Tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải là công trình kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy định của pháp luật về hàng hải và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với kết cấu hạ tầng hàng hải (nếu có), gồm: Bến cảng, bến phao...
Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 84/2025/NĐ-CP ngày 4/4/2025 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
Nghị định quy định tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải là công trình kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy định của pháp luật về hàng hải và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với kết cấu hạ tầng hàng hải (nếu có), gồm:
a) Bến cảng, bến phao.
b) Trụ sở, cơ sở dịch vụ, kho, bãi, nhà xưởng và các công trình phụ trợ khác trong khu vực bến cảng.
c) Hệ thống thông tin giao thông, thông tin liên lạc và hệ thống điện, nước trong khu vực bến cảng.
d) Đèn biển và nhà trạm gắn với đèn biển; đăng tiêu độc lập.
đ) Phao, tiêu, nhà trạm và cầu tàu phục vụ quản lý vận hành phao tiêu.
e) Hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS).
g) Đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ.
h) Luồng hàng hải, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch.
i) Khu chuyển tải, khu neo đậu, khu tránh, trú bão trong vùng nước cảng biển.
k) Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam gồm máy móc, trang thiết bị, nhà cửa, vật kiến trúc và các công trình phụ trợ phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam.
3 phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải
Nghị định quy định cụ thể 3 phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải gồm:
a) Cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
b) Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
c) Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải
Nghị định quy định nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải gồm:
a) Phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
b) Tiền thu từ giá dịch vụ sử dụng kết cấu hạ tầng hàng hải và các khoản thu khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
c) Tiền thu từ cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
d) Các khoản thu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Nghị định nêu rõ: Trong quá trình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, trường hợp xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải thì việc xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về viễn thông; không phải lập, phê duyệt đề án khai thác và thực hiện việc khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này; việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc cho phép xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định này.
Trường hợp nhượng quyền để kinh doanh, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải theo Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M) thì trong thời hạn thực hiện hợp đồng, việc nhượng quyền để kinh doanh, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; không phải lập, phê duyệt đề án khai thác và thực hiện việc khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này.
Hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải
Nghị định 84/2025/NĐ-CP quy định cụ thể các hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải gồm:
1. Thu hồi.
2. Điều chuyển.
3. Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý.
4. Thanh lý.
5. Xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.
6. Xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải trong trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bằng giá trị tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
7. Hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải
Theo Nghị định 84/2025/NĐ-CP, toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải (bao gồm cả tiền bồi thường thiệt hại, nếu có) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan sau đây làm chủ tài khoản:
a) Cơ quan được Bộ Xây dựng chỉ định làm chủ tài khoản đối với tài sản do cơ quan quản lý tài sản ở trung ương quản lý.
b) Sở Tài chính đối với tài sản do cơ quan quản lý tài sản ở địa phương quản lý.
Nghị định 84/2025/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải gồm:a) Chi phí kiểm kê, đo vẽ; b) Chi phí di dời, phá dỡ, hủy bỏ; c) Chi phí xác định giá, thẩm định giá; d) Chi phí tổ chức bán vật liệu, vật tư thu hồi; đ) Chi phí bảo vệ, bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý; e) Chi phí hợp lý khác có liên quan.
Về mức chi, đối với các nội dung chi đã có tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Đối với các nội dung thuê dịch vụ liên quan đến xử lý tài sản được thực hiện theo hợp đồng ký giữa cơ quan quản lý tài sản và đơn vị cung cấp dịch vụ. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với các nội dung chi ngoài phạm vi nêu trên, người đứng đầu cơ quan quản lý tài sản quyết định mức chi, bảo đảm phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Nghị định 84/2025/NĐ-CP quy định: Định kỳ 6 tháng (chậm nhất vào ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12), chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp ngân sách trung ương (đối với các khoản thu từ xử lý tài sản thuộc trung ương quản lý), ngân sách địa phương (đối với các khoản thu từ xử lý tài sản thuộc địa phương quản lý) đối với các khoản thu từ xử lý tài sản: a) Đã hoàn thành việc thanh toán chi phí hoặc có văn bản xác nhận không phát sinh chi phí của cơ quan quản lý tài sản; b) Hoặc đã quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý tài sản nộp tiền vào tài khoản tạm giữ mà chủ tài khoản tạm giữ không nhận được hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí hoặc đề nghị gia hạn thời hạn thanh toán của cơ quan quản lý tài sản.
Trường hợp số tiền thu được từ xử lý tài sản không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước giao cho cơ quan quản lý tài sản.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (4/4/2025).
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp mới áp dụng từ 20/5/2025
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 08/2025/QĐ-TTg ngày 4/4/2025 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2025.
