Châu Phi, hy vọng 'đổi đời' đặt vào những vỉa quặng

Châu Phi, hy vọng 'đổi đời' đặt vào những vỉa quặng
14 giờ trướcBài gốc
Đòn bẩy cho sự phát triển
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), gần một nửa trong số 54 quốc gia ở châu Phi - từ Angola đến Zimbabwe - đã hạn chế hoặc cấm xuất khẩu nguyên liệu thô trong hai năm qua.
Zimbabwe, quốc gia sản xuất lithium hàng đầu châu Phi cho biết họ có kế hoạch cấm xuất khẩu khoáng sản thô này vào năm 2027. Theo Bộ Khai khoáng Zimbabwe, chính phủ nước này đã gây sức ép buộc các công ty khai thác mỏ phải xây dựng nhà máy chế biến quặng tại đây, qua đó tạo ra 5.000 việc làm mới và tăng thu nhập xuất khẩu từ lithium lên 600 triệu USD vào năm 2023, từ mức 70 triệu USD hồi năm 2022.
Một số loại khoáng sản xuất khẩu quan trọng nhất của các quốc gia châu Phi.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là sản xuất pin xe điện và tấm pin mặt trời”, Bộ trưởng Khai khoáng Zimbabwe, ông Winston Chitando, khẳng định trong bài phát biểu tháng trước. “Về lâu dài, chúng tôi sẽ đạt được điều đó”.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu lithium toàn cầu đã tăng gấp ba lần từ năm 2017 đến năm 2022, trong khi nhu cầu coban tăng 70% trong cùng kỳ. Tại Mỹ, theo phân tích của công ty tư vấn Boston Consulting Group, thị trường pin lithium dự kiến sẽ tăng gần gấp 6 lần vào năm 2030, đạt 52 tỷ USD.
Nhu cầu mạnh mẽ như vậy mang lại cho các nhà xuất khẩu nguyên liệu thô của châu Phi đòn bẩy mới và họ đang cố gắng sử dụng nó để khởi động các ngành công nghiệp trong nước.
“Ngày càng nhiều quốc gia châu Phi mong muốn tận dụng lợi ích từ nhu cầu đang tăng nhanh trên khắp thế giới về các nguyên liệu thô thiết yếu”, Thomas Reilly - một cựu quan chức ngoại giao Anh, hiện là cố vấn cấp cao của công ty luật Covington & Burling có trụ sở tại Washington, nhận định. “Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên, nếu được thực hiện đúng đắn, sẽ giúp các quốc gia này nâng cao chuỗi giá trị, tạo việc làm, thu hút thêm đầu tư quốc tế và phát triển kinh tế địa phương”.
Ngày nay, các nước châu Phi như Guinea, Uganda và Namibia đã ban hành các quy định mới cấm xuất khẩu quặng khoáng sản. Các quốc gia khác, bao gồm Ghana, Rwanda và Zambia, đang mở rộng các nhà máy để chế biến khoáng sản trong nước thay vì chứng kiến quặng thô đi thẳng ra thị trường quốc tế. Tại Rwanda, quốc gia đã ký một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian vào tháng trước nhằm ngừng tài trợ cho các nhóm phiến quân ở các khu vực phía đông bất ổn của CHDC Congo, các quan chức nước này thậm chí còn đặt tham vọng muốn trở thành một trung tâm chế biến khoáng sản cho những người láng giềng Congo.
Mỏ lithium lớn nhất châu Phi ở tỉnh Masvingo, Zimbabwe.
Đời thay đổi khi ta thay đổi
Những hạn chế xuất khẩu từ châu Phi đã làm gián đoạn dòng chảy của các khoáng sản chưa qua chế biến - chẳng hạn như mangan, lithium và bauxite - đến các nhà máy luyện kim ở châu Á và châu Âu. Và, xu hướng chế biến tại chỗ cũng có thể làm gián đoạn nỗ lực của Mỹ nhằm đảm bảo nhận được nhiều khoáng sản quan trọng hơn của châu Phi.
Do đó, Mỹ đã và đang tìm kiếm các thỏa thuận đầu tư vào các lĩnh vực khoáng sản quan trọng của một số quốc gia châu Phi. Bên cạnh đó là những điều chỉnh trong chiến lược địa chính trị. Chẳng hạn như việc Washington làm trung gian cho thỏa thuận ngoại giao mới ký hôm 27/6 giữa CHDC Congo và Rwanda một phần là nhằm cải thiện khả năng tiếp cận của Mỹ đối với các khoáng sản quan trọng ở khu vực này.
Để chuẩn bị cho bối cảnh có thêm nhiều lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản, các công ty Trung Quốc và phương Tây đang ráo riết xây dựng các nhà máy chế biến khoáng sản mới trên khắp châu Phi. Những nhà máy mới này sẽ là phép thử xem liệu các nhà đầu tư, vốn thường đặt các nhà máy chế biến ở châu Á, có thể thành công ở châu Phi, nơi thiếu hụt lao động lành nghề và phần lớn cơ sở hạ tầng còn yếu kém hay không.
Châu Phi có thể nhìn vào Indonesia để học hỏi. Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á đã cấm xuất khẩu niken thô vào năm 2020, kể từ đó đã thu hút được lượng đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc và hiện đang thống trị sản lượng niken toàn cầu. Một số nhà phân tích tin rằng các quốc gia châu Phi thậm chí sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các khoản đầu tư.
Nhà lãnh đạo Mali, Tướng Assimi Goita đặt nhiều kỳ vọng vào nhà máy lọc vàng mới xây dựng.
Nj Ayuk, người đứng đầu Phòng Năng lượng châu Phi (AEC), một tổ chức tư vấn về năng lượng có trụ sở tại Nam Phi, cho biết: “Các nhà đầu tư không chỉ mang lại tiền bạc mà còn cả bí quyết kỹ thuật và phù hợp với các mục tiêu phát triển địa phương có thể tìm thấy những cơ hội lớn trong bối cảnh mới này”.
Tập đoàn tài nguyên Sinomine, một công ty khai khoáng của Trung Quốc, đang xây dựng một nhà máy chế biến lithium trị giá 300 triệu USD tại Zimbabwe. Tại Ghana, một công ty khác của Trung Quốc, Ningxia Tianyuan có dự án xây nhà máy lọc dầu trị giá 450 triệu USD để sản xuất mangan chất lượng cao. Trong khi đó, Zambia và Congo cũng muốn tìm kiếm các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc để tài trợ cho một nhà máy sản xuất pin xe điện.
Các nhà hoạch định chính sách châu Phi cho biết nếu họ hành động đúng, họ có thể sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia mình để cải thiện mức sống cho một số lượng lớn cộng đồng nghèo nhất thế giới, những người đang phải vật lộn chỉ để có đủ cái ăn dù sống trên “núi vàng”.
Ví dụ, “vành đai đồng” của châu Phi (nằm giữa biên giới Congo và Zambia) nắm giữ 50% trữ lượng coban của thế giới và có các mỏ đồng, bạch kim đáng kể, nhưng hơn 70 triệu cư dân ở hai quốc gia này vẫn sống trong cảnh nghèo đói. 75% lượng dầu xuất khẩu của châu Phi là dầu thô, chúng được tinh chế ở nơi khác và thường được tái nhập khẩu với giá cao hơn đáng kể dưới dạng các sản phẩm dầu khí. Hoặc theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), châu Phi cung cấp khoảng 12% khí đốt tự nhiên toàn cầu, trong khi 600 triệu người trên lục địa này hiện không có điện.
Châu Phi giàu tài nguyên nhưng hơn 600 triệu người nơi đây vẫn sống trong nghèo khó và chưa biết đến điện lưới.
