Châu Âu tuyên bố sát cánh cùng Ukraine

Châu Âu tuyên bố sát cánh cùng Ukraine
một ngày trướcBài gốc
Sau 3 năm chiến sự, Ukraine đang ở tình thế khó khăn hơn bao giờ hết, khi lực lượng Nga đẩy nhanh đà tiến công, nguồn cung vũ khí cho Ukraine từ phương Tây không đủ đáp ứng nhu cầu chiến trường, và sự ủng hộ quan trọng của Mỹ dành cho Kiev có dấu hiệu suy giảm đáng kể. Sau cuộc đàm phán Nga-Mỹ ở Arab Saudi ngày 18/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các ngày 18, 19 và 20/2 đã nêu một loạt bình luận về tình hình Ukraine, trong đó đặt câu hỏi về tính chính danh và tỷ lệ ủng hộ của dân chúng cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, kêu gọi Ukraine sớm bầu cử, đồng thời chỉ trích ông Zelensky là người đưa ra những lựa chọn sai lầm dẫn đến cuộc xung đột "không thể chiến thắng" với Nga.
Tổng thống Ukraine Zelensky đứng cạnh Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Scholz ở Paris (Pháp) hồi cuối năm 2023.Ảnh: Reuters
Trên chuyến bay từ Florida về Washington ngày 20/2, Tổng thống Trump khẳng định, Nga đang thể hiện mong muốn chấm dứt xung đột, còn Mỹ là quốc gia duy nhất có thể kiến tạo hòa bình ở Ukraine. "Nga muốn xung đột kết thúc. Tôi nghĩ họ đang có nhiều lợi thế trong tay. Nga đã kiểm soát nhiều lãnh thổ, nên họ có vị thế thượng phong", ông Trump bình luận.
Tổng thống Ukraine Zelensky không ra các tuyên bố đáp trả thẳng thừng, nhưng phát biểu rằng, Tổng thống Mỹ đang sống trong "bong bóng thông tin sai lệch", động thái khiến các quan chức Mỹ thân cận Tổng thống Trump lên tiếng phản đối. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng loại trừ thông tin ông có tỷ lệ ủng hộ thấp trong dân chúng và trích dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy ông được 57% cử tri ủng hộ. Ông Zelensky trước đó khẳng định sẽ không chấp thuận các cuộc đàm phán hòa bình mà không có sự tham gia của Kiev.
Theo Reuters, lập trường của Ukraine hiện vẫn đang được các cường quốc châu Âu ủng hộ. Ngay sau tuyên bố chỉ trích Ukraine của Tổng thống Trump, Tổng thống Zelensky tối 19/2 đã điện đàm với Thủ tướng Anh Keir Starmer, trong đó, nhà lãnh đạo Anh bày tỏ thông cảm với việc Ukraine hoãn bầu cử do xung đột. "Thủ tướng Anh bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Zelensky với tư cách là nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ của Ukraine và cho biết việc hoãn bầu cử trong thời chiến là hoàn toàn hợp lý, giống như Vương quốc Anh đã làm trong Thế chiến II", Chính phủ Anh phát thông điệp. Từ Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố lên án mọi nỗ lực "nhằm phủ nhận tính hợp pháp dân chủ của Tổng thống Zelensky". "Việc không thể tổ chức các cuộc bầu cử giữa thời chiến là phù hợp với các quy định trong hiến pháp và luật bầu cử của Ukraine", ông Scholz nêu quan điểm.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Zelensky xác nhận cũng đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. "Tôi đã có một cuộc trò chuyện tuyệt vời với Tổng thống Pháp. Ông Macron chia sẻ chi tiết về các cuộc đàm phán gần đây giữa ông với các nhà lãnh đạo thế giới. Châu Âu cần một nền hòa bình tin cậy và lâu dài - một nền hòa bình chỉ có thể được đảm bảo và xây dựng dựa trên các bảo đảm an ninh mạnh mẽ. Cảm ơn sự ủng hộ của các bạn", ông Zelensky viết. Tổng thống Pháp Macron sau đó ra tuyên bố khẳng định Paris cùng các cường quốc châu Âu "sát cánh cùng Ukraine và sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo hòa bình và an ninh ở châu Âu".
Nhà lãnh đạo Ukraine tiết lộ, ông mới đây còn thảo luận với thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham, một trong những nhân vật có ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa Mỹ. Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết cuộc điện đàm mà chỉ tuyên bố "đánh giá cao" sự ủng hộ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ đối với Ukraine.
Hiện chưa rõ sự ủng hộ của châu Âu có giúp Ukraine giảm bớt áp lực từ Mỹ hay không. FoxNews cho biết, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Anh Starmer sẽ đến Washington vào tuần tới để thảo luận với Tổng thống Trump về quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương cũng như tìm cách thuyết phục ông Trump phối hợp lập trường trong cuộc xung đột Ukraine. Đây sẽ là thách thức lớn của hai ông Macron và Starmer, vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Âu chứng kiến không ít sóng gió, nhất là sau bài phát biểu chỉ trích châu Âu khá gay gắt của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị An ninh Munich tuần trước; và việc Mỹ loại trừ châu Âu ra khỏi các cuộc thảo luận với Nga về Ukraine.
Trước thềm chuyến công du Mỹ, PravdaUkraine dẫn lời Tổng thống Macron khẳng định, các nước châu Âu đã thống nhất quan điểm rằng, bất cứ cuộc thảo luận nào về Ukraine cũng cần tôn trọng các quyền của Ukraine; duy trì hòa bình lâu dài thông qua các đảm bảo an ninh tin cậy; và phải tính đến các mối quan ngại an ninh của châu Âu. Trong khi đó, theo Telegraph, Thủ tướng Anh Starmer sẽ nhân chuyến thăm tới để trình bày với ông Trump kế hoạch triển khai một lực lượng gồm 30.000 binh sĩ châu Âu tới các thành phố, cảng biển và cơ sở công nghiệp quan trọng của Ukraine duy trì ngừng bắn nếu Moscow-Kiev đạt thỏa thuận. Đề xuất của Thủ tướng Starmer được giới truyền thông mô tả là nhằm đảm bảo vai trò của châu Âu trong nỗ lực chấm dứt xung đột, cũng như đảm bảo châu Âu có ghế trong các cuộc đàm phán do Mỹ tiến hành về tình hình Ukraine trong tương lai. Trước đó, Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đều khẳng định Mỹ sẽ không đưa quân đến Ukraine mà trách nhiệm duy trì hòa bình tại đây nên thuộc về châu Âu.
Thái Hà
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/quoc-te/chau-au-tuyen-bo-sat-canh-cung-ukraine-i759696/