Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/12/2024

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/12/2024
một ngày trướcBài gốc
* Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại cuộc họp Tổ công tác số 5 về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan và địa phương
Xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 542/TB-VPCP ngày 3/12/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại cuộc họp Tổ công tác số 5 về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan và địa phương.
Thông báo nêu: Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2021 – 2025, trong đó đầu tư công luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Do đó, ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, có nhiều văn bản chỉ đạo thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương đã có kết quả giải ngân tốt như: Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp…, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan và địa phương giải ngân còn thấp so với mức trung bình cả nước. Các nguyên nhân chủ yếu là: Việc nghiên cứu, vận dụng các chính sách, quy định của pháp luật có nơi làm chưa tốt; công tác quản lý dự án và năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất.
Một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, từ khâu chuẩn bị dự án đến việc đôn đốc, kiểm tra trong quá trình triển khai...
Thời gian từ nay đến hết năm 2024 không còn nhiều. Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung, quyết liệt, chủ động thực hiện các biện
pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo; kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn ở cấp thẩm quyền của mình, tích cực nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật mới để triển khai, đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thành lập tổ công tác đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ
Các bộ, ngành, địa phương phân công lãnh đạo theo dõi tiến độ thực hiện dự án theo nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn; thành lập tổ công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp phụ trách để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan để tham mưu các cấp thẩm quyền trong quá trình tiếp nhận, đàm phán, ký kết, phê chuẩn hiệp định vốn vay ODA; quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay ODA.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp các kiến nghị về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật về đầu tư công. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nội dung liên quan trong dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 8.
Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá vật liệu xây dựng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan, xem xét hướng dẫn theo thẩm quyền để Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ được triển khai thuận lợi, đúng quy định.
Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Ngoại giao và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung tháo gỡ ngay các vướng mắc theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo lãnh đạo Chính phủ để xử lý ngay, không để chậm trễ kéo dài, bảo đảm yêu cầu, mục tiêu đặt ra.
Không để tình trạng dự án chờ mặt bằng
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia.
Tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất phục vụ các dự án; công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Huy động các lực lượng chính trị xã hội và các cấp chính quyền địa phương cùng tham gia tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công năm 2024.
Một số cán bộ nghỉ hưu từ ngày 1/12/2024
Một số cán bộ nghỉ hưu từ ngày 1/12/2024
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành các quyết định nghỉ hưu từ 1/12/2024 đối với một số cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ.
Theo Quyết định số 1229/QĐ-TTg, đồng chí Trung tướng Trần Duy Hưng, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 1/12/2024.
Theo Quyết định số 1231/QĐ-TTg, đồng chí Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 1/12/2024.
Thêm 3 công trình thủy lợi vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia
Hồ chứa nước Dầu Tiếng
Ngày 02/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1502/QĐ-TTg về việc đưa 03 công trình thủy lợi vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo đó, 03 công trình thủy lợi: Hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa; hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế; hồ chứa nước Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước được đưa vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Phạm vi hành lang bảo vệ được quy định như sau:
Công trình hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa
Đập chính: Phía thượng lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ chân đập thượng lưu về phía lòng hồ; phía hạ lưu, theo giới hạn trong phạm vi các mốc tọa độ từ CĐ01 đến CĐ60.
Đập tràn: Phía thượng lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ đầu kênh dẫn thượng lưu về phía lòng hồ; phía hạ lưu và vai tràn theo giới hạn trong phạm vi các mốc tọa độ từ CĐ01 đến CĐ60.
Đập phụ: Phía thượng lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ chân đập thượng lưu về phía lòng hồ; phía hạ lưu, theo giới hạn trong phạm vi các mốc tọa độ từ DC01 đến DC32, từ HC01 đến HC42 và từ BT01 đến BT18.
Cống lấy nước: Thượng lưu cống, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ điểm ngoài cùng của tường hướng dòng về phía lòng hồ; hạ lưu cống, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ điểm cuối của tường cánh hạ lưu về phía hạ lưu.
Giới hạn độ cao phần trên không, phạm vi bảo vệ là 45 m tính từ mặt đất tự nhiên. Độ sâu dưới mặt đất, phạm vi bảo vệ là từ cao trình đỉnh đập +121,3 m xuống cao trình 0 m (theo độ sâu móng các công trình đầu mối).