Trong lễ khởi công xây dựng nhà máy lọc vàng chung giữa Nga và Mali tại thủ đô Bamako của Mali vào tháng trước, nhà lãnh đạo quân sự nước này, tướng Assimi Goita, tuyên bố châu Phi phải chấm dứt sự phụ thuộc lâu dài vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô. “Việc thành lập nhà máy tinh luyện vàng này là một sự tái khẳng định chủ quyền kinh tế của chúng tôi”, ông Goita phát biểu tại công trường xây dựng nhà máy có khả năng cung cấp 200 tấn vàng mỗi năm, do chính phủ Mali và công ty Yadran của Nga đồng sở hữu. “Nhà máy này cho phép chúng tôi tận dụng tốt hơn nguồn thu từ vàng và các sản phẩm phụ của nó”.
Gabon, nơi có 25% trữ lượng mangan của thế giới, cũng có kế hoạch ngừng xuất khẩu khoáng sản thô này từ năm 2029. Mangan rất quan trọng trong sản xuất thép và pin xe điện, và Tổng thống Gabon Brice Oligui Nguema nhận thấy cơ hội để xây dựng nền kinh tế bằng cách xử lý mangan ngay trong nước.
“Tác dụng phụ” của chiến lược mới
Tuy nhiên, việc hạn chế xuất khẩu cũng có “tác dụng phụ”. Khi Zimbabwe ban đầu công bố lệnh cấm xuất khẩu quặng thô vào năm 2022, nạn buôn lậu khoáng sản qua biên giới lỏng lẻo của nước này đã tăng vọt. Tình hình tại Zimbabwe còn tệ hơn. Quốc gia này thiệt hại 1,8 tỷ USD mỗi năm do nạn buôn lậu khoáng sản, do đó đã phải nới lỏng lệnh cấm sau vài tháng.
Buôn lậu khoáng sản thậm chí đã trở thành nguồn sống cho nhiều lực lượng phiến quân hoặc khủng bố tại châu Phi. Một báo cáo của Liên hợp quốc hồi đầu tháng 7 cho biết, công ty Boss Mining Solution của Rwanda đã mua khoáng sản lậu với khối lượng “lớn chưa từng có” từ các khu vực do phiến quân M23 kiểm soát ở nước láng giềng CHDC Congo. Nhờ đó, M23 có được nguồn tài chính để mua sắm vũ khí hạng nặng, tăng cường sức mạnh trong cuộc chiến với quân đội chính phủ.
Ở Nigeria, các nhóm khủng bố đang thúc đẩy người dân địa phương khai thác tài nguyên từ những khu vực không có hoặc có sự hiện diện hạn chế của chính quyền, khiến tình hình an ninh ở những khu vực này trở nên tồi tệ hơn. Còn tại Sudan, nạn buôn lậu vàng cũng góp phần làm gia tăng cuộc chiến đang diễn ra giữa Quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).
Một khu vực khai thác vàng lậu tại CHDC Congo.
Không chỉ gây bất ổn khi trở thành công cụ cho các tổ chức tội phạm và các nhóm nổi dậy, buôn lậu khoáng sản đang tước đoạt nguồn thu nhập thiết yếu của các quốc gia châu Phi, cản trở sự phát triển và các dịch vụ công. Suy thoái môi trường và vi phạm nhân quyền cũng tràn lan tại các khu vực khai thác khoáng sản không được quản lý.
Do đó, việc giải quyết vấn đề này là rất quan trọng đối với sự ổn định kinh tế, an ninh khu vực và tính bền vững của môi trường. Nói cách khác, muốn xây dựng một tương lai tốt hơn cho đất nước từ những vỉa quặng, các quốc gia châu Phi sẽ phải trấn áp triệt để nạn buôn lậu khoáng sản. Bằng không, những chính sách siết chặt xuất khẩu sẽ chỉ tạo ra một lớp người giàu mới, phất lên nhờ mánh khóe và sự tàn bạo trên những cung đường vùng biên.
Quang Anh
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/chau-phi-hy-vong-doi-doi-dat-vao-nhung-via-quang-i774996/