AlixPartners cho biết 15 thương hiệu này dự kiến sẽ chiếm khoảng 75% thị trường xe điện và xe hybrid sạc điện của Trung Quốc vào cuối thập kỷ này, mỗi thương hiệu đạt doanh số trung bình hàng năm là 1,02 triệu xe. Tuy nhiên, AlixPartners không nêu tên thương hiệu.
Stephen Dyer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ô tô của AlixPartners tại Châu Á, cho biết quá trình hợp nhất tại Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra chậm hơn so với các thị trường khác, vì chính quyền địa phương có thể hỗ trợ các thương hiệu không khả thi do tầm quan trọng của họ đối với nền kinh tế, việc làm và chuỗi cung ứng trong khu vực.
"Trung Quốc là một trong những thị trường NEV (xe năng lượng mới) cạnh tranh nhất thế giới, với cuộc chiến giá cả khốc liệt, đổi mới nhanh chóng và những người mới tham gia liên tục nâng cao tiêu chuẩn", Dyer nói. "Môi trường này đã thúc đẩy những tiến bộ đáng kể về công nghệ và hiệu quả chi phí, nhưng cũng khiến nhiều công ty phải vật lộn để đạt được lợi nhuận bền vững".
Thị trường ô tô của Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, hiện đang phải đối mặt với cuộc chiến giá cả và tình trạng dư thừa công suất đáng kể, cả hai đều đang gây sức ép lên lợi nhuận. Ngoài BYD và Li Auto, không có nhà sản xuất xe điện Trung Quốc niêm yết công khai nào khác đạt được lợi nhuận cả năm.
Trước sự phức tạp của thị trường, các cơ quan quản lý của Trung Quốc thậm chí đã phải kêu gọi các nhà sản xuất ô tô dừng cuộc chiến giá cả. Tuy nhiên, Dyer nhận định cuộc chiến này có thể sẽ tiếp tục nhưng các nhà sản xuất sẽ tìm được “biến tấu” thông qua các yếu tố "ẩn" như trợ cấp bảo hiểm và tài trợ lãi suất bằng 0 thay vì giảm giá trực tiếp như hiện tại.
Dyer cho biết tỷ lệ sử dụng công suất tại các nhà máy ô tô của Trung Quốc đã giảm xuống mức trung bình 50% tại Trung Quốc vào năm ngoái, mức thấp nhất trong một thập kỷ, gây áp lực rất lớn lên lợi nhuận.
Trong những năm gần đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) thông tin, ngành xe năng lượng mới (NEV) của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, chiếm hơn 40% doanh số bán xe mới.
Theo CAAM, ngành này đang cho thấy xu hướng ổn định và tích cực, với sức sống thị trường bền vững. Tuy nhiên, trong một thời gian, lợi nhuận của ngành đang suy giảm, chủ yếu do sự cạnh tranh khốc liệt dưới hình thức "cuộc chiến giá cả" hỗn loạn, là một yếu tố quan trọng trong những thách thức của ngành.
CAAM nhấn mạnh các khoản đầu tư vào bảo hành dịch vụ sau bán hàng sản phẩm và đổi mới, phát triển doanh nghiệp cần phải liên tục tăng, trong khi chiến tranh giá cả tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh bình thường.
Điều này cũng làm suy yếu vấn đề an ninh của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, đẩy ngành vào một vòng luẩn quẩn, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cảnh báo.
Trong khi đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) cũng đã lên tiếng nhấn mạnh rằng "cuộc chiến giá cả" giữa các nhà sản xuất ô tô đã làm gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động kinh doanh bình thường và đe dọa đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của ngành.
“Cuộc chiến giá cả” hỗn loạn là ví dụ điển hình của cuộc cạnh tranh phi lý, kìm hãm đầu tư R&D bền vững, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, hiệu suất và tiêu chuẩn dịch vụ, thậm chí có thể dẫn đến rủi ro về an toàn và xâm phạm quyền của người tiêu dùng, MIIT cho hay.
Đối với các hành động tiếp theo, MIIT dự kiến sẽ tăng cường nỗ lực giải quyết cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực ô tô, thúc đẩy tối ưu hóa cấu trúc, tăng cường kiểm tra tính nhất quán của sản phẩm và hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền để thực thi các quy định chống cạnh tranh không lành mạnh.
Bộ này cũng nhấn mạnh thực hiện các hành động quản lý có mục tiêu để duy trì môi trường thị trường công bằng và có trật tự, bảo vệ lợi ích cơ bản của người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành ô tô Trung Quốc.
Cuộc chiến giá xe điện hiện tại ở Trung Quốc thực tế là hậu quả trực tiếp của các khoản đầu tư lớn của chính phủ kéo dài hơn một thập kỷ.
Trung Quốc đã đầu tư hơn 390 tỷ nhân dân tệ (58,3 tỷ USD) vào các loại xe năng lượng mới trong giai đoạn 2009-2017, đưa NEV trở thành ngành công nghiệp chiến lược theo sáng kiến “Made in China 2025”.
Chính sách công nghiệp này đã thành công trong việc tạo ra một ngành công nghiệp phát triển mạnh nhưng lại dẫn đến các vấn đề về năng lực sản xuất dư thừa, với chi tiêu của chính phủ chiếm hơn 42% tổng doanh số bán NEV, theo một số ước tính.
Việc có quá nhiều công ty sản xuất và có quá nhiều xe năng lượng mới được tung ra thị trường phản ánh sự mất cân bằng về mặt cấu trúc giữa năng lực cung ứng và sản xuất so với nhu cầu trong nước.
Tình hình này tương tự như vấn đề của Trung Quốc trong các ngành chiến lược khác như tấm pin mặt trời, nơi sản xuất được chính phủ trợ cấp đã tạo ra năng lực sản xuất dư thừa dẫn đến cạnh tranh giá gay gắt và hợp nhất ngành.
Khi trợ cấp của chính phủ bắt đầu giảm dần vào năm 2018, hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc là BYD đã chứng kiến mức giảm 31,6% lợi nhuận ròng mặc dù doanh số tăng, vì biên lợi nhuận hoạt động giảm từ 5,8% xuống 3,3%.
Xu hướng này đã tăng tốc, với năm 2024 đánh dấu năm đầu tiên có nhiều thương hiệu xe điện rời khỏi hơn là gia nhập thị trường. Đây là báo hiệu cho sự khởi đầu của cái mà các nhà phân tích gọi là "sự hợp nhất lớn".
Nam Nguyễn