Khi niềm tin vào Mỹ lung lay, một chiến lược hạt nhân độc lập đang được EU thảo luận. Nhưng chia rẽ nội khối và rào cản hiệp ước có thể khiến tham vọng này rơi vào ngõ cụt (trong ảnh: Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ). Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang tin Oilprice.com ngày 7/7, sau cuộc xung đột ở Ukraine và những lời cảnh báo hạt nhân từ Nga, vấn đề phòng thủ của châu Âu trước lực lượng hạt nhân khổng lồ của Moskva đang trở thành tâm điểm tranh luận ở EU. Càng cấp bách hơn khi những thông điệp "nước đôi" từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về NATO khiến các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu châu Âu có thể tự vệ nếu Mỹ không tuân thủ Điều 5 của hiệp ước NATO hay không. Vậy, trên thực tế châu Âu có đủ khả năng và ý chí để tự xây dựng một kho vũ khí hạt nhân của riêng mình?
Tiềm lực công nghệ đáng kể
Nhiều chuyên gia nghiên cứu chiến tranh và kiểm soát vũ khí cho rằng, về mặt công nghệ, châu Âu hoàn toàn có khả năng xây dựng một lực lượng răn đe hạt nhân mang tên "Eurodeterrent". Alexander Bollfrass từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London (Anh) nhận định, châu Âu "có thể sản xuất một kho đầu đạn hạt nhân trong vòng ba năm – có tốc độ ngang bằng Dự án Manhattan của Mỹ – và tích trữ một kho vũ khí hạt nhân có lẽ bằng một phần mười kho vũ khí hiện tại của Mỹ".
Ông Bollfrass, Trưởng phòng Chiến lược, Công nghệ và Kiểm soát Vũ khí tại IISS, khẳng định rằng châu Âu có đủ bí quyết, công nghệ và khả năng làm giàu uranium. Cụ thể, Đức có thế mạnh về làm giàu uranium và một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ mạnh. Thụy Điển mang đến các hệ thống phân phối, chuyên môn về tên lửa và di sản nghiên cứu hạt nhân.
Italy có thể đóng góp đáng kể vào bí quyết phóng tên lửa và không gian, trong khi Hà Lan bổ sung năng lực làm giàu uranium quan trọng. Điều này cho thấy sự phân bổ và tích hợp các năng lực hiện có trong khu vực có thể tạo nên một nền tảng vững chắc cho tham vọng hạt nhân độc lập.
Rào cản và quan điểm chia rẽ
Tuy nhiên, con đường dẫn đến một "Eurodeterrent" độc lập không hề bằng phẳng mà phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là về mặt pháp lý và chính trị. Trở ngại đầu tiên và quan trọng nhất là Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Anh và Pháp là hai cường quốc hạt nhân duy nhất ở châu Âu và cũng là các bên ký kết NPT. Điều 1 của Hiệp ước nghiêm cấm các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chuyển giao hoặc hỗ trợ bất kỳ quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân nào phát triển hoặc mua vũ khí hạt nhân. Điều này có nghĩa là, theo tình hình hiện tại, Anh hoặc Pháp không thể trực tiếp lãnh đạo một lực lượng răn đe hạt nhân của châu Âu.
Thêm vào đó, quan điểm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân giữa các nước châu Âu cũng rất khác nhau. Trong khi kho vũ khí hạt nhân của Anh được coi là đóng góp cho khả năng răn đe của NATO, Pháp luôn khẳng định rằng vũ khí và năng lực hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích bảo vệ các lợi ích quan trọng của Pháp, chứ không phải của toàn châu Âu.
Ngoài ra, dù có một số vũ khí hạt nhân của Mỹ được bố trí tại Bỉ, Đức, Hà Lan, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ theo Thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO, chúng vẫn nằm dưới sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ của Mỹ, tuân thủ đúng NPT. Điều này cho thấy sự phụ thuộc nhất định vào Washington trong khả năng răn đe hạt nhân hiện tại của châu Âu.
Trước những thách thức này, các chuyên gia tin rằng giải pháp hiệu quả nhất cho một lực lượng hạt nhân châu Âu không phải là xây dựng độc lập mà là tích hợp nó vào NATO. Theo Trung tâm nghiên cứu châu Âu Wilfried Martens, cơ quan nghiên cứu chính thức của Đảng Nhân dân châu Âu, câu trả lời tốt nhất là Pháp và Anh lãnh đạo một lực lượng hạt nhân châu Âu trong khuôn khổ NATO, thay vì tách rời khỏi khối này.
Để hiện thực hóa điều này, một số bước có thể được thực hiện: Thứ nhất, Pháp gia nhập Nhóm lập kế hoạch hạt nhân (NPG) và các sứ mệnh hạt nhân của NATO. Điều này sẽ giúp Pháp đóng vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chính sách hạt nhân chung của liên minh.
Thứ hai, Pháp và Anh mở rộng năng lực răn đe hạt nhân và thông thường: Việc tăng cường sức mạnh quân sự của hai cường quốc hạt nhân châu Âu sẽ nâng cao khả năng phòng thủ tổng thể.
Sử dụng công nghệ tiên tiến như AI để phòng thủ tên lửa và chống lại các mối đe dọa siêu thanh/siêu vượt âm: Đầu tư vào các công nghệ phòng thủ mới sẽ giúp châu Âu đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa từ tên lửa và vũ khí siêu thanh/siêu vượt âm.
Các nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu Wilfried Martens nhấn mạnh: "Châu Âu cần phải hành động ngay bây giờ. Con đường phía trước không phải là một sự răn đe hạt nhân của châu Âu tách biệt khỏi NATO, mà là một sự răn đe được neo giữ trong NATO. Chỉ khi đó, châu Âu mới có thể đứng vững như một đối tác xuyên Đại Tây Dương bình đẳng thực sự và đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào bằng sự thống nhất và quyết tâm, chứ không phải chia rẽ".
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc