Châu Âu tìm cách ứng phó kế hoạch của ông Trump tại Ukraine

Châu Âu tìm cách ứng phó kế hoạch của ông Trump tại Ukraine
20 giờ trướcBài gốc
Nỗi lo “bị bỏ lại phía sau”
Tối 15/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo đề xuất tổ chức một cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm cả Thủ tướng Anh Keir Starmer, trước mối lo ngại ngày càng tăng về nỗ lực giành quyền kiểm soát tiến trình hòa bình Ukraine của ông Trump.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết ông “rất vui mừng khi Tổng thống Macron triệu tập các nhà lãnh đạo của chúng tôi đến Paris để thảo luận một cách rất nghiêm túc” về những thách thức do ông Trump đặt ra. “Tổng thống Trump có một phương pháp hoạt động mà người Nga gọi là “razvedka boyem” - trinh sát thông qua chiến đấu: bạn thúc đẩy và bạn thấy điều gì xảy ra, sau đó bạn thay đổi lập trường của mình... và chúng tôi cần phải phản ứng”, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan nói.
Cuộc họp có khả năng được tổ chức vào tuần này, dự kiến sẽ thảo luận về những nỗ lực của Mỹ nhằm loại trừ các nhà lãnh đạo châu Âu khỏi các cuộc đàm phán hòa bình, về lập trường châu Âu cần áp dụng đối với tư cách thành viên NATO trong tương lai của Ukraine và cách Ukraine có thể được cung cấp các đảm bảo an ninh, thông qua NATO hoặc một số lực lượng châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau trong nhiệm kỳ 1 của ông Trump năm 2019.
Văn phòng Thủ tướng Anh xác nhận hôm 15/2 rằng họ đã nghe về cuộc họp được đề xuất và các quan chức đã nói rõ rằng Thủ tướng Anh Starmer sẽ tham dự và chuyển thông điệp từ cuộc họp đến Washington trong tuần này, khi ông sẽ gặp Tổng thống Trump. Các nguồn tin từ Anh cho biết họ tin rằng những người được ông Macron mời đến Paris sẽ bao gồm Tổng Thư ký NATO Mark Rutte và các nhà lãnh đạo của Đức, Italy, Anh và Ba Lan.
Thủ tướng Starmer cho biết: “Đây là khoảnh khắc có một không hai đối với an ninh quốc gia của chúng ta, khi chúng ta đối mặt với thực tế của thế giới ngày nay. Rõ ràng là châu Âu phải đóng vai trò lớn hơn trong NATO khi chúng ta hợp tác với Mỹ để bảo vệ tương lai của Ukraine và đối mặt với mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt. Anh sẽ nỗ lực để đảm bảo chúng ta giữ vững mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Chúng ta không thể để bất kỳ sự chia rẽ nào trong liên minh làm sao lãng những kẻ thù bên ngoài mà chúng ta phải đối mặt”.
Việc ông Macron tỏ ra rất “khẩn trương” trong việc cố gắng đoàn kết các nhà lãnh đạo châu Âu đằng sau một phản ứng chung cho thấy mức độ lo lắng ở châu Âu về những nỗ lực của Mỹ nhằm kiểm soát quá trình này và loại trừ các chính phủ châu Âu khỏi bất kỳ cuộc đàm phán chi tiết nào giữa Mỹ và Nga.
Triển vọng về sự tham gia của ông Starmer cũng làm nổi bật cách Thủ tướng Anh đang bị lôi kéo vào phản ứng của châu Âu, mặc dù Anh đã rời khỏi EU. Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ họp tại Paris thì các quan chức Nga và Mỹ cũng dự kiến sẽ gặp nhau tại Saudi Arabia trong cùng thời điểm để vạch ra những dự định cho tiến trình hòa bình.
Sự lo lắng của châu Âu tăng lên vào ngày 15/2 khi đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine, ông Keith Kellogg tuyên bố việc các nhà lãnh đạo châu Âu tham gia là không thực tế. “Có thể hơi khó chịu một chút, nhưng tôi đang nói với bạn một điều thực sự khá trung thực”, ông Kellogg nói tại Hội nghị Munich. “Và, đối với những người bạn châu Âu của tôi, tôi muốn nói: Hãy tham gia vào cuộc tranh luận, không phải bằng cách phàn nàn rằng bạn có thể có hoặc không ngồi vào bàn, mà bằng cách đưa ra các đề xuất, ý tưởng cụ thể, tăng chi tiêu quốc phòng”. Ông Kellogg cho biết ông đang làm việc theo “thời gian của ông Trump” và một thỏa thuận dự kiến sẽ đạt được trong vài tuần hoặc vài tháng nữa.
