Tại lễ kỷ niệm 75 năm ngành Ngoại khoa, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trao Bằng khen của Bộ GD-ĐT cho GS. Nguyễn Bửu Triều và nói: "Chúng em xin bày tỏ sự ngưỡng vọng tới thầy”. Ảnh: Thanh Hằng.
“Người thầy lớn trong lòng các thế hệ học trò”
“GS Nguyễn Bửu Triều là người thầy lớn, hội tụ đầy đủ cả trí thức và y đức”- GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN), chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức, xúc động khi nhắc đến thầy giáo cũ.
Với ông, GS Nguyễn Bửu Triều không chỉ là người truyền dạy kiến thức, mà còn là một biểu tượng sáng ngời về trí tuệ, đạo đức và tinh thần phụng sự của ngành y Việt Nam.
Là một trong những học trò của GS Nguyễn Bửu Triều, GS Tú tự hào khi không chỉ được học thầy trên giảng đường, bên giường bệnh mà còn được gây mê hồi sức cho nhiều ca mổ do chính GS Triều thực hiện.
“Tôi có cơ hội làm việc trực tiếp với thầy trong những ca mổ khó, bệnh nhân rất nặng. Nhưng thầy luôn giữ sự bình tĩnh, sáng suốt và đầy nhân ái trong từng quyết định để cứu bệnh nhân”, Hiệu trưởng ĐHYHN kể.
Một trong những dấu ấn lớn nhất mà GS Nguyễn Bửu Triều để lại, theo GS Tú, là việc đưa kỹ thuật mổ nội soi đường tiết niệu về Việt Nam. “Máy móc thiếu, vật tư thiếu, mọi điều kiện đều hạn chế. Nhưng thầy vẫn kiên trì, vượt qua mọi thách thức để triển khai kỹ thuật mổ hiện đại này tại BV Việt Đức, để hiện kỹ thuật này trở thành phổ biến tại Việt Nam. Đó là thành quả rất lớn của một người thầy đi tiên phong mở đường” - GS Tú xúc động.
GS Nguyễn Bửu Triều cũng là một trong hai người hướng dẫn luận án tiến sĩ cho GS Tú với những kỷ niệm khó quên: “Thầy luôn dành thời gian chỉ dẫn, chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ, từng ca lâm sàng. Sự tỉ mỉ, nhân hậu và tận tụy của thầy là điều mà tôi không bao giờ quên. Khi đã 80 tuổi, thầy vẫn tham gia lớp học tiếng Anh tại bệnh viện cùng chúng tôi và những bác sĩ nội trú trẻ. Một tấm gương về tinh thần học tập suốt đời”.
Không chỉ truyền cảm hứng học tập, GS Triều còn gieo vào lòng học trò một nhân cách y khoa mẫu mực. “Thầy gần gũi, lặng lẽ, không màng danh lợi. Nhưng ai từng học thầy đều rất kính trọng, bởi từng câu nói, từng hành động của thầy đều toát lên một điều: làm nghề y là để phục vụ, mang lại hy vọng và hạnh phúc cho người bệnh” - GS Tú bày tỏ.
Các thế hệ học trò là giảng viên Trường ĐHYHN thăm GS Nguyễn Bửu Triều. Ảnh Hoài Bắc.
“Bậc hiền tài của ngành y Việt Nam”
“GS Nguyễn Bửu Triều là một người thầy mẫu mực – không chỉ dẫn đường trong học thuật, mà còn là nhân cách lớn, một biểu tượng của sự thanh bạch, tận tụy và lặng thầm cống hiến” - GS.TS Trần Bình Giang, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, nhớ về người thầy với niềm kính trọng.
GS Nguyễn Bửu Triều chính là người đặt nền móng cho ngành phẫu thuật tiết niệu của Việt Nam, với việc đưa kỹ thuật mổ nội soi tiết niệu về triển khai tại Việt Đức – thời điểm mà ngay cả một màn hình nội soi cũng là thứ xa xỉ. Ông đã nghiên cứu và điều trị thành công nhiều bệnh của tuyến thượng thận, bệnh sỏi đường tiết niệu, bệnh của hệ sinh dục ...
