Tờ The New York Times đăng tải bài viết có nội dung rằng chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden can dự sâu hơn nhiều vào việc hỗ trợ Ukraine đối phó với Nga so với những gì từng được công bố, thêm rằng tình báo của Washington đóng vai trò không thể thiếu trong các chiến dịch quân sự của Kiev.
Bài viết, được công bố hôm 29-3, mô tả sự hợp tác “phi thường” giữa Mỹ và Ukraine trên các lĩnh vực tình báo, chiến lược, lập kế hoạch và công nghệ - yếu tố được xem là “vũ khí bí mật” giúp Kiev trong chiến sự Nga-Ukraine.
Trong khi vừa viện trợ quân sự hàng chục tỉ USD cho Kiev trong chiến sự Nga-Ukraine, Lầu Năm Góc cũng cung cấp thông tin tình báo then chốt, giúp Ukraine tấn công các trung tâm chỉ huy, điều hành của Nga cùng những mục tiêu giá trị cao từ giữa năm 2022, theo The New York Times.
Một cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo quân sự của Mỹ, Anh và Ukraine về chiến sự Nga-Ukraine hồi năm 2023. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Căn cứ quân sự Mỹ tại TP Wiesbaden (Đức) là nơi các sĩ quan Mỹ và Ukraine phối hợp hàng ngày để xác định mục tiêu tấn công trong chiến sự Nga-Ukraine. Những mục tiêu này được gọi một cách uyển ngữ là “điểm quan tâm” nhằm giảm bớt tính nhạy cảm.
Ngoài việc hoạch định các chiến dịch phản công lớn, lực lượng hai nước còn thực hiện các cuộc tấn công tầm xa chính xác cao, sử dụng vũ khí phương Tây nhằm vào bán đảo Crimea.
The New York Times đưa tin một số vụ tấn công bằng tên lửa phương Tây đã gây thương vong dân sự, trong đó vụ tập kích tên lửa ATACMS vào một bãi biển ở TP Sevastopol hồi tháng 6-2024 khiến 4 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương.
Washington cũng đã triển khai hàng chục cố vấn quân sự tới Ukraine, một số người thậm chí được phép hoạt động gần tiền tuyến.
Năm 2024, Mỹ mở rộng quyền hạn cho Ukraine, cho phép Kiev thực hiện các cuộc tấn công tầm xa hạn chế vào lãnh thổ Nga - một động thái trước đó vẫn bị coi là “lằn ranh đỏ”. Chính Washington đã cung cấp dữ liệu mục tiêu để Ukraine thực hiện các cuộc tấn công này, theo The New York Times.
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Mỹ và Ukraine trong chiến sự Nga-Ukraine đôi lúc cũng gặp trục trặc do bất đồng về chiến lược và mục tiêu, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc phản công của Ukraine ở chiến trường miền nam hồi mùa hè năm 2023.
Theo báo cáo, các quan chức Mỹ cho rằng Ukraine quá tham vọng và không lắng nghe khuyến nghị chiến lược, trong khi Kiev lại chỉ trích Washington vì quá thận trọng. Trong chiến dịch phản công năm 2023, giới lãnh đạo Ukraine bị chia rẽ giữa hai hướng: tấn công về phía TP Melitopol (tỉnh Zaporizhia) hay bảo vệ TP Bakhmut (tỉnh Donetsk). Điều này khiến chiến lược chung được vạch ra tại Wiesbaden khi đó bị phá vỡ.
Hiện Mỹ và Ukraine chưa lên tiếng về thông tin trên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Ukraine “không thể tồn tại” nếu thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài. Moscow nhiều lần lên án sự can thiệp của phương Tây, cho rằng điều này chỉ kéo dài xung đột mà không thể thay đổi kết cục cuối cùng.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở các cuộc đối thoại với Nga nhằm tìm cách chấm dứt chiến sự Nga-Ukraine - một nỗ lực mà Moscow mô tả là “mang tính xây dựng”.
THIÊN PHÚC