Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Ghi nhận hàng triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân
Sáng 14/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình quốc gia và Cổng TTĐT Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trước đó, chiều 7/5/2025, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về các nội dung này gửi đại biểu Quốc hội. Theo đó, đã có 109 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung Hiến pháp; 132 lượt góp ý về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng đã phối hợp với Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 6/5/2025 trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và ứng dụng VNeID của Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đến nay, đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân. Qua tổng hợp sơ bộ cho thấy, về cơ bản tuyệt đại đa số các ý kiến đồng tình và bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết phạm vi và nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Các ý kiến phát biểu tại tổ chủ yếu góp ý và cách thể hiện câu từ, cách diễn đạt trong dự thảo nghị quyết.
Đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung của dự thảo luật. Một số ý kiến góp ý trực tiếp vào các điều khoản cụ thể và Chính phủ đã có Báo cáo số 420 ngày 13/5, bước đầu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ và đã gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Xem xét kỹ cơ chế giám sát quyền lực đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND
Mở đầu phiên thảo luận, góp ý về bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) quy định tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 20213, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, theo Ban soạn thảo, có 2 lý do để bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.
Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ băn khoăn: “Không lẽ TAND, VKSND khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu vậy thì dân bị oan sai, sẽ nhờ cậy ai chất vấn để mà bảo về quyền lợi của họ?”.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Quốc hội xem xét kỹ cơ chế giám sát quyền lực đối với các cơ quan này.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, không có quyền chất vấn đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng ra trước kỳ họp HĐND để trả lời cụ thể từng vấn đề đối thoại công khai với đại biểu và cử tri.
Đại biểu nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, chất vấn là cơ chế hiệu quả hiếm hoi để đại biểu HĐND và rộng hơn là cử tri, nhân dân địa phương yêu cầu thông tin trao đổi trực tiếp với Chánh án, Viện trưởng.
Do đó, nhận định rằng HĐND vẫn giám sát được là chưa phản ánh đúng thực tiễn hoạt động giám sát. Việc Hiến pháp không còn quy định thẩm quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng VKSND là đi ngược lại với Nghị quyết 27 của Trung ương để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Quốc hội giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND trong Hiến pháp.
Trên cơ sở đó, luật chuyên ngành quy định cụ thể, phù hợp với mô hình tổ chức mới, đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nội dung này hiện chưa phát sinh vướng mắc.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân tập trung làm rõ nội dung về bầu, miễn nhiệm, điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Làm rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Góp ý Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã tại khoản 4 Điều 11.
Đại biểu cho rằng cần thiết phải bổ sung vào Điều 11 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã như khoản 4 Điều 11 đã thể hiện.
Tuy nhiên, Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy việc quy định rất chung chung thẩm quyền này của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh “trong trường hợp cần thiết” là chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh và có thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thi hành; do đó đề nghị có quy định chặt chẽ hơn ngay trong Luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã.
Cũng góp ý về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nỗ lực biên soạn, chỉnh sửa một luật rất quan trọng, trình kỳ họp thứ chín trong thời gian rất ngắn, song song với việc sửa đổi Hiến pháp và các văn bản khác.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân tập trung làm rõ nội dung về bầu, miễn nhiệm, điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Theo đó, để xây dựng thể chế, chúng ta sẽ phải trao quyền nhiều hơn cho địa phương, nhưng cũng cần trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, theo đúng tinh thần Hiến pháp về điều hành linh hoạt, thống nhất trong toàn quốc về hành chính quốc gia.
Tại Khoản 2, Điều 36 của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương đang quy định, HĐND bầu Chủ tịch UBND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND và bầu Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND theo giới thiệu của Chủ tịch UBND, nội dung này đúng theo tinh thần điều 114 Hiến pháp hiện nay.
Tuy nhiên, tại khoản 4 điều 37, quy định HĐND cũng bãi nhiệm các chức vụ do HĐND bầu, nhưng theo Điều 41 thì khi mà Thủ tướng quyết định cách chức Chủ tịch HĐND, điều động Chủ tịch UBND thì không cần HĐND miễn nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, về mặt quy định là đúng với Hiến pháp, nhưng về mặt logic thì không đảm bảo, vì HĐND bầu thì HĐND phải miễn nhiệm, nếu làm đúng như điều 41 sẽ không hợp lý.
Nếu giữ nguyên Khoản 2 điều 41, đại biểu cho rằng nên sửa điều 56, HĐND không phải bầu chức danh chủ tịch mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn.
Nếu thực hiện điều này thì Điều 114 Hiến pháp sẽ phải sửa thêm, đặc biệt là nội dung HĐND bầu UBND cùng cấp đang chưa sửa. Do đó, đại biểu đề nghị, để thống nhất giữa điều 36 và điều 41 của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương thì sửa thêm điều 114 Hiến pháp.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng đề nghị xem xét thêm điều 5 của dự thảo luật. Hiện tại đang quy định ít nhất 45 ngày sẽ tổ chức HĐND cho đến ngày khai mạc, nếu trước đây thì không vấn đề gì, nhưng gần đây có Nghị quyết rút ngắn kỳ họp QH, HĐND, chúng ta dự kiến 15/3/2026 bầu cử, mà nếu 45 ngày thì tới tận 1/5 mới tổ chức phiên họp HĐND sẽ không đúng tinh thần.
Phương Liên