Châu Âu nỗ lực tìm 'quân bài mạnh' nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ

Châu Âu nỗ lực tìm 'quân bài mạnh' nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ
11 giờ trướcBài gốc
Trong ba tháng đầu nhiệm kỳ hai, Tổng thống Donald Trump liên tục nhắn nhủ các đồng minh lâu năm của Mỹ rằng họ "không có trong tay những quân bài mạnh".
Trong khi đó, ở châu Âu và nhiều nơi khác, các cuộc thảo luận sôi nổi đang diễn ra về việc họ thật sự đang nắm giữ những "quân bài" nào có thể sử dụng để ứng phó những biến động của tình hình thế giới, theo trang Business Insider.
“Một sự thay đổi trong tư duy đang diễn ra. Chúng tôi cần tìm một hướng đi giảm phụ thuộc vào Mỹ” - một nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) nói, lưu ý rằng châu Âu “sẽ đưa ra những quyết định để tự bảo vệ mình”.
Châu Âu nỗ lực giảm phụ thuộc vào Mỹ sau các mức thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: TOVIMA
Chuyển hướng ngân sách quốc phòng
Ông Trump đã thúc ép các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng, cho rằng mức yêu cầu hiện tại của liên minh là 2% GDP nên được nâng lên 5%.
Theo chuyên gia, kết quả của áp lực này có thể sẽ là việc các đồng minh NATO chuyển khoản đầu tư quốc phòng ra khỏi các hợp đồng với Mỹ.
Ba Lan hiện đang chi đến 4,7% GDP cho quốc phòng — cao nhất trong các nước NATO. Đồng thời, nước này cũng mua nhiều thiết bị quốc phòng Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth từng ca ngợi Ba Lan là một đồng minh kiểu mẫu. Nhưng hiện Warsaw đang cân nhắc lại mối quan hệ đó.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã loại trừ khả năng hủy bỏ các hợp đồng hiện tại, nhưng tại Warsaw vẫn tồn tại những e ngại về việc ký thêm hợp đồng mới.
“Niềm tin vào Mỹ đã có phần lung lay. Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ ký thêm bất kỳ đơn hàng lớn nào với ngành công nghiệp vũ khí Mỹ trong thời gian tới sau khi phân tích những gì đang xảy ra hiện nay” - ông Pawel Kowal, đặc phái viên của thủ tướng Ba Lan về Ukraine, nói.
Ba Lan dự kiến chi 47,1 tỉ USD cho quốc phòng trong năm 2025, trong đó hơn một nửa sẽ dành cho các nhà thầu Mỹ. Tuy nhiên, ông Kowal cho biết Ba Lan giờ đây cần “đa dạng hóa nguồn mua vũ khí” và “mua ở châu Âu hoặc dựa nhiều hơn vào ngành công nghiệp vũ khí trong nước”.
Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Cezary Tomczyk cho biết việc duy trì quan hệ bền chặt với Mỹ vẫn là điều quan trọng, nhấn mạnh rằng ông Trump đã khuyến khích châu Âu tự chủ hơn và đầu tư vào sản xuất tại Ba Lan cũng là một phần trong tinh thần đó. Nhưng ông Tomczyk cũng lưu ý rằng Mỹ cũng có lợi ích cụ thể tại Ba Lan.
“Nếu Mỹ khiến Ba Lan xa lánh, điều đó sẽ không tốt cho chính nước Mỹ” - vị thứ trưởng nói.
Trước khi ông Trump nhậm chức lần hai, các lãnh đạo châu Âu từng tính toán rằng họ có thể gắn kết ông với NATO bằng cách đáp ứng yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng thông qua các cam kết dành phần lớn ngân sách đó cho các công ty Mỹ. Giờ đây, châu Âu đang đi theo hướng ngược lại.
“Châu Âu sẽ tăng mạnh đầu tư cho quốc phòng. Và việc châu Âu đưa số tiền đó quay trở lại chính nền kinh tế của mình là điều hết sức hợp lý” - Ngoại trưởng Estonia, ông Margus Tsahkna, nói.
Nhiều quốc gia quyết tâm tăng chi tiêu quốc phòng bằng việc đầu tư vào nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ nhưng giờ đây cũng nhận ra rằng việc xoa dịu ông Trump không còn đơn giản như trong nhiệm kỳ đầu của ông.
“Những năm trước, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và thậm chí sau đó, chúng tôi từng tin rằng có thể xoa dịu ông ấy. Ông ấy muốn giao dịch, muốn chúng tôi mua hàng loạt sản phẩm từ ông ấy: máy bay F-35, tên lửa Patriot, khí đốt hóa lỏng và đủ thứ khác… rồi ông ấy sẽ hài lòng” - ông Peter Beyer, nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (đảng được kỳ vọng sẽ lãnh đạo chính phủ Đức sắp tới), nói.
“Tôi nghĩ đó là phép tính quá đơn giản. Tất cả không còn đúng nữa, ít nhất là ở hiện tại” - ông Beyer nói thêm.
Việc ông Trump sẵn sàng sử dụng các hệ thống vũ khí do Mỹ kiểm soát như một đòn bẩy với Ukraine cũng làm dấy lên những lo ngại mới. Canada, Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Đức đã công khai bày tỏ quan ngại về việc tiếp tục mua máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ, vì trong trường hợp xảy ra bất đồng chính trị, ông Trump có thể chặn quyền tiếp cận linh kiện thay thế.
