Đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản và giảm thiểu rủi ro. Ảnh: ST
Xuất khẩu rau quả nỗ lực lấy lại vị thế
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong nửa đầu năm nay ước đạt trên 3 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với việc giá trị xuất khẩu rau quả tháng 6 ngược dòng, đạt khoảng 807 triệu USD, tăng 31% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái hứa hẹn những bước chuyển tích cực hơn trong xuất khẩu ngành hàng này.
Đại diện Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NNMT) cho biết, trong 6 tháng qua, ngành rau quả Việt Nam gặp khó khăn do xuất khẩu sầu riêng giảm - trong khi đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành - với kết quả chỉ đạt khoảng 400 triệu USD, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng bởi quy định mới về kiểm dịch thực vật. Trong khi giá sầu riêng kéo giảm giá trị xuất khẩu của rau quả, mặt hàng dừa lại trở thành điểm sáng nhờ nhu cầu từ các thị trường tăng, đẩy giá tăng cao, từ đó đóng góp tích cực vào kết quả chung.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, các mặt hàng rau quả chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu chiếm 48,2%. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc với tỷ trọng giá trị lần lượt là 9% và 5,7%. Tuy nhiên, trong nhóm các thị trường xuất khẩu lớn nhất 6 tháng qua thì giá trị xuất khẩu hàng rau quả không tăng ở thị trường Trung Quốc mà lại giảm mạnh nhất với mức giảm 35,1%. “Điều này phản ánh thực tế là ngành hàng rau quả nói riêng, nông sản nói chung đang lệ thuộc vào thị trường, dẫn đến chịu nhiều rủi ro và cần có giải pháp căn cơ” - ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết.
Theo ông Nguyên, việc đa dạng, mở rộng thị trường tiêu thụ là yêu cầu cấp bách đặt ra với ngành nông nghiệp; cũng như có giải pháp giữ vững thị trường tiềm năng hiện nay. Theo đó, các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu và Australia sẽ tiếp tục là trọng tâm để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Song để tiếp cận được thị trường mới, cũng như duy trì lợi thế tại các thị trường hiện có đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi cách làm. Trong đó, ngoài việc đảm bảo độ an toàn tuyệt đối của sản phẩm, cũng như vấn đề truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường, ngành nông nghiệp cần tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh. Theo các chuyên gia, điều này không chỉ là giải pháp căn cơ để gia tăng hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập của người dân, mà còn xây dựng một nền sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại, thích ứng tốt hơn với biến động của thị trường.
Chuyển hướng chế biến sâu, doanh nghiệp cần được trợ lực…
Theo thống kê của Bộ NNMT hiện có khoảng 70% hàng nông sản cung cấp ra thị trường ở dạng thô. Thực trạng này khiến giá trị sản xuất nông nghiệp đã giảm rất nhiều khi bán ra thị trường. Đơn cử như với sầu riêng, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, 6 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 130.000 tấn sầu riêng tươi; trong khi đó chỉ có 14.282 tấn sầu riêng đông lạnh, trong khi giá sầu riêng tươi thấp hơn nhiều so với sản phẩm đã qua chế biến. “Điều này đã phần nào lý giải giá trị xuất khẩu nông sản những năm qua còn thấp” - lãnh đạo Cục cho biết; đồng thời cho rằng dư địa cho hàng nông sản qua chế biến còn rất lớn.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của chế biến sâu, song các ý kiến cho rằng, đa phần doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và thương mại, thiếu vùng nguyên liệu tập trung…, chưa kể đây là lĩnh vực có tính rủi ro cao. Điển hình như câu chuyện Hợp tác xã nông sản sạch Việt Nam tại tỉnh Bắc Kạn (cũ) với công nghệ sấy hiện đại mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm và hỗ trợ người nông dân địa phương hiện đại hóa quy trình sản xuất. Tuy nhiên đơn vị đang gặp phải rào cản lớn khi khó tiếp cận vốn do không có tài sản đảm bảo, dù theo quy định, các hợp tác xã chỉ cần cung cấp phương án kinh doanh khả thi…
Do đó, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính thì các ngành chức năng, địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực này, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ NNMT) Trần Gia Long, nhận diện rõ yêu cầu về chế biến sâu, phát triển ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mới đây, Bộ NNMT ban hành kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2025. Trong đó, Bộ NNMT đề nghị các địa phương chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hoàn thiện hệ thống mã số vùng trồng; đồng thời có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, đặc biệt là khâu chế biến… “Về phần mình, các doanh nghiệp cần chủ động huy động các nguồn lực, trong đó chú trọng đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh chi phí logistics và biến động thị trường khó lường” - ông Long lưu ý./.
N.LỘC