng nghệ sỹ và người tu hành Phật giáo có một điểm chung: Đi tu là trở về mình, nghệ sỹ là đi tìm mình. Nghệ thuật là thế. Khi bạn tìm ra được vân tay của mình, bạn có nghệ thuật. Bạn tìm thấy lòng mình là có nghệ thuật. Tất cả những bậc thầy về nghệ thuật trên thế giới, đều là những người tìm được vân tay của mình.
Cũng chính Lê Thiết Cương thừa nhận rằng ông không làm được gì ngoài tối giản dù là vẽ tranh, làm tượng, làm gốm hoặc thiết kế đồ họa: “Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Tối giản là 'cá tính cốt tử' của tôi, là ADN, là vân tay, là người nào của ấy, là căn cước tôi.”
Nhà phê bình lý luận Lý Đợi cho rằng tác phẩm tranh/gốm của Lê Thiết Cương kiên định theo đuổi tối giản (minimalism), nghĩa là dù “rất ít” nhưng lại kể chuyện hoặc triết lý khá nhiều. Kỹ thuật thì tối giản, mà tinh thần thì không. Nhưng cũng có nhiều tranh/gốm, nhiều việc anh làm thì “rất nhiều,” đôi khi cầu kỳ, lộng lẫy, nhưng lại chuyên chở được sự tối giản.
“Có lẽ chính nhờ hai chiều xuôi ngược này đã giữ Lê Thiết Cương ở lại với cương vị nghệ sỹ, hơn là vươn tới tinh thần tu sỹ. Vì vậy mà có được những tác phẩm hay trong suốt hành trình sáng tạo hào hứng từ đầu thập niên 1990 đến nay,” ông Lý Đợi nói.
Theo nhà phê bình Lý Đợi, Lê Thiết Cương vừa tài hoa vừa thực tế, vừa cao ngạo vừa dễ gần, vừa thích quần hùng vừa biết sống đơn độc, vừa hà khắc vừa buông lỏng…
Họa sỹ Lê Thiết Cương và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại Phòng tranh 39 Lý Quốc Sư. (Ảnh: FBNV)
Mới đây, khi họa sỹ Lê Thiết Cương ra mắt cuốn sách phê bình lý luận “Trò chuyện với hội họa,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét: “Lê Thiết Cương đọc nhiều, hiểu sâu. Anh viết phê bình ngắn nhưng chỉ ra được những vấn đề then chốt. Văn anh vẫn đi theo trường phái tối giản, tinh gọn và sâu xa.”
Ông Thiều đánh giá họa sỹ Lê Thiết Cương khắt khe trong đánh giá, sáng tạo nghệ thuật và nghiêm khắc với chính mình.
Ngậm ngùi nhớ lại giây phút đến thăm họa sỹ ở bệnh viện, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể: “Cuối cùng Cương đã được về nhà, nơi Cương đã sống những tháng năm đẹp nhất, sáng tạo nhất, hạnh phúc nhất và cũng đau đớn nhất, nơi những người bạn chân thành nhất đã bên anh, nơi Cương bày con người anh ra mà không hề che giấu: Thông thái, tài hoa, mê đắm, kiêu ngạo, nhân ái, điên rồ, yếu đuối…”
Hà Nội vắng Lê Thiết Cương
Qua những lần tiếp xúc với họa sỹ Lê Thiết Cương, tôi nhận thấy ông là người tài hoa và kiêu bạc. Ông thẳng thắn bảo tôi cứ đặt câu hỏi, nhưng những gì ông không biết thì ông không trả lời, nếu câu hỏi không hay thì ông cũng sẽ không trả lời.
Lê Thiết Cương khẳng định ông dành cả đời để yêu cái đẹp, trọng người tài. Có lẽ chính vì vậy mà ông nhận được sự trân quý của đông đảo văn nghệ sỹ và công chúng yêu nghệ thuật.
Nhà báo, chuyên gia truyền thông Nguyễn Quỳnh Hương cho rằng tài năng là thứ khiến người khác ngưỡng mộ nhưng chỉ có tử tế mới nhận được yêu thương và kính trọng. Họa sỹ Lê Thiết Cương đã nhận được tất cả những điều đó. Bạn bè của ông từ khắp mọi miền xa xôi đã trở về túc trực ở bệnh viện và nhà riêng để được từ biệt Lê Thiết Cương.
“Hà Nội sẽ vắng vẻ nhiều lắm, tinh thần của Hà Nội - với người yêu văn chương, âm nhạc, hội họa, phố cổ, quà phố, nếp người nếp nhà - bị mất mát ít nhiều sau chuyến rong chơi ‘bất phục phản’ này của anh,” nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương nói.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy (phải) đến chúc mừng sự kiện ra mắt sách của họa sỹ Lê Thiết Cương, tháng 6/2025 tại Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Một người em thân thiết lâu năm của họa sỹ Lê Thiết Cương là nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng nghẹn ngào khi nhắc đến ông: “Anh là người ham sống, khát khao sống. Sống với anh đồng nghĩa với làm việc, làm việc với anh là hạnh phúc. Anh tận dụng mọi khoảnh khắc để sống.”
