NỘI DUNG
1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng với bệnh Hodgkin
2. Các dưỡng chất cần thiết với người bệnh u lympho Hodgkin
3. Những nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân Hodgkin
U lympho ác tính là cụm từ chung để chỉ các ung thư có nguồn gốc từ hệ bạch huyết. Hodgkin là loại ung thư bắt đầu trong các tế bào chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch, được gọi là tế bào lympho. Những tế bào lympho có mặt trong các hạch bạch huyết, lá lách, tuyến ức, tủy xương, và các bộ phận khác của cơ thể. Khi mắc bệnh Hodgkin, các tế bào trong hệ bạch huyết phát triển bất thường và di căn đến các cơ quan khác của cơ thể.
Bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở những người từ 20 - 40 tuổi và những người trên 55 tuổi. Nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp từ đầu thì khả năng chữa khỏi rất cao, hoặc thời gian bệnh ổn định cũng kéo dài trong nhiều năm.
1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng với bệnh Hodgkin
Bệnh Hodgkin là một loại ung thư hạch bạch huyết, việc điều trị thường bao gồm hóa trị, xạ trị. Quá trình điều trị này không chỉ tác động lên tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Chính vì vậy, một chế độ dinh dưỡng khoa học đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Quá trình điều trị ung thư thường gây mệt mỏi, chán ăn. Dinh dưỡng đầy đủ giúp cung cấp năng lượng cần thiết để bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dinh dưỡng hợp lý giúp giảm các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, khô miệng thường gặp trong quá trình điều trị.
Quá trình điều trị ung thư Hodgkin thường khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn. (Ảnh minh họa)
Theo TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai - giảng viên chính Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Các thay đổi về dinh dưỡng và ăn uống trong giai đoạn điều trị tích cực với mục tiêu ngăn chặn hoặc phục hồi sự thiếu hụt dinh dưỡng, bảo tồn khối lượng nạc cơ thể, làm giảm thiểu các tác dụng phụ do quá trình điều trị liên quan tới dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng tốt còn giúp hỗ trợ người bệnh Hodgkin về tâm lý, làm giảm nhẹ tác dụng khó chịu do trị liệu, duy trì cân nặng và lượng chất dinh dưỡng dự trữ của cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm trùng, tăng khả năng phục hồi giữa các lần điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống.
2. Các dưỡng chất cần thiết với người bệnh u lympho Hodgkin
Bệnh u lympho Hodgkin đòi hỏi một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để hỗ trợ quá trình điều trị và nâng cao sức khỏe. Cung cấp đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể sửa chữa các tế bào bị tổn thương, tăng cường hệ miễn dịch, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.
Dưới đây là những dưỡng chất cần thiết mà người bệnh nên bổ sung:
Protein: Protein giúp xây dựng và sửa chữa các tế bào và giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Đặc biệt quan trọng trong quá trình phục hồi sau điều trị, người bệnh ung thư cần nhiều protein hơn bình thường để chữa lành các mô và chống nhiễm trùng. Nguồn cung cấp: Thịt nạc (gà, bò, lợn), cá, trứng, sữa ít béo, đậu nành, đậu lăng, các loại hạt.
Chất béo lành mạnh: Chất béo đóng vai trò quan trọng trong dinh dưỡng, là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể. Cơ thể phân hủy chất béo và sử dụng chúng để dự trữ năng lượng và vận chuyển, tăng hấp thu một số loại vitamin tan trong dầu (A, D, E, K). Nguồn cung cấp: Dầu ô liu, dầu cá, quả bơ, các loại hạt.
Carbohydrate: Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, cung cấp nhiên liệu cần thiết cho hoạt động thể chất và chức năng cơ quan thích hợp. Các nguồn carbohydrate cũng thường cung cấp chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Nguồn cung cấp: trái cây, gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám, khoai lang, các loại đậu, rau xanh,...
Bệnh nhân ung thư nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết.
Vitamin và khoáng chất: Cơ thể cần vitamin và khoáng chất để hoạt động bình thường và sử dụng năng lượng trong thực phẩm, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Nguồn cung cấp: Vitamin C (cam, quýt, bưởi, dâu tây, rau ngót, rau cải,...); vitamin E (hạnh nhân, óc chó, dầu thực vật,..); vitamin A (cà rốt, bí đỏ, khoai lang,..); sắt (thịt nạc, thịt bò, các loại đậu, rau xanh đậm,...); kẽm (hàu, thịt bò, các loại hạt,...).
Ngoài ra, chế độ ăn nên thêm sữa chua có các lợi khuẩn hoặc bổ sung lợi khuẩn - probiotics giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và tăng cường miễn dịch rất tốt.
3. Những nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân Hodgkin
Đảm bảo đủ năng lượng: Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Bữa phụ nên ăn các thực phẩm giàu calo như ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, trái cây sấy khô, sữa chua,...
TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch:
Số bữa ăn trong ngày có thể lên đến 8-10 bữa. Việc chia nhỏ này có tác dụng làm giảm cảm giác no, buồn nôn, nôn cho bệnh nhân.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng: Người bệnh nên được đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thức ăn: tinh bột, đạm, béo, rau xanh và trái cây trong chế độ ăn uống hàng ngày. Tăng cường những thực phẩm giàu protein như trứng, cá, thịt gà, vịt. Kết hợp với rau xanh, trái cây tươi, sữa, nước trái cây (sinh tố hoặc nước ép) để cung cấp thêm vitamin cần thiết cho cơ thể.
Đảm bảo an toàn thực phẩm: Theo BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai, cần chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm cho người bệnh từ nguyên liệu thực phẩm cho đến chế biến, bảo quản để người bệnh không phải chịu thêm gánh nặng bệnh tật do thực phẩm không an toàn gây ra.
3.1. Bệnh nhân ung thư Hodgkin nên ăn gì?
Trong chế độ ăn uống cần đảm bảo đầy đủ chất cho cơ thể giúp hồi phục sức khỏe:
Rau xanh: Cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Trái cây: Nguồn cung cấp vitamin C, chất chống oxy hóa.
Thịt nạc, cá: Nguồn protein chất lượng cao.
Các loại hạt: Hạnh nhân, óc chó, hạt điều...
Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch...
Uống đủ nước hàng ngày giúp ngăn ngừa mất nước, hỗ trợ quá trình thải độc.
3.2. Thực phẩm người bệnh Hodgkin nên hạn chế
Người bệnh cần hạn chế những thực phẩm không tốt cho sức khỏe và quá trình hồi phục bệnh:
Hạn chế các thức ăn cay, mặn, thực phẩm gây khó tiêu.
Tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh.
Tránh đồ uống có gas, rượu bia.
Hạn chế tiêu thụ cà phê và thuốc lá.
Tránh những thực phẩm có khả năng gây đầy hơi như đậu nấu tái, quá nhiều rau bắp cải, gia vị cay như ớt, hạt tiêu.
Cần lưu ý, mỗi người bệnh có một tình trạng sức khỏe khác nhau, vì vậy cần có chế độ ăn phù hợp. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn cụ thể cho từng trường hợp.
Thiên Châu