Châu Âu 'bước trong sương mù' với kế hoạch viện trợ vũ khí cho Ukraine của Mỹ

Châu Âu 'bước trong sương mù' với kế hoạch viện trợ vũ khí cho Ukraine của Mỹ
10 giờ trướcBài gốc
Theo tuyên bố của ông Trump vào hôm 14/7, Washington sẽ cung cấp cho Kiev hệ thống phòng không Patriot, tên lửa và nhiều loại vũ khí khác để đối phó với hỏa lực Nga. Đáng chú ý, toàn bộ chi phí vũ khí do các đồng minh NATO chi trả.
Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn còn nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ, từ số lượng và chủng loại vũ khí dự kiến chuyển giao, tiến độ triển khai, cho đến cơ chế tài chính cụ thể để chi trả cho một thương vụ quốc phòng quy mô lớn như vậy.
Một số quan chức Mỹ ám chỉ rằng các nước châu Âu có thể trích từ chính kho vũ khí của họ để viện trợ khẩn cấp cho Ukraine, sau đó mua lại vũ khí từ Mỹ để bù đắp. Dù vậy, một số quốc gia liên quan khẳng định họ chưa hề nhận được yêu cầu cụ thể hay hướng dẫn rõ ràng liên quan đến vấn đề này.
Một quân nhân thuộc Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới Độc lập số 57 của Lực lượng Vũ trang Ukraine đang làm việc với súng phóng lựu tự động Mk-19 do Mỹ sản xuất. Ảnh: Reuters
Mô hình này có thể giúp tăng tốc độ viện trợ cho Ukraine nhưng đồng thời cũng tạo ra khoảng trống phòng thủ tạm thời cho các nước tài trợ.
“Chúng tôi sẵn sàng tham gia. Tất nhiên, Đan Mạch không thể thực hiện điều này một mình; chúng tôi cần sự hợp tác từ các quốc gia khác. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng", Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen tuyên bố với báo giới tại Brussels hôm 15/7, trước thềm cuộc họp các ngoại trưởng EU.
Trước đó một ngày, khi cùng xuất hiện bên cạnh ông Trump tại Nhà Trắng, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết nhiều quốc gia gồm Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Anh, Hà Lan và Canada đã bày tỏ mong muốn tham gia sáng kiến mới. Đây đều là những nước đã đóng góp viện trợ quân sự lớn cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga bùng nổ vào đầu năm 2022.
Khi được hỏi liệu Đan Mạch có thể trích kho vũ khí quốc gia để hỗ trợ Ukraine theo kế hoạch này không, ông Rasmussen trả lời: “Chúng tôi không sở hữu những hệ thống như Patriot. Vì vậy, nếu Đan Mạch muốn đóng góp điều mà chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng, thì phải có nguồn tài chính đi kèm".
Các ngoại trưởng châu Âu cũng thừa nhận rằng giờ là lúc phải bàn bạc nghiêm túc về cơ chế tài chính để mua vũ khí từ Mỹ. Trong nhiều trường hợp, họ dự đoán sẽ phải hợp tác theo nhóm để cùng đặt hàng các hệ thống phòng không của Washington.
“Giờ chúng ta cần cùng nhau thảo luận xem làm thế nào để tài trợ cho các hệ thống Patriot và những khí tài khác mà Mỹ dự kiến chuyển giao cho Ukraine", Ngoại trưởng Thụy Điển Maria Malmer Stenergard phát biểu trên sóng phát thanh quốc gia.
Tại Brussels, Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp cho biết chính phủ của ông “đang tiếp cận kế hoạch này với tinh thần tích cực".
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy, Tore Sandvik, nói với Reuters rằng Oslo đang “đối thoại chặt chẽ với Ukraine” và xác nhận rằng “phòng không vẫn là ưu tiên số một trong các gói hỗ trợ quân sự của Na Uy”. Ông cho biết Na Uy đã có những đóng góp quan trọng cho hệ thống phòng không của Ukraine, bao gồm cả việc đồng tài trợ hệ thống Patriot và tên lửa đánh chặn.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Phần Lan khẳng định Helsinki “sẽ tiếp tục hỗ trợ vật chất cho Ukraine". Tuy nhiên, một tuyên bố chính thức nhấn mạnh rằng: “Các chi tiết liên quan đến sáng kiến của Mỹ vẫn chưa rõ ràng, và chúng tôi cần thêm thông tin trước khi đưa ra quan điểm cụ thể".
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Reuters
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/chau-au-buoc-trong-suong-mu-voi-ke-hoach-vien-tro-vu-khi-cho-ukraine-cua-my-post1215026.vov