Chỉ người thiếu hiểu biết mới nói chiêm bái xá lợi Phật là mê tín

Chỉ người thiếu hiểu biết mới nói chiêm bái xá lợi Phật là mê tín
6 giờ trướcBài gốc
Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam được chiêm bái xá lợi của Đức Phật - có người xúc động rơi nước mắt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng như vậy là mê tín.
Trong dịp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tổ chức tại Việt Nam, xá lợi của Đức Phật - tức là phần tro cốt còn lại sau khi ngài qua đời - đã được Chính phủ Ấn Độ cho phép chính thức đưa đến Việt Nam để người dân chiêm bái. Đây là di vật vô cùng hiếm quý, là bảo vật quốc gia của Ấn Độ.
Xá lợi được rước về các địa điểm linh thiêng như chùa Thanh Tâm (TP.HCM), núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Tam Chúc (Hà Nam) và tiếp tới đây còn được trân trọng đặt ở 5 địa điểm khác. Ở mỗi địa điểm có hàng vạn người dân tìm đến.
Họ đã chờ thâu đêm suốt sáng dưới cái nắng oi bức chỉ để được cúi đầu trước xá lợi trong vài phút ít ỏi. Không khí trang nghiêm, trầm lắng và đầy xúc động. Rõ ràng, đây là một hiện tượng tâm linh có sức lan tỏa lớn.
Hàng vạn người dân và phật tử đổ về khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) để cung rước và chiêm bái xá lợi Đức Phật tối 13/5.
Thế nhưng, không ít người đặt vấn đề: “Chiêm bái xá lợi có khác gì mê tín? Cốt người chết rồi mà cũng phải thờ sao?”.
Trong Phật giáo, xá lợi (tiếng Phạn là sarira) là những tinh thể được hình thành từ thân cốt của Đức Phật hoặc các vị cao tăng, thánh tăng sau khi viên tịch và trải qua quá trình hỏa táng (trà tỳ). Theo quan điểm của Phật giáo, xá lợi là kết quả của quá trình tu tập miên mật, giới - định - tuệ kiên cố, thể hiện công đức và sự giác ngộ của các bậc thánh. Xá lợi không phải là hiện tượng vật lý thông thường mà là sự kết tinh của năng lượng từ bi, trí tuệ và sự thanh tịnh của thân tâm trong suốt cuộc đời tu hành.
Điều khiến xá lợi trở nên đặc biệt không nằm ở vật chất, mà ở ý nghĩa tinh thần. Đó là biểu tượng cho một con người từng sống, từng tu hành, từng giác ngộ, và từng chỉ đường cho người khác vượt qua khổ đau.
Khi chiêm bái xá lợi, người ta không cầu xin điều gì thần bí. Họ đến để bày tỏ lòng tôn kính, để nhắc mình sống tốt hơn, sống tử tế hơn - như những gì Đức Phật từng dạy. Cũng giống như việc chúng ta giữ gìn một di vật của ông bà để tưởng nhớ công ơn, chiêm bái xá lợi cũng là một cách để người phật tử tưởng nhớ một bậc thầy đã dẫn đường cho nhân loại.
Điều đáng nói ở đây là, mê tín không nằm ở hành động, mà nằm ở cách hiểu và thái độ. Nếu người ta đến chiêm bái xá lợi để xin trúng số, xin phát tài, xin ban phước… thì đó quả thật là lệch lạc. Nhưng nếu họ đến bằng tấm lòng biết ơn, muốn nhắc nhở bản thân sống lương thiện, bình an hơn - thì đó là một niềm tin tốt đẹp.
Đức Phật không khuyến khích thờ cúng ngài một cách hình thức. Điều ngài mong muốn là mỗi người biết quay về với chính mình, sống chân thành, biết từ bi, biết yêu thương. Nhưng ngài cũng hiểu rằng con người cần có những biểu tượng để giữ vững niềm tin. Xá lợi chính là một biểu tượng như thế.
Trong xã hội hiện đại, con người ngày càng bị cuốn vào lo toan, áp lực và mất phương hướng. Những biểu tượng tâm linh như xá lợi Đức Phật giống như một điểm tựa giúp người ta lắng lại, suy ngẫm và tìm về với những giá trị sâu sắc. Đó là lòng nhân ái, sự tỉnh táo, là cách sống có trách nhiệm với bản thân và người khác.
Việc hàng vạn người xếp hàng trong trật tự, không ồn ào, không tranh giành, chỉ để cúi đầu trong lặng lẽ, đó không phải là mê tín. Đó là sự bày tỏ lòng thành với một bậc vĩ nhân đã ra đi từ hơn 2.500 năm trước, nhưng tư tưởng vẫn sống mãi.
Có thể chúng ta không theo Đạo Phật, nhưng cũng không nên vội vàng đánh giá một hiện tượng tâm linh có ý nghĩa với hàng triệu người, càng không nên gọi tất cả là mê tín chỉ vì thiếu hiểu biết.
Điều quan trọng không phải là ai làm gì, mà là vì sao họ làm điều đó. Nếu việc chiêm bái xá lợi giúp ai đó sống thiện lành hơn, bình an hơn, thì đó chẳng phải là điều nên trân trọng sao?
Tôn giáo chân chính không khiến con người mê muội, mà giúp họ hiểu mình, sống tử tế và biết yêu thương. Và nếu một biểu tượng như xá lợi có thể nhắc ai đó sống như vậy - thì đó là một niềm tin đáng quý, không phải là mê tín.
Pháp Định
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/chi-nguoi-thieu-hieu-biet-moi-noi-chiem-bai-xa-loi-phat-la-u-me-ar944494.html