Một lính cứu hỏa cố gắng dập lửa trong thảm họa cháy rừng Los Angeles. Ảnh: LA Times.
Tình hình cháy rừng ở Los Angeles
Cháy rừng đã bao trùm hơn 36.000 mẫu đất tại Los Angeles, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và phá hủy hơn 10.000 công trình. Một số khu nhà giàu ở thành phố nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thống đốc Gavin Newsom nói “California đã cạn kiệt mọi nguồn lực” khi các trụ nước chữa cháy truyền thống không thể đối phó quy mô đám cháy khổng lồ.
Dù Los Angeles là thành phố nằm ven biển, việc sử dụng nước biển vẫn không được xem là lựa chọn tối ưu. Câu trả lời nằm ở các yếu tố kỹ thuật, môi trường và hệ quả về lâu dài.
Lý do không dùng nước biển để dập lửa
Một công trình bị lửa thiêu rụi trong thảm họa Los Angeles. Ảnh: Bloomberg
Nước biển chứa muối, chất có tính ăn mòn cao, có thể làm hỏng các thiết bị chữa cháy như bơm nước và máy bay cứu hỏa. Theo các chuyên gia, muối còn làm giảm hiệu quả làm mát của nước, khiến khả năng dập lửa không tối ưu. Cụ thể, muối làm giảm khả năng hấp thụ nhiệt. Nước biển chứa muối và các khoáng chất, làm thay đổi tính chất vật lý của nước. So với nước ngọt, nước biển có nhiệt dung thấp hơn một chút, nghĩa là khả năng hấp thụ và lưu giữ nhiệt lượng bị giảm. Điều này khiến nước biển kém hiệu quả hơn trong việc làm mát bề mặt đang cháy.
Frank Papalia, một chuyên gia an toàn cháy nổ, giải thích: “Muối trong nước biển gây hại cho hệ thống bơm và cả kết cấu kim loại của máy bay. Việc làm sạch thiết bị sau khi sử dụng cũng là một thách thức lớn”.
Muối trong nước biển cũng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến đất và hệ sinh thái tại khu vực cháy rừng. Khi lượng muối lớn ngấm vào đất, nó sẽ làm tăng độ mặn, khiến cây cối khó hấp thụ nước và chất dinh dưỡng qua rễ. Điều này làm cho đất trở nên độc hại, kém màu mỡ và giảm khả năng phục hồi.
Ngoài ra, muối có thể trôi vào các nguồn nước ngọt, đe dọa hệ sinh thái và đời sống động thực vật tại khu vực lân cận.
Vẫn có thể dùng trong trường hợp khẩn cấp
Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa trong thảm họa cháy rừng ở Los Angeles. Ảnh: Reuters.
Trong một số trường hợp khẩn cấp, nước biển vẫn được sử dụng để dập cháy, nhưng rất hạn chế và chỉ khi không còn lựa chọn nào khác. Ở Los Angeles, các máy bay và trực thăng có thể hút nước vùng biển Thái Bình Dương để phun lên các đám cháy lớn. Tuy nhiên, việc này cũng gặp nhiều thách thức như gió mạnh và sự can thiệp của các thiết bị bay không người lái, gây nguy hiểm cho các phi công.
Papalia nhấn mạnh: “Trong những trường hợp thành phố có nguy cơ bị thiêu rụi, việc dùng nước biển là cần thiết, nhưng hậu quả môi trường là không thể tránh khỏi”.
Hệ thống trụ nước chữa cháy ở Los Angeles được kết nối với mạng lưới cung cấp nước ngọt và không được thiết kế để sử dụng nước biển. Việc lắp đặt một hệ thống riêng để bơm nước biển sẽ tiêu tốn chi phí khổng lồ, trong khi hiệu quả chưa chắc đảm bảo.
Ngoài ra, xe cứu hỏa có thể sử dụng nước biển nếu được bơm trực tiếp từ các vịnh biển. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi xe phải tiếp cận gần nguồn nước, điều rất khó khăn tại những bãi biển đầy cát hoặc địa hình hiểm trở.
Trước tình hình nghiêm trọng, California đã huy động hơn 7.500 lính cứu hỏa và nhân lực hỗ trợ từ các bang lân cận như Washington, Oregon, Utah và New Mexico. Theo chuyên gia Papalia, đây có thể trở thành một trong những trận cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử.
Nhật Minh - Fox News, Independent