Nhà văn Đỗ Bích Thúy trăn trở khi nhắc đến cuốn sách mà họa sỹ Lê Thiết Cương tâm đắc nhưng chưa kịp in - “Trong hạt thóc có hạt gạo.”
“Không ai có thể thay anh nhặt lấy những tinh túy hiếm có trong tư duy, cảm xúc, kiến thức mà anh đã tích lũy suốt cuộc đời ra để viết tiếp những cuốn sách quý khác. Cái kho kiến thức khổng lồ vô giá ấy đã đi theo anh rồi,” nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ.
Trong số các đàn em thân thiết của họa sỹ Lê Thiết Cương còn có Hoa hậu Ngọc Hân. Những năm gần đây, cô thường xuất hiện trong các sự kiện nghệ thuật của họa sỹ Lê Thiết Cương trong vai trò dẫn chương trình. Từ chỗ ngưỡng mộ một tài năng nghiêm cẩn, Hoa hậu Ngọc Hân đã trở thành người em, người học trò thân thiết của họa sỹ.
Lần đầu tiên Ngọc Hân làm việc với họa sỹ Lê Thiết Cương là cách đây khoảng 3 năm, tại triển lãm tranh “Gặp gỡ Đà Lạt” tại Phòng tranh Le Lyceé, Đà Lạt. Ấn tượng ban đầu của Ngọc Hân là ông Cương rất nghiêm khắc và khó tính. Trong quá trình hợp tác, không ít lần Ngọc Hân bị phê bình gay gắt.
Họa sỹ Lê Thiết Cương và Hoa hậu Ngọc Hân. (Ảnh: NVCC)
“Anh thậm chí mắng thẳng là chúng tôi đang ‘mặc chiếc áo quá rộng so với mình’ ám chỉ sự non nớt và thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức triển lãm,” Ngọc Hân kể.
Điều này khiến Ngọc Hân và cộng sự từng quyết định không hợp tác với họa sỹ nữa nhưng rồi Ngọc Hân vẫn kiên trì theo đuổi lĩnh vực mỹ thuật. Họa sỹ Lê Thiết Cương nhận ra nỗ lực đó và họ dần trở nên thân thiết hơn. Ngọc Hân đã nhận được nhiều lời khuyên quý báu của họa sỹ Lê Thiết Cương trong quá trình học Thạc sỹ tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Ngọc Hân thú nhận rằng cô từng nghĩ phong cách của họa sỹ Lê Thiết Cương đơn giản đến mức ai cũng vẽ được. Song càng hiểu về quá trình sáng tác của họa sỹ, cô càng thấy rằng tối giản không hề đơn giản.
“Anh ít nói, nhưng lời nào cũng sâu sắc. Tranh của anh cũng vậy, tiết chế, gọn gàng, nhưng luôn chứa đựng tầng lớp ý nghĩa, nhìn vậy mà không phải vậy. Một nét bút tưởng như hững hờ lại có thể khơi gợi cảm xúc rất mạnh,” Ngọc Hân đánh giá.
Không chỉ học hỏi về mỹ thuật, Ngọc Hân còn học được ở họa sỹ Lê Thiết Cương những triết lý sống.
“Có lần anh nói với tôi: ‘Thành công cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu cuối đời không còn ai bên cạnh.’ Dù có thành công đến đâu, gia đình vẫn là trên hết, là điều quan trọng nhất. Những điều ấy là bài học sâu sắc về giá trị sống mà tôi luôn ghi nhớ,” Ngọc Hân xúc động chia sẻ.
Khi họa sỹ Lê Thiết Cương rời cõi tạm, rất nhiều bạn bè, người thân đã ở bên ông. Nhiều người khác gửi niềm thương tiếc đến ông. Dù không dài lâu nhưng họa sỹ đã sống trọn vẹn một cuộc đời đáng sống./.
Họa sỹ Lê Thiết Cương sinh ngày 13/8/1962, từ trần vào 18h55 ngày 17/7 tại nhà riêng, hưởng thọ 64 tuổi.
Lễ viếng: Từ 9h30 đến 11h ngày 21/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu và di quan: Từ 11h đến 11h30 cùng ngày.
An táng: 16h ngày 21/7 tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Kỳ Sơn, Hòa Bình.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/hoa-sy-le-thiet-cuong-di-san-khong-lo-cua-nguoi-theo-duoi-phong-cach-toi-gian-post1050369.vnp