Tại hội nghị thượng đỉnh của "liên minh tự nguyện" ở Paris ngày 27/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine cả về quân sự và ngoại giao.
Điều này được ông Macron cụ thể hóa qua việc công bố gói viện trợ quốc phòng mới trị giá 2 tỷ euro cho Ukraine, bao gồm xe tăng, tên lửa phòng không và các loại vũ khí khác. Bên cạnh đó, các lãnh đạo cũng đồng ý duy trì và tăng cường lệnh trừng phạt đối với Nga, xem đây là công cụ quan trọng để gây sức ép buộc Moscow đàm phán nghiêm túc.
Các lãnh đạo châu Âu dự hội nghị thượng đỉnh của "liên minh tự nguyện" tại Paris ngày 27/3. Ảnh: Emmanuel Macron/X
Tuy nhiên, một trong những đề xuất gây tranh cãi là việc triển khai lực lượng an ninh của châu Âu tại Ukraine sau khi xung đột chấm dứt. Mục tiêu của lực lượng này là ngăn chặn các động thái quân sự từ Nga và hỗ trợ Ukraine ổn định tình hình. Chỉ có Pháp và Anh bày tỏ sẵn sàng tham gia, trong khi nhiều nước như Italia, Hy Lạp và Ba Lan phản đối hoặc tỏ ra dè dặt.
Tổng thống Macron cho biết lực lượng an ninh sẽ không tham gia trực tiếp vào chiến sự mà chỉ đóng vai trò răn đe và hỗ trợ hậu cần. Ông cũng đề xuất Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức độc lập khác giám sát lệnh ngừng bắn.
Dù vậy, Nga đã lên án kế hoạch này, xem đó là hành động can thiệp quân sự trá hình và cảnh báo nguy cơ đụng độ trực tiếp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, các lãnh đạo châu Âu cáo buộc Moscow cố tình kéo dài đàm phán để giành lợi thế. Thủ tướng Anh Keir Starmer nhận định: "Họ (Nga) đang chơi trò chơi và câu giờ".
ĐỌC NGAY: Quan chức Nga đánh giá quan điểm của Mỹ và châu Âu về xung đột Ukraine
Ngoài ra, sự thiếu rõ ràng về vai trò của Mỹ trong việc hỗ trợ lực lượng an ninh của châu Âu cũng là một rào cản. Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đưa ra cam kết cụ thể, khiến một số nước châu Âu lo ngại về tính khả thi của kế hoạch.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sự hài lòng trước cam kết của châu Âu nhưng kêu gọi hành động nhanh hơn: "Những gì chúng tôi muốn làm trong một tuần phải mất nhiều tháng mới đạt được". Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu Âu có mặt tại bàn đàm phán để đảm bảo tiếng nói của Ukraine được lắng nghe.
Dù châu Âu thể hiện sự đoàn kết trong việc hỗ trợ Ukraine, sự chia rẽ về đề xuất lực lượng an ninh phản ánh những thách thức phức tạp trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình. Trong khi Pháp và Anh quyết tâm tiến hành kế hoạch, sự ủng hộ từ Mỹ và sự đồng thuận từ nội bộ châu Âu vẫn là những yếu tố then chốt quyết định thành công.
Việt Anh