Châu Âu 'toát mồ hôi' vì thiếu điều hòa

Châu Âu 'toát mồ hôi' vì thiếu điều hòa
8 giờ trướcBài gốc
Một đợt nắng nóng khắc nghiệt đang bao trùm nhiều nơi ở châu Âu, khiến hàng triệu người phải vật lộn thích nghi với nhiệt độ kỷ lục. Nhiệt độ cao cả ngày lẫn đêm, một số nơi ghi nhận mức 30 độ C vào ban đêm, CNN đưa tin.
Tuy nhiên, điều hòa là vật phẩm hiếm khi xuất hiện trong các ngôi nhà tại châu Âu. Nhiều người chống chọi với cái nóng thiêu đốt bằng quạt điện, túi chườm đá và vòi sen.
Vì sao châu Âu giàu có nhưng điều hòa lại xa xỉ?
Châu Âu không ứng phó với nắng nóng theo cách tương tự Mỹ. Trong khi gần 90% nhà ở Mỹ có máy lạnh, con số này ở châu Âu là 20%, thậm chí một số quốc gia có tỷ lệ thấp hơn nhiều. Ở Vương quốc Anh, chỉ có 5% nhà có hệ thống làm mát, chủ yếu là máy lạnh di động. Ở Đức, con số rơi vào 3%.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra các đợt nắng nóng nghiêm trọng và kéo dài, đến sớm hơn dự kiến, một số người đặt câu hỏi tại sao các nước châu Âu lại khước từ điều hòa, đặc biệt khi nắng nóng có thể dẫn tới tử vong.
Trong quá khứ, châu Âu không quá nóng, đặc biệt ở phía bắc nên điều hòa không phải sản phẩm thiết yếu. Ảnh: Reuters.
Trong quá khứ, châu Âu không quá nóng, đặc biệt ở phía bắc. Các đợt nắng nóng có xuất hiện nhưng hiếm khi đạt đến mức nhiệt cao và kéo dài như hiện tại.
“Ở châu Âu, chúng tôi không có truyền thống sử dụng điều hòa không khí, bởi vì trong quá khứ người dân không có nhu cầu”, Brian Motherway - người đứng đầu Văn phòng Hiệu quả Năng lượng và Chuyển đổi Toàn diện tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế - cho biết.
Điều này đồng nghĩa tại châu Âu, điều hòa không khí được coi là sản phẩm xa xỉ thay vì thiết yếu, đặc biệt chi phí lắp đặt và vận hành khá tốn kém. Chi phí năng lượng ở nhiều nước châu Âu cao hơn Mỹ, trong khi thu nhập có xu hướng thấp hơn.
Giá năng lượng tăng cao hơn nữa kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022, khi EU thực hiện dần các bước loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu khí Nga. Mặc dù giá cả đã ổn định sau cuộc khủng hoảng năng lượng hồi năm 2022, chi phí điện cho thiết bị làm mát vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người dân châu Âu.
Kết cấu nhà ở cũng là vấn đề. Một số tòa nhà ở các quốc gia Nam Âu có nhiệt độ cao hơn được xây dựng để chống nóng. Nhà có tường dày, cửa sổ nhỏ ngăn ánh nắng chiếu vào bên trong và tối đa hóa khả năng thông gió. Những ngôi nhà này do đó khá mát mẻ và giảm nhu cầu làm mát nhân tạo.
Tuy nhiên không phải nơi nào ở châu Âu cũng vậy. “Chúng tôi không có thói quen nghĩ về cách chống chọi nắng nóng trong mùa hè. Đây quả là hiện tượng tương đối mới lạ”, ông Motherway cho biết.
Nhiều người châu Âu chống chọi với cái nóng thiêu đốt bằng quạt điện, túi chườm đá và vòi sen. Ảnh: Reuters.
Nhiều tòa nhà khá cũ, được thiết kế trước khi điều hòa không khí phổ biến. Ở Anh - nơi vừa trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử, cứ 6 ngôi nhà thì có một ngôi nhà xây dựng trước năm 1900. Ông Motherway cho biết việc trang bị hệ thống làm mát trung tâm cho những ngôi nhà cũ tương đối khó khăn.
Một rào cản khác là thủ tục hành chính, theo Richard Salmon - giám đốc Công ty Điều hòa Không khí có trụ sở tại Vương quốc Anh. Chính quyền tại Anh thường từ chối các đơn xin lắp đặt điều hòa do tính thẩm mỹ của các cục nóng gắn bên ngoài tòa nhà.
Ngoài ra, dưới góc độ chính sách, châu Âu cam kết “trung hòa khí hậu” vào năm 2050, do đó tăng số lượng điều hòa không khí sẽ ảnh hưởng tới tiến trình thực hiện các cam kết về khí hậu.
Tiến thoái lưỡng nan
Máy điều hòa không khí không chỉ ngốn năng lượng mà còn đẩy nhiệt ra bên ngoài. Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng điều hòa ở Paris có thể tăng nhiệt độ ngoài trời từ 2-4 độ C. Tác động này đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố đông đúc của châu Âu.
Một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế điều hòa không khí. Năm 2022, Tây Ban Nha quy định điều hòa công cộng bật ít nhất 27 độ C để tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, thái độ và mối quan tâm xoay quanh điều hòa ở châu Âu đang thay đổi khi lục địa già trở thành điểm nóng về khí hậu, nóng lên với tốc độ gấp đôi so với phần còn lại của thế giới.
Châu Âu đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: Hoặc dùng điều hòa tiêu tốn điện năng và tác động tiêu cực tới khí hậu, hoặc tìm cách khác đối phó với một tương lai ngày càng khắc nghiệt.
“Nhà cửa hiện nay không chỉ chống chọi với cái lạnh mà còn cả cái nóng”, Yetunde Abdul - Giám đốc Hội đồng Xây dựng Xanh Vương quốc Anh - cho biết.
Có dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng điều hòa đang tăng lên ở châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy số lượng điều hòa không khí ở EU có khả năng tăng lên 275 triệu chiếc vào năm 2050, gấp đôi con số năm 2019.
Trí Ân
Nguồn Znews : https://znews.vn/chau-au-toat-mo-hoi-vi-thieu-dieu-hoa-post1565765.html