Quyết định này quy định về đối tượng được hưởng bồi dưỡng giám định tư pháp; chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; nguồn kinh phí và nguyên tắc chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp.
Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng theo quy định của Quyết định này gồm:
1- Người được hưởng chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp bao gồm:
Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp;
Người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm: trợ lý, kỹ thuật viên và những người khác hỗ trợ cho người giám định tư pháp, tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định và do thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định; cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi;
Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.
2- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công
Quyết định quy định chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công được áp dụng đối với việc giám định tư pháp trong các lĩnh vực: kỹ thuật hình sự; tài chính; ngân hàng; văn hóa; xây dựng; nông nghiệp và môi trường; khoa học và công nghệ; công thương; tư pháp và các lĩnh vực khác mà không thuộc quy định tại Điều 3 Quyết định này.
Mức bồi dưỡng giám định tư pháp cho một người giám định chuyên trách trong các lĩnh vực giám định được quy định như sau:
a) Mức 400.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c;
b) Mức 500.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định phức tạp về chuyên môn; hoặc phải tiếp xúc với đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc phải giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm B quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải thực hiện giám định trong môi trường bị ô nhiễm nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm c;
c) Mức 600.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định phải tiếp xúc với đối tượng giám định nhiễm HIV/AIDS, mang nguồn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm hoặc phải thực hiện giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải tiếp xúc với chất phóng xạ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, hóa chất nguy hiểm theo quy định của Chính phủ hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Mức bồi dưỡng giám định tư pháp cho một người giám định kiêm nhiệm trong các lĩnh vực giám định được quy định như sau:
a) Mức 500.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c;
b) Mức 700.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định phức tạp về chuyên môn đòi hỏi phải do người giám định tư pháp là chuyên gia thực hiện; hoặc phải tiếp xúc với đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc phải giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm B quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải thực hiện giám định trong môi trường bị ô nhiễm nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm c;
c) Mức 1.000.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định phải tiếp xúc với đối tượng giám định trong điều kiện nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng; đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm hoặc phải thực hiện giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải tiếp xúc với chất phóng xạ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, hóa chất nguy hiểm theo quy định của Chính phủ hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Ngày công thực hiện giám định tư pháp được tính là 8 giờ thực hiện giám định. Số tiền bồi dưỡng cho một việc giám định được tính như sau:
Số tiền bồi dưỡng = (Số giờ giám định x mức bồi dưỡng một ngày công)/8 giờ.
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc được áp dụng đối với giám định trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần.
Mức bồi dưỡng đối với người thực hiện giám định trong lĩnh vực pháp y quy định như sau:
1- Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định trên người sống theo yêu cầu của người giám định được quy định như sau: Mức 400.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định; Mức 500.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với trường hợp hội chẩn chuyên môn sâu là chuyên gia ở các chuyên khoa thực hiện.
2- Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định tử thi mà không mổ tử thi và tử thi không được bảo quản theo quy định hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên được quy định như sau: Mức 900.000 đồng/tử thi đối với người chết trong vòng 48 giờ; Mức 1.200.000 đồng/tử thi đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày; Mức 1.500.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày.
3- Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định mổ tử thi mà tử thi không được bảo quản theo quy định hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên được quy định như sau: Mức 2.000.000 đồng/tử thi đối với người chết trong vòng 48 giờ; Mức 3.000.000 đồng/tử thi đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày; Mức 4.500.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày và không phải khai quật hoặc dưới 7 ngày và phải khai quật; Mức 6.000.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày và phải khai quật.
4- Trong trường hợp tử thi được bảo quản theo quy định của Bộ Y tế ban hành thì người giám định tư pháp được hưởng 75% mức bồi dưỡng giám định tương ứng quy định tại 2, 3 ở trên.
5- Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định loại vật gây thương tích, độc chất, ADN, mô bệnh học, trên hồ sơ và các loại việc giám định khác trong lĩnh vực pháp y được quy định như sau:
- Mức 250.000 đồng/vụ việc giám định định tính ma túy trong mẫu dịch sinh học, tóc hoặc định lượng cồn trong máu hoặc giám định đơn chất trong dịch sinh học; mức 400.000 đồng/vụ việc giám định định lượng ma túy trong dịch sinh học, tóc.
- Mức 300.000 đồng/vụ việc giám định ADN nhân tế bào; mức 500.000 đồng/vụ việc giám định ADN ti thể.
- Mức 500.000 đồng/vụ việc giám định cơ chế, loại vật gây thương tích.
- Mức 600.000 đồng/vụ việc giám định độc chất mẫu phủ tạng, dịch sinh học.
- Mức 800.000 đồng/vụ việc giám định mô bệnh học.