Phạm vi của lòng hồ và vùng phụ cận hồ chứa nước Cửa Đạt: Phạm vi bảo vệ diện tích phần lòng hồ là 36,84 km2 ứng với cao trình đỉnh đập là +121,3 m trở xuống phía lòng hồ.
Công trình hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế
Đập chính: Phía thượng lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ chân đập thượng lưu về phía lòng hồ; phía hạ lưu, theo giới hạn trong phạm vi các mốc tọa độ từ ANQG-69 đến KDC-ANQG-9.
Đập tràn: Phía thượng lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ mép ngoài các trụ pin về phía lòng hồ; phía hạ lưu tràn xả lũ theo giới hạn trong phạm vi các mốc tọa độ từ KDC-ANQG-1 đến ANQG-65.
Đập phụ: Phía thượng lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ chân đập thượng lưu về phía lòng hồ; phía hạ lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ chân đập trở ra gồm các mốc từ PC-1 đến PC-50 và từ PC71 đến PC-90.
Tuyến đường ống Tuynen: Theo giới hạn trong phạm vi các mốc tọa độ từ ANQG-66 đến ANQG-68.
Cống lấy nước dưới đập phụ 4 và kênh dẫn: Phía thượng lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ điểm ngoài cùng của tường hướng dòng trở ra vào phía lòng hồ; phía hạ lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ điểm cuối của tường cánh hạ lưu trở ra.
Giới hạn độ cao phần trên không, phạm vi bảo vệ là 45 m tính từ mặt đất tự nhiên. Độ sâu dưới mặt đất, phạm vi bảo vệ từ cao trình đỉnh đập +55 m xuống code +0 m (theo độ sâu móng các công trình đầu mối).
Phạm vi của lòng hồ và vùng phụ cận hồ chứa nước Tả Trạch: Phạm vi bảo vệ diện tích phần lòng hồ là 36,3 km2 ứng với cao trình +53 m trở xuống phía lòng hồ.
Công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước
Đập chính: Phía thượng lưu và hạ lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ chân đập trở ra.
Đập tràn: Phía thượng lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ tường cánh về phía lòng hồ; phía hạ lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ tường cánh tràn xả lũ, 50 m tính từ vai tràn trở ra mỗi bên.
Đập phụ: Phía thượng lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ chân đập thượng lưu về phía lòng hồ; phía hạ lưu, đo theo khoảng cách thực tế từ chân đập hạ lưu đến hết mép đường nhựa ĐT781.
Cống lấy nước số 1, 2, 3: Thượng lưu cống, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ điểm ngoài cùng của tường hướng dòng trở ra vào phía lòng hồ; hạ lưu cống, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ điểm cuối của tường cánh trở ra; chiều rộng khu vực bảo vệ cách chân mái ngoài kênh chính ra mỗi bên là 5 m.
Giới hạn độ cao phần trên không, phạm vi bảo vệ là 45 m tính từ mặt đất tự nhiên. Độ sâu dưới mặt đất, phạm vi bảo vệ là 40 m (theo độ sâu móng các công trình đầu mối).
Phạm vi của lòng hồ và vùng phụ cận hồ chứa nước Dầu Tiếng: Phạm vi bảo vệ diện tích phần lòng hồ là 270 km2 ứng với mực nước dâng bình thường là +24,4 m trở xuống phía lòng hồ.
Quyết định nêu rõ, đối với phạm vi hành lang bảo vệ của các công trình đầu mối (đập chính, đập tràn, đập phụ, tuyến đường ống Tuynen, cống lấy nước và kênh dẫn) thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và các quy định pháp luật khác có liên quan. Đối với phạm vi của lòng hồ và vùng phụ cận hồ chứa nước, tiếp tục thực hiện các hoạt động đa mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về thủy lợi và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn của công trình
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan: Xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ, đề xuất và thực hiện các biện pháp bảo vệ, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn của công trình; triển khai lực lượng, phương tiện đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn cho công trình trong quá trình quản lý, khai thác; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, thống nhất cấp giấy phép và kiểm tra việc thực hiện giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo quy định tại Pháp lệnh số 32/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ xử lý vướng mắc về quản lý, khai thác và bảo vệ hồ chứa thủy lợi quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; dự toán kinh phí, cắm mốc bổ sung (nếu cần) phạm vi hành lang bảo vệ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan cấp giấy phép và quản lý các hoạt động của tổ chức, cá nhân trong phạm vi bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật về thủy lợi, bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, tài nguyên nước, môi trường và Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ./.
Theo Baochinhphu.vn
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-03-12-2024-5030606.html