Ảnh minh họa: healthline.com
Đây là hai axit amin thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi cơ bắp, miễn dịch và chuyển hóa.
Theo SCMP, nghiên cứu do nhóm chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Massey (New Zealand) thực hiện, phân tích nhật ký ăn uống trong 4 ngày của 193 người ăn thuần chay lâu năm. Dựa vào cơ sở dữ liệu thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ và New Zealand, nhóm nghiên cứu đã tính toán hàm lượng axit amin từ từng loại thực phẩm được tiêu thụ.
Kết quả cho thấy khoảng 75% người tham gia ăn đủ protein mỗi ngày, nhưng chỉ khoảng 50% đáp ứng đủ nhu cầu lysine và leucine – hai axit amin không thể tự tổng hợp mà cơ thể bắt buộc phải lấy từ thực phẩm.
“Việc đạt đủ lượng protein tổng thể trong chế độ ăn thuần chay không đồng nghĩa với việc đang có một chế độ ăn giàu protein chất lượng”, nhóm tác giả cảnh báo trên tạp chí khoa học PLOS One. Nhóm cũng cho biết nếu chỉ nhìn vào tổng lượng protein, ta có thể đánh giá quá cao mức độ đầy đủ của protein trong khẩu phần ăn thuần chay.
Hai nhà nghiên cứu Bi Xue và Patricia Soh nhấn mạnh, 9 axit amin thiết yếu là những chất mà cơ thể không thể tự tạo ra, trong đó lysine và leucine đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe cơ bắp và chuyển hóa năng lượng.
Trong chế độ ăn thuần chay, các loại đậu, hạt và ngũ cốc nguyên cám được xác định là nguồn cung cấp lysine và leucine quan trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ cả chất và lượng, người ăn chay không chỉ cần ăn đủ protein, mà còn phải đa dạng hóa thực phẩm thực vật để đảm bảo sự cân bằng giữa các axit amin.
Nhóm nghiên cứu kêu gọi cộng đồng dinh dưỡng tiếp tục đào sâu nghiên cứu cách cải thiện chất lượng protein trong chế độ ăn thuần chay, để hỗ trợ người ăn chay có một sức khỏe tối ưu.
“Để có một chế độ ăn thuần chay thật sự chất lượng cao, không chỉ đơn thuần là ăn nhiều protein, mà còn cần lựa chọn thông minh và cân đối thực phẩm thực vật để cơ thể được cung cấp đầy đủ các axit amin thiết yếu”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Phúc Toàn/Báo Tin tức và Dân tộc