Chỉ lưu thông thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có giấy công bố sản phẩm

Chỉ lưu thông thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có giấy công bố sản phẩm
8 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người sử dụng, các sản phẩm này bắt buộc phải được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu hành trên thị trường.
Trước thực trạng quảng cáo sai sự thật, hàng giả, hàng nhái tràn lan, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế và Chi cục An toàn thực phẩm tại các địa phương tăng cường thanh tra, hậu kiểm.
Theo Cục An toàn thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là sản phẩm dùng để bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày, giúp duy trì, cải thiện chức năng sinh lý của cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, điểm quan trọng cần lưu ý là chúng không có tác dụng điều trị bệnh và không thể thay thế thuốc chữa bệnh.
Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, biến thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành những “liều thuốc thần kỳ”.
Các quảng cáo như “chữa khỏi bệnh sau vài ngày”, “bài thuốc gia truyền”, “đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm công dụng” hay hình ảnh bác sỹ, áo blouse trắng... thường xuyên được sử dụng để tăng độ tin cậy, trong khi cố tình bỏ qua dòng cảnh báo bắt buộc: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định, những hành vi quảng cáo sai lệch như vậy là vi phạm nghiêm trọng pháp luật và có thể dẫn đến hiểu lầm tai hại, khiến người bệnh từ bỏ điều trị y tế chính thống để chạy theo sản phẩm không có giá trị điều trị thực sự, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Một nguyên tắc bắt buộc được Bộ Y tế đặt ra là: Chỉ những sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mới được phép lưu hành trên thị trường. Điều này nhằm đảm bảo rằng thực phẩm bảo vệ sức khỏe được kiểm soát về chất lượng, thành phần, mức độ an toàn và thông tin minh bạch đến người tiêu dùng.
Trên nhãn mác sản phẩm cần thể hiện rõ ràng các thông tin: tên sản phẩm, thành phần, công dụng, đối tượng sử dụng, hướng dẫn dùng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, tên và địa chỉ đơn vị chịu trách nhiệm... đặc biệt phải ghi rõ dòng chữ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” và “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể chủ động kiểm tra thông tin sản phẩm tại các cổng thông tin chính thức như: https://vfa.gov.vn; https://dichvucong.moh.gov.vn; https://congkhaiyte.moh.gov.vn
Trước thực trạng quảng cáo sai sự thật, hàng giả, hàng nhái tràn lan, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế và Chi cục An toàn thực phẩm tại các địa phương tăng cường thanh tra, hậu kiểm. Những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có giấy tờ hợp lệ, quảng cáo quá mức, sử dụng hình ảnh bác sỹ hoặc người nổi tiếng để lừa dối người tiêu dùng sẽ bị xử lý nghiêm.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe nếu được sử dụng đúng cách, đảm bảo chất lượng dưới sự tư vấn của chuyên gia, có thể hỗ trợ nâng cao thể trạng và phòng ngừa bệnh tật hiệu quả. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo “có cánh”, không nên tự ý sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép hoặc thiếu thông tin minh bạch.
Hiện việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang rất "nóng" khi nhiều người nổi tiếng dính vào bê bối. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, hoạt động quảng cáo sản phẩm trên nền tảng số của người nổi tiếng, nghệ sỹ đang ngày càng phổ biến và có sức ảnh hưởng sâu rộng.
Tuy nhiên, đi cùng với sự lan tỏa này là hàng loạt hệ lụy tiềm ẩn, khi không ít trường hợp nghệ sỹ quảng bá sản phẩm sai sự thật, chưa được kiểm chứng về chất lượng, thậm chí vi phạm quy định pháp luật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và làm xói mòn niềm tin công chúng.
Trước thực trạng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gấp rút sửa đổi Luật Quảng cáo, với nhiều điểm mới nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho biết, trong dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, cơ quan chức năng sẽ bổ sung những quy định cụ thể đối với hoạt động quảng cáo của nghệ sỹ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Theo đó, mỗi cá nhân khi tham gia quảng cáo, đặc biệt là trên nền tảng số, sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đầy đủ không chỉ theo Luật Quảng cáo mà còn theo các quy định pháp luật liên quan khác.
Đồng thời, người nổi tiếng cũng phải có nghĩa vụ xác minh tính minh bạch và chính xác của thông tin sản phẩm trước khi công khai quảng bá. Việc nghệ sỹ tham gia quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm duyệt hoặc mang tính chất lừa đảo không còn là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, mà sẽ được xem xét và xử lý theo đúng pháp luật hiện hành.
Dự kiến trong nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo sửa đổi, sẽ có những chế tài mạnh tay hơn đối với nghệ sỹ vi phạm, bao gồm tăng mức xử phạt hành chính, cấm hoặc tạm đình chỉ hoạt động quảng cáo, thậm chí có thể hạn chế quyền xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội nếu vi phạm nghiêm trọng.
Những điều khoản này nhằm thiết lập lại trật tự trong hoạt động quảng cáo vốn đang bị lợi dụng một cách tràn lan, thiếu kiểm soát và gây hậu quả thực tế cho người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Lê Hải Bình, trong khi người tiêu dùng cần được nâng cao nhận thức để có khả năng phân biệt đúng - sai trong nội dung quảng cáo, thì nghệ sỹ và người nổi tiếng cũng phải hiểu rằng, việc đồng ý gắn tên tuổi với một sản phẩm không chỉ là cơ hội tài chính, mà còn là sự đánh cược với danh tiếng điều mà họ đã mất rất nhiều năm xây dựng, nhưng có thể đánh mất chỉ sau một lần sai phạm.
Không thể phủ nhận rằng trong thời đại số, nghệ sỹ và những người có ảnh hưởng đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng hành vi tiêu dùng của công chúng. Chỉ một bài đăng, một clip ngắn trên mạng xã hội của họ có thể tiếp cận hàng triệu người, tạo ra xu hướng tiêu dùng chỉ sau vài giờ lan truyền.
Tuy nhiên, chính vì sức ảnh hưởng quá lớn, họ càng cần hiểu rõ trách nhiệm đi kèm với tầm vóc của mình. Thực tế thời gian qua đã cho thấy không ít vụ việc nghệ sỹ bị công chúng phản ứng gay gắt, thậm chí tẩy chay, vì quảng cáo những sản phẩm giảm cân cấp tốc, thuốc chức năng không rõ nguồn gốc, sàn giao dịch tài chính trá hình hay ứng dụng kiếm tiền theo mô hình đa cấp.
Dù nhiều nghệ sỹ sau đó đã lên tiếng xin lỗi hoặc đổ lỗi cho việc “không kiểm tra kỹ sản phẩm”, nhưng sự tổn hại về danh tiếng là điều không thể tránh khỏi.
Việc siết chặt hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng không nhằm hạn chế quyền tự do biểu đạt, mà là cần thiết để bảo vệ một không gian truyền thông trong sạch, nơi thông tin được chia sẻ một cách có trách nhiệm và trung thực.
Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ phát triển, quảng cáo số trở thành lĩnh vực nhạy cảm và dễ bị thao túng, vai trò của pháp luật càng trở nên quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin và an toàn cho cộng đồng người tiêu dùng.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/chi-luu-thong-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-khi-co-giay-cong-bo-san-pham-d269520.html