Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh Nocardia

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh Nocardia
2 ngày trướcBài gốc
NỘI DUNG
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh Nocardia
2. Một số dưỡng chất cần thiết với người bệnh Nocardia
3. Thực phẩm nên hạn chế
Bệnh Nocardia (Nocardiosis) không phổ biến, mặc dù có sự gia tăng rõ rệt về tỷ lệ mắc bệnh ở người và động vật trên toàn thế giới.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh Nocardia tuy là một bệnh truyền nhiễm nhưng chưa có tài liệu nào (trong nước và quốc tế) nói Nocardia gây ra những vụ dịch. Ca bệnh lâm sàng, Nocardia có thể gây bệnh ở da, phổi, tim, não. Thương tổn da là các cục, áp xe, lỗ rò không đau. Các thương tổn có thể khu trú bất kỳ nơi nào trên cơ thể nhưng thường ở chi dưới, đôi khi chạy dọc theo đường bạch huyết. Nhiễm Nocardia ở phổi bệnh nhân đau ngực, khó thở, kèm theo dấu hiệu toàn thân như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, sút cân.
Cục Y tế Dự phòng cho biết, bệnh có thể gặp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Người hay mắc bệnh là nông dân (nhất là người trồng rau), nghề rừng thuộc chí tuyến bắc (Autour du tropique du cancer) như Ấn Độ; Soudan; Somali; Senegal; Venezuela; Mehico; ít gặp hơn ở châu Âu; Hoa Kỳ, Indonesia; Nhật Bản, Australia.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh có thể được điều trị thành công bằng thuốc kháng sinh, đặc biệt là khi điều trị sớm. Tuy nhiên, nhiễm trùng có thể nghiêm trọng khi nhiều vùng cơ thể bị nhiễm trùng cùng một lúc. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Dinh dưỡng đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh Nocardia
Nocardia là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và điều trị chính vẫn là kháng sinh. Quá trình điều trị thường kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Tuy nhiên, các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể cần điều trị trong thời gian dài hơn.
Hiện tại, không có một chế độ dinh dưỡng cụ thể nào được các tổ chức y tế uy tín trên thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị riêng biệt cho bệnh Nocardia. Tuy nhiên, dinh dưỡng đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi, đặc biệt là với những người có hệ miễn dịch suy yếu - một yếu tố nguy cơ của bệnh Nocardia. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tối ưu hóa lượng chất dinh dưỡng hấp thụ trong chế độ ăn uống là rất quan trọng để duy trì khả năng miễn dịch toàn thân và có thể giúp cải thiện khả năng chống lại nhiễm trùng.
Thay vì một chế độ ăn riêng biệt cho bệnh Nocardia, các tổ chức y tế nhấn mạnh vào chế độ dinh dưỡng tổng thể để tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình điều trị nhiễm trùng nói chung. Các khuyến nghị này thường dựa trên các khía cạnh tăng cường hệ miễn dịch để hỗ trợ quá trình điều trị, giúp người bệnh duy trì cân nặng hợp lý vì suy dinh dưỡng làm chậm phục hồi. Đảm bảo cơ thể người bệnh có đủ năng lượng để chống lại nhiễm trùng.
2. Một số dưỡng chất cần thiết với người bệnh Nocardia
Chế độ ăn tổng thể của người bệnh cần đảm bảo cân bằng, đủ các nhóm chất dinh dưỡng (carbohydrate, protein, chất béo, vitamin, khoáng chất). Ưu tiên thực phẩm tươi, nguyên chất như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
Đảm bảo đủ protein để tăng cường miễn dịch: Protein là nền tảng để xây dựng và sửa chữa tế bào, bao gồm cả tế bào miễn dịch. Các nguồn protein tốt như thịt nạc (gà, cá, thịt bò nạc), trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai); Đậu và các loại hạt; Đậu hũ và các sản phẩm từ đậu nành…
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Vitamin C: Tăng cường chức năng miễn dịch, có nhiều trong cam, chanh, ớt chuông, bông cải xanh.
Vitamin D: Điều hòa hệ miễn dịch, có thể được tổng hợp qua ánh nắng mặt trời hoặc bổ sung qua thực phẩm (cá hồi, trứng, sữa).
Kẽm: Quan trọng cho sự phát triển và chức năng của tế bào miễn dịch, có nhiều trong thịt đỏ, hải sản, các loại hạt.
Selen: Chất chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ hệ miễn dịch, có nhiều trong cá ngừ, trứng, các loại hạt.
Chất chống oxy hóa: Bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, có nhiều trong rau quả có màu sắc tươi sáng (quả mọng, rau lá xanh đậm, cà rốt).
Uống đủ nước: Giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải.
Người bệnh cần uống đủ nước. Ảnh minh họa.
3. Thực phẩm nên hạn chế
Đường và đồ ngọt: Có thể làm suy yếu hệ miễn dịch.
Thực phẩm chế biến sẵn: Thường chứa nhiều muối, đường, chất béo không tốt.
Rượu bia và các chất kích thích.
Để có chế độ ăn cá nhân hóa phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể, đặc biệt là nếu có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch nên hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Tuyệt đối tuân thủ điều trị của bác sĩ và lưu ý dinh dưỡng chỉ là hỗ trợ, điều trị chính vẫn theo theo chỉ định của bác sĩ.
Thùy Vân
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/che-do-dinh-duong-cho-nguoi-mac-benh-nocardia-169250102165314585.htm