“Nếu chúng ta mua các hệ thống vũ khí, dù là Patriot, F-35 hay bất cứ thứ gì, từ Lockheed Martin, Northrop Grumman, Raytheon, thì chúng ta phải ý thức rằng đó giống như thanh gươm Damocles – luôn có nguy cơ bị ngừng cung cấp” - ông Beyer nói.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng châu Âu đã tích hợp quá sâu vào nền công nghiệp quốc phòng Mỹ sau hàng chục năm mua sắm, việc tìm kiếm các giải pháp thay thế sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều.
Nhắm vào các sản phẩm cụ thể
Một số chính phủ EU đang cân nhắc việc tận dụng các tiêu chuẩn nông nghiệp và môi trường để ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ. Họ có thể cấm nhập khẩu những mặt hàng cụ thể đến từ các bang ủng hộ ông Trump, như rượu bourbon của bang Kentucky hay nước cam Florida.
Trên khắp châu Âu, các nhóm trên mạng xã hội Facebook kêu gọi tẩy chay sản phẩm Mỹ đã thu hút hàng chục nghìn người theo dõi. Tại Đan Mạch, một khảo sát cho thấy khoảng một nửa dân số đã tránh mua sản phẩm Mỹ kể từ tháng 1. Chuỗi siêu thị lớn nhất Đan Mạch còn hiển thị rõ trên bảng giá điện tử để biết đâu là sản phẩm đến từ công ty châu Âu.
Ngôi sao màu đen giúp người tiêu dùng nhận dạng và mua sản phẩm sản xuất tại châu Âu. Ảnh: GETTY IMAGES
Du lịch cũng bị ảnh hưởng. Canada nằm trong số ít quốc gia đã ban hành khuyến cáo về việc du lịch tới Mỹ. Số lượng đặt vé trên các tuyến bay giữa Mỹ và Canada đã giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái - một sự sụt giảm mà các chuyên gia trong ngành ước tính có thể khiến thất thu khoảng 2 tỉ USD doanh thu từ du lịch và kinh doanh. Tương tự, lượng khách từ châu Âu đến Mỹ đã giảm 35% chỉ trong 2 tháng gần đây.
Nếu ông Trump thực sự áp thuế lên các loại thuốc nhập khẩu vào Mỹ, thì EU có thể đáp trả bằng cách siết chặt xuất khẩu khiến người dân Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho các loại thuốc phổ biến như Ozempic - vốn là thuốc điều trị tiểu đường và béo phì được sản xuất chủ yếu ở Đan Mạch.
Làm gián đoạn chuỗi cung ứng
Một số nước đang tìm cách khiến những sản phẩm và dịch vụ quan trọng mà Mỹ cần phải mua trở nên khó tiếp cận hơn hoặc tốn kém hơn.
EU có thể áp thuế xuất khẩu lên các mặt hàng do EU sản xuất như máy móc, thiết bị điện hoặc dược phẩm để gây áp lực giá ngay lập tức lên chuỗi cung ứng của Mỹ. Dù việc đó cũng gây thiệt hại cho các nước châu Âu, một số quan chức và chuyên gia cho biết họ không loại trừ khả năng này.
“Châu Âu có một số điểm nghẽn quan trọng với Mỹ. Chúng tôi xuất khẩu máy móc và thiết bị quang học – những sản phẩm này không dễ gì thay thế, và nếu bị kiểm soát, có thể khiến sản xuất ở Mỹ bị đình trệ” - nhà kinh tế học người Thụy Điển Frederik Erixson lập luận.
Ông Erixson gọi các biện pháp như vậy là “lựa chọn hạt nhân” trong một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương, bởi vì chuỗi cung ứng giữa hai bên đã gắn bó chặt chẽ.
Các đồng minh gần gũi hơn với Mỹ cũng có những đòn bẩy riêng. Canada đã cung cấp hơn 27 triệu megawatt giờ điện cho Mỹ trong năm ngoái, chưa kể đến 59% lượng dầu thô mà Mỹ nhập khẩu. Một số lãnh đạo Canada đã xem đây là điểm có thể tận dụng trong trường hợp căng thẳng thương mại kéo dài. Thủ hiến tỉnh Ontario (Canada) tháng trước cảnh báo cắt nguồn điện xuất khẩu sang Mỹ để đáp trả mức thuế 25% mà chính quyền ông Trump áp dụng với Canada.
Tìm liên minh, đối tác mới
Nhiều quốc gia châu Âu có ý định hình thành các liên minh phòng thủ mới. Một số nước Bắc và Đông Âu bày tỏ mong muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác Trang bị Quốc phòng (OCCAR) gồm sáu thành viên hiện nay là Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Bỉ.
Đan Mạch đã tham gia Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu nhằm xây dựng một hệ thống phòng không nhiều tầng ở lục địa này.
“Trong vòng ba đến năm năm nữa, chúng ta phải hoàn toàn có khả năng tự bảo vệ châu Âu” - Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói với tờ Politico hồi tháng trước.
Trên mặt trận thương mại, các đồng minh cũng đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng việc thiết lập quan hệ với những đối tác mới. Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin bất ngờ tuyên bố Paris đang xem xét lại lập trường phản đối hiệp định thương mại lớn giữa EU và khối Nam Mỹ (Mercosur), kêu gọi Brussels giải quyết những lo ngại của Pháp để có thể ký kết thỏa thuận này.
EU cũng đối thoại với Trung Quốc nhằm dỡ bỏ thuế nhập khẩu xe hơi. Nếu thành công, điều này có thể làm giảm mạnh thị phần của xe hơi sản xuất tại Mỹ ở thị trường châu Âu.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/chau-au-no-luc-tim-quan-bai-manh-nham-giam-phu-thuoc-vao-my-post846420.html