GS Trần Bình Giang vẫn nguyên niềm tự hào khi kể lại lần đầu được phụ mổ cùng thầy Triều: “Lúc ấy tôi còn là bác sĩ nội trú, được thầy cho phụ ca mổ nội soi tiết niệu. Thầy còn ưu ái cho ngó qua kính nội soi, khiến tôi vô cùng xúc động. Với thầy Triều, đạo đức nghề nghiệp không phải khẩu hiệu, mà là cách sống. Thầy không chỉ mổ giỏi, mà luôn đầy lòng từ bi, tận tụy với mọi bệnh nhân như với người thân. Chưa bao giờ tôi thấy cụ nổi nóng hay nặng lời với bất kỳ ai – dù là học trò hay người nhà bệnh nhân.
Trong trí nhớ của GS Giang, hình ảnh GS Triều luôn gắn với nụ cười hiền hậu và sự gần gũi, thân tình. “Mỗi lần gặp tôi, dù đã ngoài 90 tuổi, cụ vẫn nắm tay, bảo: 'Anh Giang ráng giữ sức nha'. Sự ân cần ấy, khi được trao từ một người thầy đã sống trọn đời cho y học, khiến tôi không thể nào quên được”.
Kỷ niệm gần nhất là GS Giang mổ ruột thừa cho chính người thầy mình ở tuổi 98: “Cụ gầy yếu nhưng không hề than phiền, không một lời kêu ca. Mổ xong, hôm sau cụ đã tự ngồi dậy. Mỗi lần gặp lại, cụ vẫn đùa: ‘Đây là ân nhân của tôi’. Mà tôi thì chỉ thấy mình may mắn vì được làm điều gì đó nhỏ bé để tri ân thầy.”
GS Trần Bình Giang tặng hoa tri ân GS Nguyễn Bửu Triều nhân 70 năm bộ môn Ngoại Trường ĐHYHN. Ảnh Thanh Hằng.
Một nhân cách lớn
GS Nguyễn Bửu Triều ra đi ở tuổi 102 – một cuộc đời dài hiếm có, nhưng đầy đặn và trọn vẹn. Di sản lớn nhất mà GS Nguyễn Bửu Triều để lại không chỉ là những ca phẫu thuật tiên phong, những lớp học trò xuất sắc, mà là hình mẫu về người thầy cả cuộc đời cống hiến, đạo đức và nhân văn.
“Chúng tôi, những người may mắn được học thầy, được làm việc cùng thầy, sẽ còn kể mãi về thầy như kể về phần ký ức vô cùng đẹp đẽ của lịch sử ngành y nước nhà. Dẫu thầy đã đi xa, nhưng những gì thầy để lại vẫn âm vang như một lời nhắc: Hãy làm nghề bằng cả trái tim” - GS Giang nghẹn ngào.
Dẫu đã nghỉ hưu, GS Triều vẫn tiếp tục truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau.
GS Nguyễn Bửu Triều sinh năm 1923 tại Huế, trong một gia đình hoàng tộc. Thuộc thế hệ đầu tiên của nền y học cách mạng Việt Nam, GS Nguyễn Bửu Triều từng được các "tượng đài y học" Việt Nam như GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng… hướng dẫn.
Ông tham gia kháng chiến chống Pháp cùng với GS Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng. Ông là đội trưởng Đội điều trị số 3 – tiền thân của BV Quân y 103 và trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông từng là Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Trường ĐHYHN, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Tiết niệu của BV Việt Đức và ông ra đi cũng tại BV này, trong vòng tay các thế hệ học trò, vào cuối chiều 16/7/2025.
Ông đã được trao Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Danh hiệu NGND.
------------
* Lễ viếng Nguyễn Bửu Triều, từ 7h đến 8h30, ngày 21/7/2025, tại: Nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông.
Thanh Hằng