Chênh lệch y tế nông thôn và thành thị làm gia tăng bất bình đẳng xã hội

Chênh lệch y tế nông thôn và thành thị làm gia tăng bất bình đẳng xã hội
4 giờ trướcBài gốc
Theo ông Thuấn, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn đối mặt với những thách thức lớn. Trong đó, tình trạng thiếu công bằng trong tiếp cận y tế giữa các khu vực là vấn đề nan giải hiện nay.
Tại đô thị, người dân tiếp cận với hệ thống cơ sở y tế hiện đại, trang thiết bị tiên tiến, đội ngũ bác sĩ chất lượng cao. Trong khi đó, ở các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, nhiều trạm y tế xã vẫn thiếu trang thiết bị cơ bản.
Chưa kể, những khu vực này nhân lực y tế chuyên môn, thậm chí không đáp ứng đủ thuốc thiết yếu hay thực hiện được các xét nghiệm cơ bản để quản lý các bệnh mạn tính như đái tháo đường và tăng huyết áp.
Người dân được kiểm tra sức khỏe miễn phí tại sự kiện. (Ảnh: Lâm Hải)
Bên cạnh đó, các dịch vụ y tế chuyên sâu như điều trị ung thư, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hay y học cá thể gần như chỉ tập trung tại các thành phố lớn, khiến người dân ở các khu vực khó khăn không thể tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến. Công tác phòng chống dịch bệnh tại những vùng khó khăn cũng gặp nhiều hạn chế do thiếu điều kiện tổ chức tiêm chủng hoặc giám sát dịch bệnh hiệu quả, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch cao hơn.
"Những chênh lệch trong việc tiếp cận y tế không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn gia tăng bất bình đẳng xã hội, đặt ra yêu cầu cấp thiết về các chính sách đầu tư và cải thiện toàn diện để đảm bảo công bằng y tế cho mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Vì thế, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc triển khai chương trình "Tiếp cận y tế toàn diện" là sứ mệnh cốt lõi của ngành y tế trong hành trình chăm sóc sức khỏe toàn dân. Mọi người dân, không phân biệt vùng miền, dân tộc, giới tính hay tình trạng kinh tế, đều được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ y tế chất lượng.
Công bằng trong y tế sẽ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số và người sống ở vùng sâu, vùng xa.
Theo TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các chương trình của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tập trung vào huy động rộng rãi sự tham gia của cộng đồng, các đơn vị chuyên môn và các tổ chức để cùng nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, chăm sóc, quản lý bệnh không lây nhiễm mạn tính thông qua việc triển khai các công cụ kỹ thuật số.
Để đảm bảo việc tiếp cận y tế toàn diện cho mọi người dân, cần triển khai các giải pháp một cách đồng bộ và chiến lược dựa trên ba hướng chính: tiếp cận chính sách, tiếp cận y tế cơ sở và tiếp cận người dân. "Mỗi hướng đi đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả", ông Đức nói.
Như Loan
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/chenh-lech-y-te-nong-thon-va-thanh-thi-lam-gia-tang-bat-binh-dang-xa-hoi-ar915353.html