Mỹ cũng được cho là đã gửi một lá thư cho các quốc gia châu Âu, hỏi họ muốn cung cấp quân đội nào cho lực lượng gìn giữ hòa bình. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết “có vẻ như châu Âu sẽ được yêu cầu giám sát một thỏa thuận mà họ không trực tiếp tham gia đàm phán. Trong khi đó, ông Trump đang tìm cách nắm quyền kiểm soát 50% các khoáng sản quý hiếm của Ukraine”.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết thế giới đang trải qua "khoảnh khắc chân lý" khi các cuộc đàm phán có thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine đang đến gần. “Mọi người trên thế giới phải quyết định xem họ đứng về phía thế giới tự do hay đứng về phía những kẻ đang chiến đấu chống lại thế giới tự do”. Trong một tuyên bố về quyền của châu Âu được tham gia các cuộc đàm phán, bà Baerbock nói thêm rằng “không thể có hòa bình lâu dài nếu không có hòa bình châu Âu”.
Các nguồn tin châu Âu cho biết, mối lo ngại nghiêm trọng là ông Trump có thể đàm phán các điều khoản của lệnh ngừng bắn vốn được coi là một thỏa thuận dài hạn, nhưng ông sẽ nhanh chóng từ bỏ mọi vai trò của Mỹ trong an ninh tương lai của Ukraine. Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết điều quan trọng là phải đề phòng khả năng Nga vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai. Ông nói: “Chúng ta cần một sự đảm bảo rằng nếu thỏa thuận bị vi phạm, chúng ta có thể hành động và đây là mối đe dọa đủ lớn để Nga không vi phạm sự đảm bảo này”.
Ông cũng thúc giục Mỹ không rút lui trong việc hỗ trợ Ukraine, nói rằng sự đảm bảo an ninh tốt nhất cho quốc gia này trong tương lai là ràng buộc năng lực công nghiệp, kinh doanh và quốc phòng của Mỹ vào tương lai của Ukraine. “Đó là điều sẽ khiến ông Putin chú ý và đó là điều hấp dẫn đối với một Tổng thống Mỹ biết cách đạt được một thỏa thuận tốt”.
Đặc phái viên Kellogg cho biết, một lý do khiến các cuộc đàm phán hòa bình trước đây thất bại là do có quá nhiều quốc gia tham gia. “Chúng ta sẽ không đi theo con đường đó”, ông nói bên lề Hội nghị An ninh Munich.
Phó Tổng thống Mỹ James David Vance phát biểu gây sốc tại Hội nghị An ninh Munich.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó đã sử dụng bài phát biểu của mình tại hội nghị để cảnh báo rằng châu Âu có khả năng bị loại khỏi các cuộc đàm phán. Ông thúc giục châu Âu tiến lên và thành lập một đội quân châu Âu trong đó Ukraine sẽ đóng vai trò trung tâm. “Hãy thành thật mà nói - bây giờ chúng ta không thể loại trừ khả năng Mỹ có thể nói không với châu Âu về các vấn đề đe dọa đến châu Âu. Nhiều nhà lãnh đạo đã nói về một châu Âu cần có quân đội riêng - một đội quân của châu Âu. Tôi tin rằng thời điểm đã đến. Các lực lượng vũ trang của châu Âu phải được thành lập” - ông Zelensky nói.
Châu Âu cần một kế hoạch hành động riêng
Với nhiều quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với các cử tri ngày càng hoài nghi về châu Âu, những ý tưởng của ông Zelensky về hội nhập khó có thể thành công, nhưng những phát biểu của ông có thể thúc đẩy lục địa này thảo luận chi tiết hơn về vai trò quân sự mà họ có thể đóng góp ở Ukraine, bao gồm cả việc triển khai quân đội trên bộ để bảo vệ lệnh ngừng bắn.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã viết trên mạng xã hội rằng: “Châu Âu rất cần một kế hoạch hành động riêng liên quan đến Ukraine và an ninh của chúng ta, nếu không, những thế lực toàn cầu khác sẽ quyết định tương lai của chúng ta. Không nhất thiết phải phù hợp với lợi ích của chúng ta... Kế hoạch này phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ. Không còn thời gian để mất nữa”.
Việc châu Âu khẩn trương tìm “lối đi riêng” trong vấn đề Ukraine phản ánh một thực tế châu lục này đang không “đi cùng” hoặc không thể bắt kịp với Mỹ trong quan điểm xử lý vấn đề Ukraine nói chung. Mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn nói về việc Ukraine gia nhập NATO, nhưng chính Tổng thống Ukraine Zelensky từ lâu đã thừa nhận rằng sự phản đối từ Mỹ và Nga khiến viễn cảnh đó trở nên xa vời.
Điều đó tiếp tục được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth khẳng định khi tuyên bố loại trừ cả tư cách thành viên NATO cho Ukraine và bất kỳ vai trò nào của Mỹ trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình. Trong một thông báo về cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ tiếp tục bác bỏ tương lai thành viên NATO của Ukraine. Tại Kiev, các tuyên bố như thế đã gây ra cú sốc mạnh như tiếng nổ long trời lở đất của tên lửa Iskander.