- Mức 1.000.000 đồng/vụ việc giám định qua hồ sơ.
Trường hợp vụ việc có từ 10 mẫu trở lên thì số tiền bồi dưỡng giám định được tăng thêm 20% so với mức bồi dưỡng được hưởng.
6- Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định hài cốt là 4.000.000 đồng/hài cốt.
7- Các trường hợp giám định phải mời chuyên gia thuộc các chuyên khoa sâu thì mức bồi dưỡng đối với một chuyên gia hội chẩn là 500.000 đồng/nội dung yêu cầu.
Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định trong lĩnh vực pháp y tâm thần được quy định như sau:
- Giám định tại phòng khám hoặc tại chỗ là 500.000 đồng/vụ việc giám định.
- Giám định trên hồ sơ là 2.000.000 đồng/vụ việc giám định.
- Giám định nội trú là 6.000.000 đồng/vụ việc giám định.
Quyết định nêu rõ, trong trường hợp đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm hoặc phải thực hiện giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm thuộc nhóm A, nhóm B quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì được hưởng thêm 25% mức bồi dưỡng tương ứng của mức bồi dưỡng đối với người thực hiện giám định trong lĩnh vực pháp y và lĩnh vực pháp y tâm thần.
Mức bồi dưỡng đối với người giúp việc cho người thực hiện giám định tư pháp; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi
Theo quy định, người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (bao gồm: trợ lý, kỹ thuật viên và những người khác hỗ trợ cho người giám định tư pháp, tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định và do thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định; cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi) được hưởng bằng 70% mức bồi dưỡng mà người thực hiện giám định tư pháp được hưởng.
Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi được hưởng bằng 10% mức bồi dưỡng mà người thực hiện giám định tư pháp được hưởng.
Cả nước phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 155/TB-VPCP ngày 4/4/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Thông báo nêu: Ban Chỉ đạo Trung ương ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và biểu dương những kết quả tích cực, hành động quyết liệt của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân các địa phương trong giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thành trước hạn nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu được giao.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc và thách thức như: Tỷ lệ giải ngân tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp còn thấp; còn những nhóm mục tiêu khó hoàn thành; một số nơi còn rủi ro tái nghèo; khó huy động nguồn lực xã hội hóa và vốn đối ứng của địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Một số dự án, nội dung thành phần, đối tượng thụ hưởng, định mức hỗ trợ chưa phù hợp tình hình thực tiễn hoặc đã hết đối tượng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, vẫn còn huyện nghèo thuộc 04 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên) "trắng xã nông thôn mới" và 04 tỉnh (Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Bình, Kon Tum) chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ ở một số địa phương còn hạn chế; các bộ, ngành, địa phương đang tập trung chủ yếu cho công tác kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, đơn vị hành chính, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đâu đó có tình trạng không muốn đạt chuẩn nông thôn mới và không muốn thoát nghèo vì không còn là đối tượng thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội về giáo dục, y tế, bảo hiểm, trợ cấp …
Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra đối với 3 chương trình (phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới) có ý nghĩa hết sức quan trọng này, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phấn đấu để cơ bản hoàn thành các mục tiêu mang tính tổng hợp, rất có ý nghĩa, đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hoàn thiện các thủ tục phân bổ, giao số vốn còn lại chưa phân bổ trước 5/4/2025
Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phân bổ, giao số vốn còn lại chưa phân bổ trước 05 tháng 4 năm 2025; kịp thời phân bổ, giao kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho cơ quan, đơn vị trực thuộc ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung; đặc biệt cần tính đến những vấn đề có thể phát sinh khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp theo chủ trương mới để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm liên tục, không xảy ra khoảng trống, vướng mắc.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị trong thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu hoàn thành 100% mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao và giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
Các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp phương án đề xuất phân bổ vốn, kinh phí còn lại của các chương trình mục tiêu quốc gia, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 4 năm 2025.
Hoàn thành tổng kết việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 trong Quý II năm 2025; trên cơ sở đó xây dựng hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các Chương trình giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo và phù hợp với tình hình thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 7 năm 2025.
Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn và không gián đoạn công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án xử lý nguồn thu hồi nợ của các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn tín dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại Văn bản số 1291/VPCP-KTTH ngày 18 tháng 02 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ.
Điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Hội đồng thẩm định nhà nước hoàn thiện hồ sơ Quyết định điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo đúng quy định và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính tại Văn bản số 2251/VPCP-QHĐP ngày 18 tháng 3 năm 2025; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 08 tháng 4 năm 2025.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng Nghị định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) trên địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành trước ngày 10 tháng 4 năm 2025.
Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo bổ sung nhiệm vụ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho các Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được thành lập theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Mai Văn Chính theo quy định./.