Cháy rừng ở Los Angeles gây thiệt hại hàng tỷ USD, phục hồi kinh tế kéo dài lên tới hàng thập kỷ

Cháy rừng ở Los Angeles gây thiệt hại hàng tỷ USD, phục hồi kinh tế kéo dài lên tới hàng thập kỷ
5 giờ trướcBài gốc
Những vụ cháy rừng nghiêm trọng ở khu vực Los Angeles đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng nghìn gia đình rơi vào cảnh mất nhà cửa. Theo các chuyên gia, việc khắc phục hậu quả sẽ cần đến hàng trăm tỷ USD và có thể mất tới một thập kỷ để hoàn tất quá trình tái thiết.
Một lính cứu hỏa đi ngang qua một ngôi nhà đang bốc cháy từ đám cháy Palisades trong cơn gió mạnh vào ngày 8/1/2025. Ảnh: Apu Gomes
Theo ước tính ban đầu của tổ chức AccuWeather, các vụ cháy đã tàn phá khoảng 20.000 mẫu Anh, tương đương gấp đôi diện tích Manhattan, và phá hủy ít nhất 10.000 công trình xây dựng. Thiệt hại về tài sản và kinh tế có thể dao động từ 135 đến 150 tỷ USD.
Ông Aris Papadopoulos, nhà sáng lập Quỹ Hành động Tăng cường Khả năng Chống chịu, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nâng cao nhận thức về xây dựng nhà ở bền vững trước thiên tai, nhận định rằng việc tái thiết khu vực bị cháy có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm, dựa trên các thảm họa tương tự trước đây.
Ông Papadopoulos cho biết, sau khi khói lửa lắng xuống, khoảng một phần ba chủ sở hữu tài sản có khả năng bán nhà và rời đi, trong khi một phần ba là những người có điều kiện tài chính sẽ tái xây dựng trong vòng 3-5 năm. Phần còn lại, bao gồm những người không giàu có và không được bảo hiểm hoặc bảo hiểm không đầy đủ, có thể mất đến một thập kỷ để phục hồi.
Chi phí tái thiết cao, thời gian kéo dài
Những người quyết định tái xây dựng nhà cửa sẽ phải đối mặt với chi phí vật liệu và nhân công tăng cao, cùng với thời gian chờ đợi lâu hơn do sự khan hiếm các nhà thầu uy tín. “Những người có tiềm lực tài chính sẽ là nhóm đầu tiên giành được các nhà thầu, trong khi các nhóm khác phải chờ đợi đến khi họ hoàn thành công việc,” ông Papadopoulos chia sẻ với tạp chí Fortune.
Bên cạnh đó, gần một nửa số doanh nghiệp nhỏ trong khu vực có thể sẽ không mở cửa trở lại, làm giảm nguồn thu thuế địa phương và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế khu vực. Chính quyền cũng sẽ gánh thêm chi phí sửa chữa tài sản công và khôi phục các dịch vụ thiết yếu.
Tái thiết cần nâng cao tiêu chuẩn an toàn
Tuy nhiên, ông Papadopoulos nhấn mạnh rằng khi tái xây dựng, cả người dân và chính quyền cần chú trọng xây dựng các công trình có khả năng chống chịu tốt hơn trước nguy cơ cháy rừng trong tương lai.
Trong nhiều năm qua, các nhà thầu xây dựng trên khắp nước Mỹ đã giảm tiêu chuẩn xây dựng và các biện pháp an toàn nhằm cắt giảm chi phí. Một số chính quyền địa phương và bang cũng chưa áp dụng các quy định nghiêm ngặt để yêu cầu cải thiện tiêu chuẩn an toàn cho các công trình.
Ông Papadopoulos chỉ trích rằng điều này đã dẫn đến sự gia tăng rủi ro và tổn thương, khiến cộng đồng phải trả giá đắt.
Việc tái thiết cần áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, như sử dụng vật liệu chống cháy, lắp đặt mái nhà bằng kim loại và cửa sổ chống lửa. Các biện pháp này đã được chứng minh là có thể giảm đáng kể thiệt hại đối với tài sản trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Ông Papadopoulos cho rằng, không chỉ những ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn mới cần được xây dựng lại theo các tiêu chuẩn an toàn cao hơn, mà ngay cả những căn nhà chỉ bị hư hại nhẹ hoặc may mắn thoát khỏi thảm họa cũng cần được nâng cấp để đối phó với nguy cơ cháy rừng trong tương lai.
“Đây chắc chắn không phải là trận cháy rừng cuối cùng mà California và khu vực này phải đối mặt”, ông cảnh báo.
Việt Hà (Theo Fortune)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/chay-rung-o-los-angeles-gay-thiet-hai-hang-ty-usd-phuc-hoi-kinh-te-keo-dai-len-toi-hang-thap-ky-post330058.html