Một nhóm nhà khoa học tại Đại học Tokyo (Nhật) đã nỗ lực tái hiện cuộc sống của người tiền sử cách đây 35.000 đến 30.000 năm bằng thử nghiệm vượt biển trên thuyền không cánh buồm từ Đài Loan (Trung Quốc) ngược về phía bắc tới quần đảo Ryukyu (Nhật), tờ The Guardian hôm 4-7 đưa tin.
Hành trình vượt biển này do nhóm của nhà nhân chủng học tiến hóa - TS Yousuke Kaifu tiến hành, bắt đầu từ khu vực Wushibi (Ô Thạch Tị) trên bờ biển phía đông huyện Đài Đông (Đài Loan) với điểm đến là Yonaguni – hòn đảo nằm gần Đài Loan nhất trong quần đảo Ryukyu và cũng là điểm cực tây của Nhật.
Nghiên cứu này đã chứng minh tính khả thi của việc đóng một chiếc thuyền không cánh buồm bằng các công cụ Đồ đá cũ và dùng nó để di chuyển qua eo biển rộng 110 km với dòng hải lưu mạnh giữa đảo Yonaguni (quần đảo Ryukyu) với Đài Loan.
Thuyền bằng lau sậy đã được thử nghiệm nhưng không đảm bảo an toàn để vượt biển. Ảnh chụp màn hình từ video của ĐẠI HỌC TOKYO
Từ năm 2016, các nhà khoa học đã thử nghiệm với những con thuyền bằng tre hoặc lau sậy nhưng chúng không thể chống chịu trước sóng biển mạnh.
Thuyền bằng tre đã được thử nghiệm nhưng không đảm bảo an toàn để vượt biển. Ảnh: ĐẠI HỌC TOKYO
Từ năm 2017 tới năm 2018, bằng cách sử dụng các công cụ đá tương tự, các nhà khoa học đã tạo ra một chiếc thuyền độc mộc từ gỗ cây bách Nhật, được gia cố thêm để đảm bảo khả năng di chuyển ổn định trên biển.
Đốn hạ cây bách Nhật bằng các công cụ Đồ đá cũ để làm thuyền độc mộc. Ảnh: ĐẠI HỌC TOKYO
Con thuyền được đặt tên “Sugime”, lấy cảm hứng từ từ “sugi”, trong tiếng Nhật nghĩa là cây bách, dài 7,55 m, rộng 0,7 m, sâu 0,7 m, nặng 241 kg có đủ chỗ cho 5 người chèo.
Thuyền độc mộc "Sugime" khởi hành từ phía đông Đài Loan hôm 7-7-2019. Ảnh chụp màn hình từ video của ĐẠI HỌC TOKYO
Hành trình vượt biển dài 225 km, kéo dài 45 giờ diễn ra từ ngày 7-7 tới 9-7-2019. Những người tham gia, gồm 4 nam và 1 nữ, đều dày dặn kinh nghiệm chèo thuyền và đã trải qua nhiều điều kiện sóng biển khắc nghiệt trong dòng hải lưu Kuroshio mạnh nhất thế giới.
Đoàn chuyên gia tham gia thử nghiệm chèo thuyền độc mộc vượt biển phải tự định hướng trong đêm bằng vị trí của sao trời. Ảnh chụp màn hình từ video của ĐẠI HỌC TOKYO
Thuyền được hộ tống và được trang bị thiết bị định vị để đề phòng rủi ro. Tuy nhiên, đoàn thử nghiệm đã thành công trong việc tự định hướng bằng hướng mặt trời và các vì sao.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Tokyo (Nhật) thử nghiệm chèo thuyền độc mộc vượt biển từ Đài Loan tới đảo Yonaguri (Nhật). Ảnh: THE GUARDIAN/ĐẠI HỌC TOKYO
Báo cáo chi tiết về chuyến vượt biển bằng thuyền độc mộc này được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 25-6.
Hành trình chuyến vượt biển trên thuyền độc mộc "Sugime" từ Đài Loan tới đảo Yonaguri (Nhật). Ảnh: ĐẠI HỌC TOKYO
Các nhà khoa học lưu ý rằng hoạt động thử nghiệm này vẫn còn chưa trùng khớp một cách “hoàn hảo” ở một số khía cạnh so với những gì có thể đã diễn ra cách đây 35.000 đến 30.000 năm, nhất là việc điều kiện dòng hải lưu Kuroshio khi đó có thể rất khác với hiện nay.
TS Kaifu cho biết “thông qua dự án với nhiều thất bại này, chúng tôi đã hiểu được những khó khăn khi vượt đại dương và trải nghiệm này khiến chúng tôi vô cùng kính trọng tổ tiên thời kỳ Đồ đá cũ của mình”.
HOÀN ĐỨC