Chỉ có 13% số mắc viêm gan B mạn tính được chẩn đoán

Chỉ có 13% số mắc viêm gan B mạn tính được chẩn đoán
7 giờ trướcBài gốc
Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được đại biểu đưa ra tại Hội nghị khoa học Bệnh truyền nhiễm và các vấn đề y tế công cộng sau đại dịch COVID-19, diễn ra tại TPHCM vào ngày 22/11.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thúy Vân - Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Y tế thế giới tại Viêt Nam (WHO), năm 2024, WHO công bố báo cáo đánh giá cho thấy, số ca tử vong do viêm gan virus nói chung tăng từ 1,1 triệu ca năm 2019 lên 1,3 triệu ca năm 2022. Số ca nhiễm mới virus viêm gan B (HBV) là 1,2 triệu ca và nhiễm virus viêm gan C (HCV) là 1 triệu ca trong đó số nhiễm mới HBV và HCV đều cao hơn ở nam giới so với nữ giới.
TS Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, báo cáo ở phiên toàn thể. Ảnh: Xuân Dự
Việc mở rộng điều trị viêm gan C bắt đầu có tác động với số ca tử vong do viêm gan C giảm từ 290.000 ca năm 2019 xuống còn 240.000 ca năm 2022.
Tuy nhiên, nhiều chỉ số viêm gan chưa đạt được như mong đợi, chỉ có 13% số người mắc viêm gan B mạn tính được chẩn đoán và gần 3% được điều trị bằng thuốc kháng virus vào cuối năm 2022.
Từ năm 2015 đến năm 2022, chỉ có 36% số người mắc viêm gan C được chẩn đoán và 20% đã được điều trị khỏi bệnh.
Mặc dù tỷ lệ bao phủ vaccine viêm gan B sau sinh đã tăng lên kể từ năm 2010, tỷ lệ bao phủ toàn cầu hiện nay là 45% vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu năm 2025 là 70%.
Tháng 3/2024, WHO ban hành Hướng dẫn về dự phòng, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị nhiễm virus viêm gan B mạn tính. Hướng dẫn này đã mở rộng tiêu chuẩn điều trị cho người nhiễm HBV bao gồm điều trị tất cả những người có xơ hóa gan, điều trị tất cả nếu có đồng nhiễm với HIV, viêm gan D hoặc viêm gan C; các trường hợp tiền sử gia đình có ung thư gan hoặc xơ gan, suy giảm miễn dịch, trường hợp có các bệnh đồng mắc như tiểu đường, gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa hoặc các biểu hiện ngoài gan.
"WHO cũng khuyến cáo mở rộng tiếp cận điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus để ngăn ngừa lây truyền HBV từ mẹ sang con nhằm giải quyết các thách thức trong việc tiếp cận xét nghiệm tải lượng HBV-DNA (xét nghiệm định lượng virus viêm gan B trong máu - PV) hoặc ngay cả HBeAg (kháng nguyên e của virus viêm gan B - PV).
Hướng dẫn này khuyến cáo sử dụng thuốc kháng virus cho tất cả các bà mẹ mang thai có HBsAg (kháng nguyên bề mặt của các virus viêm gan B - PV) dương tính để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Việc sử dụng biện pháp dự phòng được ưu tiên từ ba tháng thứ hai của thai kỳ cho đến khi sinh con hoặc hoàn thành loạt tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh bao gồm cả liều vaccine viêm gan B sau sinh để dự phòng lây truyền HBV từ mẹ", TS.BS Nguyễn Thị Thúy Vân chia sẻ về vấn đề ngăn ngừa lây truyền viêm gan từ mẹ sang con.
Bên cạnh viêm gan thì bệnh đường hô hấp, sốt xuất huyết, phế cầu khuẩn cũng là những bệnh được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Trong đó, GS Kim Mulholland - Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch (MCRI), Australia - chia sẻ về ngăn ngừa các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Theo GS Kim Mulholland, ba loại vaccine phòng ngừa bệnh đường hô hấp, sốt xuất huyết, bệnh phế cầu khuẩn đều khó thực hiện vì những lý do khác nhau. Miễn dịch với phế cầu khuẩn chủ yếu là do kháng thể đối với polysacarit dạng nang. Tiêm phòng hiệu quả loại bỏ các dạng rắc rối, cho phép những dạng khác trở nên phổ biến hơn, được gọi là sự thay thế tuýp huyết thanh. Khi nhiều dạng được thêm vào vaccine, chi phí tăng lên và tính sinh miễn dịch giảm, dẫn đến các loại vaccine khác nhau với tính sinh miễn dịch khác nhau.
Sốt xuất huyết từ lâu đã là một mục tiêu khó khăn để phòng ngừa bằng vaccine. Vaccine được cấp phép đầu tiên là Dengvaxia, đã được triển khai trên quy mô lớn ở Philippines vào năm 2015, nhưng gây bệnh nặng hơn ở một số ít trẻ em.
Sản phẩm thứ hai là Qdenga, hiện đã được phê duyệt, có hiệu quả cao chống lại tuýp huyết thanh Dengue 1 và 2 ở tất cả trẻ em, tuy nhiên nó dường như không hiệu quả cho trẻ em huyết thanh âm tính tiếp xúc với Dengue 3.
Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia y tế trong và ngoài nước. Ảnh: Xuân Dự
Phòng ngừa virus hợp bào hô hấp là mục tiêu thực hiện vaccine khó khăn nhất. Việc phát triển vaccine vào những năm 1960 đã bị tạm ngưng khi trẻ em được tiêm chủng phát triển bệnh nặng hơn khi tiếp xúc với RSV (virus hợp bào hô hấp).
Hiện nay có 2 cách tiếp cận về vaccine đã được chứng minh là có hiệu quả. Đó là sử dụng kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài có thể được tiêm ngay sau khi sinh hoặc vào đầu mùa RSV và vaccine cho mẹ có thể được cung cấp trong thai kỳ để bảo vệ thai nhi.
Xuân Dự
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/chi-co-13-so-mac-viem-gan-b-man-tinh-duoc-chan-doan-169241122141242413.htm