Bước vào triển lãm Chèo Méo, người tham quan bị cuốn hút vào những tác phẩm với những nét vẽ lệch chuẩn, cách tô màu khác lạ... tạo nên một không gian nghệ thuật đầy độc đáo.
Khách tham quan được điều phối viên giới thiệu về các tác phẩm cùng những câu chuyện đặc biệt của các em nhỏ tự kỷ.
Quy tụ nhiều tác phẩm cá nhân của trẻ tự kỷ, các trưng bày tại triển lãm “Chèo Méo" ghi lại sự tương tác giữa trẻ và gia đình, người thân, cũng như các nghệ sĩ thị giác đồng hành. Một số tác phẩm cho phép khán giả tham gia và trải nghiệm. Qua đây, người xem có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống hằng ngày của những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt này.
"Chèo Méo" - Thế giới rực rỡ của các "nghệ sĩ" nhí đặc biệt.
Khách tham quan đủ mọi lứa tuổi được điều phối viên giới thiệu về từng tác phẩm cùng những câu chuyện đặc biệt phía sau của các nghệ sĩ thuộc phổ tự kỷ.
Triển lãm có nhiều hoạt động tương tác dành cho các em nhỏ.
Khám phá góc nhìn mới của những em nhỏ mắc hội chứng tự kỷ qua những cảm xúc mà nghệ thuật mang lại, ánh mắt người xem ai nấy đều lấp lánh sự quan tâm, thương yêu và đồng cảm. Tiếng cười, tiếng nói và sự trao đổi nhiệt tình giữa các khán giả có mặt tại đây đã tạo nên một bầu không khí kết nối đầy ấm cúng và gắn kết.
Thu hút người xem ngay từ cái tên hết sức độc đáo, “Nhật ký tự do” là một chuỗi những bức tranh ghi lại lịch trình hằng ngày của Nem – một em bé tự kỷ. Xoay quanh cuộc sống hằng ngày của em, tác phẩm là một cụm tranh vẽ được Nem nhấn nhá bằng trí tưởng tượng và khiếu hài hước riêng.
Khách tham quan triển lãm.
Tư duy hình ảnh sống động của em kết hợp cùng những nét vẽ trôi chảy như đang in ra từng mẩu chuyện nhỏ nối tiếp nhau. Mỗi bức tranh của Nem là một bước chuyển dịch từ không gian riêng tư quen thuộc sang không gian công cộng. Như một cách lưu lại những hành động, quy tắc và thói quen hằng ngày, tác phẩm chính là hành trình rèn khả năng tự lập của Nem hòa nhập trong dòng chảy của xã hội.
Là quản lý dự án mạng xã hội của Doanh nghiệp xã hội Tòhe - nơi ươm mầm tài năng của các nghệ sĩ trẻ có tác phẩm tại triển lãm, chị Ngô Mỹ Ngọc Linh tin rằng nghệ thuật là phương tiện hiệu quả để trẻ tự kỷ và chậm phát triển có thể truyền đạt tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của mình. Hiểu được khó khăn của các em như hạn chế về mặt ngôn ngữ hay nhận diện cảm xúc xã hội khác với những người không mắc hội chứng tự kỷ, chị Ngọc Linh đặt nhiều niềm tin vào các nghệ sĩ đặc biệt này.
Dưới những hành vi của phổ tự kỷ, đôi khi chúng ta còn gặp nhiều khó khăn để hiểu được các em. Với mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người về nghệ thuật dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt bao gồm người trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ, trẻ mồ côi và trẻ vùng sâu, vùng xa, triển lãm Chèo Méo chính là cơ hội để chúng ta hiểu hơn về những em nhỏ này.
Kết nối cảm xúc thông qua nghệ thuật
“Chèo Méo” không phải là triển lãm để khoe tài năng của các bạn trẻ tự kỷ và chậm phát triển. Mục tiêu của không gian trưng bày kết hợp tương tác lần này là để mọi người hiểu hơn về thế giới của những bạn nhỏ đặc biệt này. Giống như bao bạn bè đồng trang lứa, các em cũng có nhu cầu được tham gia vào các hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tại “Chèo Méo”, mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một cảm xúc riêng mà các nghệ sĩ trẻ muốn truyền tải.
Là khách tham quan triển lãm, bạn Nguyễn Hoàng Thiệu (17 tuổi), hiện đang học lớp 12, Trường liên cấp Greenfield cơ sở Ecopark, Hưng Yên không khỏi bất ngờ trước tài năng nghệ thuật của các bạn nhỏ đặc biệt này.
Thiệu cho biết, em đã từng gặp gỡ với các bạn mắc hội chứng tự kỷ và cảm nhận rằng dù có nhiều khác biệt so người thường, dù còn chậm và kém linh hoạt, các bạn vẫn có khả năng học tập và giao tiếp trong cuộc sống. Dành một sự đồng cảm và quan tâm đặc biệt tới các bạn tự kỷ, Thiệu mong rằng khi du khách xem tranh và tham gia những hoạt động mô phỏng hành vi của trẻ tự kỷ, mọi người có thể hiểu rõ hơn về hội chứng này, từ đó thấu cảm hơn nhóm đối tượng đặc biệt này.
Em Nguyễn Thị Hoàng Anh (22 tuổi) - sinh viên năm cuối Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, em đang xây dựng đồ án tốt nghiệp với chủ đề về trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Khi biết đến triển lãm Chèo Méo, cô bạn đã sắp xếp thời gian để đến tham quan.
Tham quan triển lãm, mọi người thêm thấu hiểu và đồng cảm với các em nhỏ tự kỷ.
Tham gia vào những hoạt động tương tác mô phỏng hành vi của trẻ tự kỷ, Hoàng Anh đồng cảm với các em: “Sau khi trải nghiệm cảm giác của các em nhỏ tự kỷ, em càng đồng cảm với các bạn ấy và nên được xã hội thấu hiểu và quan tâm nhiều hơn”.
Tạo nên bởi bàn tay khéo léo và tư duy nghệ thuật đầy sáng tạo, “Chèo Méo” là thành quả của 21 nghệ sĩ nhí tài năng có nhu cầu đặc biệt, gồm 20 em tự kỷ và 1 em chậm phát triển.
Dưới sự hướng dẫn của 3 nghệ sĩ cũng là 3 cô giáo đồng hành, trưng bày đã thu hút đông đảo công chúng tham quan.
Không chỉ là nơi thể hiện tài năng, trưng bày các tác phẩm đặc sắc, “Chèo Méo” còn là diễn đàn giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về trẻ có nhu cầu đặc biệt. Qua đây, người xem có thể cảm nhận được những khó khăn, thách thức mà trẻ tự kỷ phải đối mặt, cũng như những niềm vui, sự sáng tạo và khát khao giao tiếp của các em.
Nghệ thuật là một phương tiện giao tiếp hiệu quả, trở thành cầu nối giữa trẻ tự kỷ và xã hội, giúp xóa nhòa những ranh giới và định kiến, thúc đẩy sự chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng trong xã hội.
MINH NGỌC
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/cheo-meo-nghe-thuat-thay-loi-muon-noi-post845132.html