"Hồi chuông cảnh tỉnh" từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
Theo hãng tin Reuters, cách đây một tuần, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã phải hứng chịu sự cố mất điện tồi tệ nhất trong lịch sử.
Giới chức hai nước nằm trên bán đảo Iberia đang tiến hành điều tra nguyên nhân. Song, theo các nhà phân tích và đại diện ngành năng lượng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện đã trở thành vấn đề cấp thiết.
Bán đảo Iberia chìm trong bóng tối sau sự cố mất điện trên diện rộng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (Ảnh: Shutterstock).
"Sự cố mất điện là hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy nhu cầu hiện đại hóa và củng cố lưới điện châu Âu là cấp bách và không thể trì hoãn", Tổng thư ký Hiệp hội Điện lực châu Âu Eurelectric Kristina Ruby cảnh báo.
Điều này xuất phát từ thực tế phần lớn lưới điện của Liên minh châu Âu được xây dựng từ thế kỷ trước và một nửa trong số đó đã hơn 40 năm tuổi. Trong khi đó, sản lượng năng lượng ít phát thải carbon đang tăng mạnh.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện từ các trung tâm xử lý dữ liệu và người dùng xe điện đang bùng nổ buộc các hệ thống lưới điện phải được đại tu đồng thời trang bị thêm khả năng bảo vệ kỹ thuật số trước nguy cơ tấn công mạng.
Dù đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo đã gần như tăng gấp đôi kể từ năm 2010, đầu tư vào lưới điện gần như không thay đổi ở mức khoảng 300 tỷ USD/năm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), con số này cần phải tăng gấp đôi lên hơn 600 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 để đáp ứng yêu cầu nâng cấp.
Theo dữ liệu từ tổ chức tư vấn Ember tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện của EU đã tăng từ 34% năm 2019 lên 47% vào năm 2024, trong khi năng lượng hóa thạch giảm từ 39% xuống còn 29%.
Thách thức khổng lồ từ việc nâng cấp lưới điện châu Âu
Trong khi các dự án điện gió và điện mặt trời có thể xây dựng khá nhanh thì việc nâng cấp lưới điện tại châu Âu có thể phải kéo dài hơn một thập kỷ.
Một phần thách thức nằm ở chi phí khổng lồ và độ phức tạp khi việc nâng cấp lưới điện phải trải dài trên diện rộng. Ủy ban châu Âu ước tính châu Âu cần đầu tư từ 2.000 - 2.300 tỷ USD vào lưới điện đến năm 2050.
Hệ thống lưới điện châu Âu cần được nâng cấp kịp thời để tránh xảy ra sự cố mất điện trên diện rộng (Ảnh: Reuters).
Năm ngoái, các công ty châu Âu đã đầu tư 90,5 tỷ USD vào hệ thống lưới điện, mức tăng khá lớn so với khoản đầu tư trung bình khoảng 56,5 - 79 tỷ USD của các năm trước, theo các nhà phân tích tại Bruegel.
Tuy nhiên, mức đầu tư này có thể vẫn cần tăng lên 113 tỷ USD/năm. Đáng lưu ý, hệ thống điện của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nằm trong số những lưới điện ít được kết nối với các hệ thống khác của châu Âu, vốn có thể đóng vai trò hỗ trợ khẩn cấp khi cần.
Mất điện diện rộng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha: Nguyên nhân do thời tiết bất thường?ĐỌC NGAY
Theo chuyên gia José Luis Domínguez-García thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng IREC, Tây Ban Nha cần có thêm kết nối về lưới điện với Pháp và Maroc. Ông Domínguez-García cho biết Tây Ban Nha hiện chỉ có 5% kết nối ra bên ngoài bán đảo Iberia.
Trong khi đó, Red Electrica cho hay Tây Ban Nha sẽ củng cố kết nối với Pháp, bao gồm tuyến đường dây mới đi qua vịnh Biscay nhằm giúp tăng gấp đôi khả năng kết nối giữa hai quốc gia.
Trong bối cảnh một số quốc gia khác cũng đang chậm trễ trong quá trình kết nối vào lưới điện khu vực, Ủy ban châu Âu đã nâng mục tiêu kết nối lưới điện xuyên biên giới lên 15% vào năm 2030 thay vì 10% trước đó. Theo đó, mỗi quốc gia thành viên EU cần nhập khẩu ít nhất 15% công suất điện từ các nước láng giềng.
Trước sự cố tuần trước, Tây Ban Nha từng xảy ra nhiều trục trặc trong hệ thống điện khiến giới chức ngành năng lượng nước này phải lên tiếng cảnh báo kế hoạch đóng cửa toàn bộ 7 lò phản ứng hạt nhân tại Tây Ban Nha trước năm 2035, khiến nguồn cung cấp điện rơi vào rủi ro.
Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Luis Montenegro ngày 30/4 cho biết nước này hiện chỉ có hai nhà máy điện dự phòng bao gồm một nhà máy điện khí và một nhà máy thủy điện có khả năng phản ứng nhanh khi lưới điện cần bổ sung thêm nguồn điện. Theo ông Montenegro, Bồ Đào Nha cần phải có thêm các nhà máy tương tự.
Trước đó, hồi năm 2019, Anh đã trải qua sự cố mất điện diện rộng khiến một triệu người dùng bị ảnh hưởng sau khi một cú sét đánh và một sự cố khác xảy ra khiến tần số lưới điện bị sụt giảm. Kể từ đó, Anh đã đầu tư mở rộng lưu trữ pin và đạt mức công suất khoảng 5 GW vào cuối năm 2024, theo Hiệp hội Năng lượng tái tạo RenewableUK.
Châu Âu hiện có tổng công suất lưu trữ pin là 10,8 GW và con số này dự kiến đạt 50 GW vào năm 2030, vẫn thấp hơn đáng kể so với mức dự trữ cần thiết là 200 GW, theo Hiệp hội Lưu trữ năng lượng châu Âu.
Khánh An