Ông Trump nhấn mạnh thêm vào lời khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth rằng “việc Ukraine khôi phục toàn vẹn lãnh thổ là điều không thể”, thậm chí còn gợi ý rằng Nga có thể bằng cách nào đó xứng đáng giữ lại vùng lãnh thổ đã chiếm đóng. Bản ghi cuộc gọi cho biết hai ông Trump và Putin đã nói về “lịch sử vĩ đại” của đất nước mình và thảo luận về Thế chiến thứ hai.
Có lẽ, bình luận của ông Trump gây ra sự tức giận nhất ở Ukraine là câu nói vô tình trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng “một ngày nào đó họ có thể là người Nga, một ngày nào đó họ có thể không phải là người Nga, nhưng chúng tôi đã bỏ ra nhiều tiền ở đó và tôi đã nói rằng tôi muốn lấy lại”.
Đáp lại, ông Zelensky phải “đi trên dây” trong công tác ngoại giao. Ông biết rằng nếu ông chỉ cần chỉ trích nhẹ nhàng Tổng thống Mỹ thôi, điều đó cũng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn cho đất nước ông. Vào ngày 10/2, ông đã đưa ra những lời khen ngợi thận trọng, ngả mũ trước “sự quyết đoán” của ông Trump. Ông đã lặp lại mô tả này vào hôm 14/2 tại Hội nghị An ninh Munich, khi Phó Tổng thống JD Vance có bài phát biểu quan trọng, hầu như không đề cập đến Ukraine, và khi chắc chắn có nhiều từ khác nhau trong suy nghĩ riêng tư của ông Zelensky.
Sự sụp đổ của liên minh xuyên Đại Tây Dương?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thúc giục người Mỹ nhìn nhận rằng thất bại của Ukraine không chỉ làm suy yếu châu Âu mà còn làm suy yếu cả Mỹ. Ukraine muốn có một nền hòa bình “công bằng và lâu dài, để những nỗi kinh hoàng của những năm qua không tái diễn nữa”, bà cho biết.
Bà cố gắng trấn an các nước thành viên EC rằng một số tiếng nói trong chính quyền ông Trump vẫn thừa nhận rằng an ninh lâu dài của Ukraine là mục tiêu quan trọng đối với toàn bộ liên minh phương Tây. Bà đã chìa ra một nhành ô liu: “Chúng ta cần phải trung thực ở đây và chúng ta cần tránh sự phẫn nộ và phản đối. Bởi vì, nếu chúng ta lắng nghe bản chất của những phát biểu, chúng ta không chỉ hiểu được chúng xuất phát từ đâu mà còn nhận ra rằng có một số phát biểu mà chúng ta có thể đồng ý”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bước vào phiên họp của Hội nghị Munich vào hôm 15/2 với tâm trạng choáng váng sau bài phát biểu gây căng thẳng ngày 14/2 của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, trong đó ông chỉ trích châu Âu vì đã phớt lờ những lo ngại của người dân về vấn đề nhập cư và cáo buộc họ đàn áp quyền tự do ngôn luận. Đặc biệt, ông Vance đã công khai đặt câu hỏi liệu các giá trị hiện tại của châu Âu có được Mỹ bảo vệ hay không, và ông đã vẽ nên bức tranh chính trị châu Âu bị ảnh hưởng bởi kiểm duyệt truyền thông, hủy bỏ các cuộc bầu cử và sự chính xác về mặt chính trị. Lập luận rằng mối đe dọa thực sự đối với châu Âu không xuất phát từ các tác nhân bên ngoài như Nga hay Trung Quốc, mà là sự thoái lui nội bộ của châu Âu khỏi một số “giá trị cơ bản nhất” của mình, ông liên tục đặt câu hỏi liệu Mỹ và châu Âu có còn chung một chương trình nghị sự hay không. “Điều tôi lo lắng là mối đe dọa từ bên trong”, ông Vance nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Kaja Kallas đã mô tả ông Vance là “cố gắng gây chiến” với châu Âu, nơi có một số đồng minh thân cận nhất của Mỹ.
Những phát biểu gay gắt và mang tính chất đối đầu này đã gây sốc tại Hội nghị An ninh Munich và sau đó bị EU và Đức lên án, trong khi nhận được lời khen ngợi từ truyền hình nhà nước Nga. Chúng báo hiệu sự sâu sắc hơn của vực thẳm xuyên Đại Tây Dương vượt ra ngoài những nhận thức khác nhau về Nga đến một sự rạn nứt xã hội sâu sắc hơn nữa về các giá trị và bản chất của nền dân chủ.
Trương Hùng
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chau-au-tim-cach-ung-pho-ke-hoach-cua-ong-trump-tai-ukraine-i759701/