Quang cảnh buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ trước thềm Tết Nguyên đán 2025. (Ảnh VGP)
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm mới 2025 và trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chiều 8/1, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, bảo đảm tất cả người dân đều có Tết vui tươi, ấm áp, công tác an sinh xã hội, tiền lương, thưởng Tết… rất được quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, tiền lương bình quân năm 2024 ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023. Thưởng Tết dương lịch 2025 bình quân 1,46 triệu đồng/người, cao nhất là thưởng 1,8 tỷ đồng thuộc về vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp FDI lĩnh vực buôn bán thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh.
Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng Tết Nguyên đán 2024, mức cao nhất là 1,908 tỷ đồng thuộc về vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp FDI lĩnh vực điện tử công nghệ thông tin ở TP Hồ Chí Minh.
Về quà Tết đối với người có công với cách mạng, Chủ tịch nước đã ban hành mức quà 300.000 đồng dành cho người có công và mức 600.000 đồng dành cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng. Ngoài ra, các địa phương cũng có quà riêng. Phần lớn địa phương đều có kế hoạch chăm lo Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, trung bình 300.000 đồng/hộ…
Thủ tướng Chính phủ cũng xuất cấp 7.500 tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do thiên tai, lũ lụt. Tổng mức chi bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng, như mức trung bình hằng năm.
Thời gian từ nay đến Tết không còn nhiều, Bộ LĐTB&XH kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương chi trả kịp thời, đúng, đủ lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, đẩy mạnh phương thức chi trả không dùng tiền mặt; tập trung rà soát, nắm chắc tình hình của các đối tượng chính sách, những người có hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…; nắm chắc, rà soát và tổng hợp số hộ, số nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và giáp hạt đầu năm 2025 để chủ động hỗ trợ.
Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để bảo đảm người lao động được chi trả tiền lương, tiền thưởng, quan tâm người lao động bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, thiên tai lũ lụt; xử lý tranh chấp lao động (nếu có), lưu ý các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng lao động… Tăng cường bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh…, bảo đảm tất cả trẻ em đón Tết vui tươi, ấm áp, phòng chống bạo lực xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo hành gia đình trong dịp Tết, tổ chức các hoạt động đón Tết lành mạnh cho trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các đồ chơi độc hại, tệ nạn xã hội…
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên trả lời câu hỏi về các dịch vụ công tích hợp trên ứng dụng VNeID. (Ảnh: VGP)
Cũng tại buổi Họp báo, trả lời câu hỏi về các dịch vụ công tích hợp trên ứng dụng VNeID, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua, bằng nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an, cho đến nay, Bộ Công an đã xây dựng, duy trì được một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Theo đó, tất cả mọi công dân Việt Nam đều có dữ liệu trong cơ sở dữ liệu này theo quy định của Luật Cư trú và Luật Căn cước. Trên cơ sở một nền dữ liệu rất tốt về công dân như thế, Chính phủ ban hành Đề án 06, phát huy cơ sở dữ liệu này trong việc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số, Bộ Công an đã xây dựng, đưa ra ứng dụng VNeID.
Bản chất của ứng dụng là hồ sơ điện tử cá nhân của mỗi một con người. Với hồ sơ điện tử cá nhân này, Bộ Công an đã chỉ đạo và xây dựng rất nhiều nội dung tích hợp vào đây. Trước hết là cập nhật giấy tờ. Hiện nay đã cập nhật được căn cước, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, đưa các dịch vụ phục vụ người dân trên hệ thống VNeID như cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký ô tô toàn trình, đăng ký lần đầu; các hoạt động liên quan đến cư trú, đăng ký cư trú, thay đổi cư trú… Tổng cộng, đã có 33 dịch vụ các loại đăng ký trên VNeID .
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ đang có trên VNeID, và tiếp tục mở rộng thêm nữa các tiện ích khác, bảo đảm VNeID ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, thân thiện hơn và sử dụng dễ hơn cho người dân.
Theo Người phát ngôn Bộ Công an, đây là chỉ đạo của Chính phủ mà cũng là nhiệm vụ rất lớn của Bộ Công an. Tuy nhiên, việc này cần có sự đồng hành rất lớn của các Bộ, ngành khác, bắt đầu từ cơ sở hạ tầng, quy định pháp lý, quy trình và rất nhiều yếu tố khác, bảo đảm các dịch vụ trên VNeID được sử dụng một cách hiệu quả, thuận tiện cho người dân.
T.Hoàng