Hôm 22/7, tờ Wall Street Journal (WSJ) đã đăng tải bài viết bày tỏ nghi ngờ về khả năng các nước châu Âu thuộc NATO thực hiện lời hứa với Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc phân bổ 5% GDP cho quốc phòng vào năm 2035.
Những lời cam kết này được các nhà lãnh đạo đồng minh châu Âu đưa ra, là phản ứng trước những yêu cầu dai dẳng của ông Trump - người đã nhiều lần chỉ trích đối tác vì thiếu ngân sách cho NATO và phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên theo tờ WSJ, tình trạng kinh tế, nhân khẩu học và chính trị đặt ra câu hỏi về tính khả thi của lời hứa này, điển hình như các nền kinh tế hàng đầu châu Âu gồm Đức, Pháp, Ý và Anh đang phải đối mặt với những hạn chế tài chính nghiêm trọng.
Tình trạng nợ công ngày càng tăng, chi tiêu xã hội cao và các chương trình biến đổi khí hậu đầy tham vọng đang gây áp lực lên ngân sách, khiến việc tăng cường ngân sách quân sự quy mô lớn gần như bất khả thi nếu không có những cải cách triệt để.
Ví dụ, tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nợ công trong năm 2024 được dự kiến sẽ vào khoảng 63% GDP, và thâm hụt ngân sách đã đạt đến giới hạn do các quy tắc của EU đặt ra.
Pháp và Ý cũng đang phải vật lộn với nợ công vượt quá 100% GDP, điều này hạn chế khả năng chi tiêu nhiều hơn cho mục đích quân sự của họ.
Trong khi đó Vương quốc Anh mặc dù đã rời khỏi EU, vẫn phải đối mặt với những thách thức kinh tế trong nước, bao gồm cả tác động của quá trình Brexit và lạm phát.
Theo nhận xét, các nhà lãnh đạo châu Âu như Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đã sử dụng "lời lẽ hoa mỹ" để thuyết phục Tổng thống Mỹ rằng họ sẵn sàng tăng ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên tuyên bố này nhằm mục đích trấn an ông Trump hơn là thay đổi chính sách thực sự.
Cần nhắc lại, ông Trump sau khi trở lại nắm quyền vào năm 2025 đã gia tăng áp lực lên châu Âu, yêu cầu các đồng minh NATO chi trả nhiều hơn cho quốc phòng của họ, đồng thời đe dọa sẽ cắt giảm hỗ trợ của Mỹ nếu đồng minh không làm như vậy.
Vào tháng 1/2025, ông Trump công khai tuyên bố rằng Mỹ sẽ "không còn chi trả cho các nước NATO nữa", kêu gọi châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu hiện tại của liên minh là 2%.
Khó khăn kinh tế càng trầm trọng hơn do suy giảm dân số và thách thức di cư. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), dân số EU đang già hóa và tỷ lệ sinh giảm, làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống lương hưu và y tế.
Ví dụ, tại Đức, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi sẽ đạt 30% vào năm 2035, hạn chế nguồn ngân sách cho nhu cầu quân sự.
Các cuộc khủng hoảng di cư, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và Trung Đông, cũng đòi hỏi chi tiêu đáng kể cho việc tiếp nhận người tị nạn, vốn đang xung đột với các ưu tiên quốc phòng.
Rõ ràng với những thách thức trên, khả năng châu Âu chi tiêu khoảng 2,5 - 3% GDP cho quốc phòng đã là một thách thức rất lớn thay vì con số đầy tham vọng 5% như họ đã cam kết.
Bạch Dương
Theo Wall Street Journal