Ukraine thích nghi khi lá chắn thép Patriot trở thành mục tiêu hàng đầu của Nga

Ukraine thích nghi khi lá chắn thép Patriot trở thành mục tiêu hàng đầu của Nga
7 giờ trướcBài gốc
Tổ hợp phòng không khiến tên lửa Nga phải dè chừng
Lực lượng phòng không Ukraine tiếp nhận tổ hợp tên lửa phòng không Patriot MIM-104 đầu tiên cách đây hơn 2 năm. Kể từ đó, Lục quân Mỹ – lực lượng đã huấn luyện các binh lính Ukraine vận hành hệ thống đã theo dõi sát sao quá trình triển khai, rút ra dữ liệu thực tế để phục vụ cho công tác lập kế hoạch tác chiến của chính họ.
Trung tá James Compton, Phó sĩ quan tác chiến thuộc Bộ Tư lệnh Phòng thủ Tên lửa và Không quân Lục quân số 10, chia sẻ với Business Insider rằng mặc dù Nga sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau để tấn công Ukraine nhưng hệ thống Patriot “đã thể hiện rất tốt” trước các mối đe dọa mà nó đối mặt. Tuy nhiên, đi kèm với thành công là sự chú ý từ phía Nga. Một sĩ quan trong đơn vị của Trung tá Compton cho biết hệ thống Patriot ngày càng trở thành “mục tiêu hàng đầu” của Moscow.
Tổ hợp phòng không Patriot. Ảnh: Lục quân Mỹ
Theo Trung tá Compton, Lục quân Mỹ hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của Patriot nhưng vẫn không giấu được sự hào hứng khi hệ thống lần đầu được khai hỏa chống lại các mối đe dọa từ Nga. Ông nói thêm rằng thật “ấn tượng” khi chứng kiến "cách Ukraine thích nghi với các chiến thuật ngày càng tinh vi của Nga".
Ông đặc biệt ghi nhận vai trò của các kíp vận hành và các chỉ huy đơn vị Ukraine trong thành công của Patriot trên chiến trường. Theo ông, họ đã thể hiện sự linh hoạt cao trong việc điều chỉnh nhanh chóng và ưu tiên các mục tiêu. Tuy nhiên, ông thừa nhận, các đợt không kích quy mô lớn của Nga đặc biệt gia tăng trong những tuần gần đây cho thấy Patriot chỉ là một phần trong mạng lưới phòng không tổng thể.
"Để phối hợp hiệu quả giữa các hệ thống này đòi hỏi nỗ lực rất lớn, và Ukraine đang dạy cho chúng tôi nhiều điều về cách thực hiện việc đó", Trung tá Compton nói.
Hệ thống Patriot, do các tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Mỹ như Raytheon và Lockheed Martin sản xuất, đã được biên chế từ những năm 1980 và được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất mà Mỹ đang sở hữu.
Trước khi được triển khai tại Ukraine, hiệu quả thực tế của Patriot từng bị đặt nghi vấn, phần nào do những kỳ vọng bị thổi phồng trong Chiến tranh Vùng Vịnh và các lần thất bại gần đây. Tuy nhiên, với những nâng cấp quan trọng và tỉ lệ đánh chặn thành công cao trước tên lửa Nga, kể cả các loại vũ khí hiện đại, Patriot nay đã trở thành một tài sản quý giá tại Kiev và ngày càng được nhiều nước quan tâm. Đây hiện là một trong những hệ thống phòng không được săn đón hàng đầu.
Ukraine thích nghi khi Patriot trở thành mục tiêu hàng đầu của Nga
Ukraine được cho là đang vận hành 6 tổ hợp Patriot nhưng năng lực phòng không hiện tại vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nhiều lần kêu gọi Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp thêm hệ thống phòng không và tên lửa đánh chặn trong bối cảnh kho dự trữ vũ khí ngày càng cạn kiệt và các cuộc không kích của Nga dữ dội hơn.
Sĩ quan kỹ thuật cao cấp Sanjeev "Jay" Siva thuộc Bộ Tư lệnh Phòng thủ Tên lửa và Không quân Lục quân số 10 của Mỹ, chia sẻ với Business Insider rằng các phân tích cho thấy Patriot đã phát huy hiệu quả trước những loại vũ khí hiện đại nhất của Nga, đặc biệt là tên lửa đạn đạo Kh-47M2 Kinzhal - vũ khí mà Moscow từng ca ngợi là "không thể đánh chặn". Phía Ukraine cho biết họ đã bắn hạ được nhiều tên lửa loại này.
Ông Siva cho rằng thành công của Patriot ở Ukraine đến từ việc đầu tư vào nâng cấp phần mềm và cải tiến tên lửa đánh chặn, cũng như “năng lực đã được chứng minh của các đơn vị phòng không Ukraine được đào tạo bài bản”.
Dù vậy, thành công này cũng đi cùng cái giá của nó. Theo ông, các đơn vị vận hành Patriot và các hệ thống phòng không tầm ngắn “liên tục trở thành mục tiêu ưu tiên của đối phương”, buộc quân đội Ukraine phải thay đổi tư duy vận hành. Việc vô hiệu hóa hoặc phá hủy các hệ thống phòng không như Patriot là điều kiện then chốt để Nga thực hiện hiệu quả các đòn tấn công bằng tên lửa và chiếm ưu thế trên không, do đó các hệ thống này trở thành mục tiêu có giá trị cao.
Ông nhấn mạnh rằng các đơn vị Patriot hiện nay cần chú trọng hơn đến chiến thuật cơ động, che giấu vị trí và nâng cao khả năng sống sót – những yếu tố từng ít được quan tâm trong các thập kỷ trước.
“Chúng ta không thể tiếp tục vận hành với giả định rằng các hệ thống này là bất khả xâm phạm".
Một tổ hợp Patriot bao gồm nhiều thành phần bổ trợ như radar, bệ phóng tên lửa và trạm điều khiển. Đầu năm nay, Ukraine đã bắt đầu gia cố thêm các tấm thép ở cabin điều khiển - nơi kíp chiến đấu ngồi vận hành nhằm bảo vệ họ khỏi các mảnh đạn và mảnh tên lửa.
Ông Siva cảnh báo rằng trong cuộc xung đột này, “đối phương liên tục học hỏi từ từng lần giao chiến với các hệ thống phương Tây, bao gồm Patriot và nhanh chóng điều chỉnh để đối phó lại". Ông gọi đây là “chu trình thích nghi không ngừng nghỉ”.
Không chỉ Nga, các đối thủ khác của Mỹ cũng đang theo dõi việc sử dụng hệ thống Patriot để rút ra bài học. Ở Trung Đông, các hệ thống này đã từng được triển khai để đánh chặn nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Iran.
Mới đây nhất, vào tháng trước, các tổ hợp Patriot do Mỹ và Qatar vận hành đã đánh chặn hàng chục tên lửa đạn đạo Iran nhắm vào một căn cứ quân sự của Washington gần Doha, sau khi lực lượng Mỹ tiến hành không kích ba cơ sở hạt nhân của Tehran.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Business Insider
Nguồn VOV : https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/ukraine-thich-nghi-khi-la-chan-thep-patriot-tro-thanh-muc-tieu-hang-dau-cua-nga-post1213202.vov