Theo nguồn tin từ Bloomberg, OpenAI – công ty đứng sau chatbot ChatGPT – dự kiến sẽ đạt doanh thu 12,7 tỷ USD trong năm 2025, gấp ba lần so với trước đó. Con số này thậm chí có thể tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2026, chạm mốc 29,4 tỷ USD nếu đà tăng trưởng tiếp tục duy trì. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các gói trả phí của ChatGPT, cả ở cấp độ cá nhân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, đến tháng 9/2024, OpenAI cho biết họ đã có hơn 1 triệu người dùng doanh nghiệp trả phí, và gần đây nhất, công ty đã tung ra gói ChatGPT Pro với giá lên tới 200 USD mỗi tháng – một mức giá không hề thấp nhưng vẫn được đón nhận vì đi kèm quyền truy cập các mô hình AI tiên tiến nhất.
Bloomberg tiết lộ, OpenAI cũng đang cân nhắc việc thu phí hàng nghìn USD mỗi tháng với một số sản phẩm đặc thù trong hệ sinh thái AI. Tuy nhiên, chi phí vận hành – bao gồm chi phí phần cứng, chip, trung tâm dữ liệu và nhân lực AI – cũng đang leo thang không kém. OpenAI không kỳ vọng có dòng tiền dương trước năm 2029, nhưng họ đặt mục tiêu doanh thu vượt 125 tỷ USD trong tương lai.
Tháng 1/2025, tờ Wall Street Journal đưa tin công ty này đang trong quá trình đàm phán để gọi vốn tới 40 tỷ USD, qua đó nâng mức định giá lên 300 tỷ USD. Tập đoàn SoftBank được cho là đang dẫn đầu vòng gọi vốn này, với kế hoạch rót từ 15 đến 25 tỷ USD.
Mặc dù vẫn là công ty khởi nghiệp (startup), OpenAI hiện đang hoạt động như một gã khổng lồ thực thụ trong ngành trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào các khoản đầu tư lớn để duy trì tăng trưởng đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính bền vững trong dài hạn. Một số chuyên gia cho rằng, OpenAI không chỉ đang bán dịch vụ AI mà còn đang bán một tầm nhìn tương lai, nơi AI trở thành cốt lõi của mọi ngành nghề.
Link bài gốc
Hải Anh