Chi phí thuê lại nhân công quản lý điều hành và lao động trực tiếp có là chi phí hợp lý, hợp lệ không?

Chi phí thuê lại nhân công quản lý điều hành và lao động trực tiếp có là chi phí hợp lý, hợp lệ không?
một ngày trướcBài gốc
Hỏi: Công ty A có hợp đồng với công ty B thuê lại toàn bộ khách sạn X của Công ty B. Sau đó Công ty B ký tiếp hợp đồng thuê lại toàn bộ nhân công gồm quản lý điều hành và nhân sự trực tiếp (hiện có trước khi cho thuê khách sạn) của Công ty A để Cty B trực tiếp quản lý điều hành kinh doanh khách sạn X.
Trường hợp này chi phí thuê lại nhân công quản lý điều hành và lao động trực tiếp Công ty B có được xác định là chi phí hợp lý, hợp lệ không?
Trả lời:
Tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
Điều 12. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động, sau đó chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp đã giao kết hợp đồng lao động (sau đây gọi là doanh nghiệp cho thuê lại).
Điều 13. Bên thuê lại lao động
Bên thuê lại lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sử dụng người lao động thuê lại để làm những công việc theo danh mục công việc được phép thuê lại lao động trong một thời gian nhất định.
Điều 14. Người lao động thuê lại
Người lao động thuê lại là người lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được doanh nghiệp cho thuê lại tuyển dụng và giao kết hợp đồng lao động, sau đó chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của bên thuê lại lao động.
Đồng thời, tại Mục III của Nghị định 145/2020/NĐ-CP, bao gồm các Điều từ 21 đến Điều 30 có các quy định cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy phép cũng như danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Theo đó, về nguyên tắc, việc thuê lại lao động phải tuân thủ Bộ luật lao động về cho thuê lại lao động.
Tại Điều 9 Luật thuế TNDN số 14/2008 về Các khoản chi được trừ và không được trừ, quy định như sau:
“1. Trừ các khoản chi quy định tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi khi xác định thu nhập chịu thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.”
Liên quan đến chi phí tiền lương tiền công trả cho người lao động, tại điểm I, khoản 2 Điều 9 quy định không được hạch toán chi phí đối với:
“i) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán chi khác để chi trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;”
Như vậy, về nguyên tắc, chi phí thuê người lao động để phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, là khoản chi hợp lý. Tuy nhiên, cần xem xét 2 vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc cho thuê lao động của Công ty A có tuân thủ Luật Lao động không? Trong trường hợp này, Công ty A là đơn vị sở hữu vận hành khách sạn, không chắc chắn đảm bảo các điều kiện của đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lao động như quy định của Bộ luật lao động và Nghị định 145/2020.
Thứ hai, trường hợp Cty B thuê lại toàn bộ lao động để vận hành khách sạn, tức là Cty B không trực tiếp trả lương cho người lao động, mà bên cho thuê là Cty A sẽ có trách nhiệm chi trả lương, thực hiện các nghĩa vụ về BHXH và thuế TNCN của người lao động. Điều này tạo ra rủi ro trong tuân thủ pháp luật về lao động cũng như về thuế. Thực chất thì đây là hình thức Cty B nhận khoán về doanh số kinh doanh khách sạn của Cty A, và không chịu trách nhiệm của người sử dụng lao động với số lao động làm việc cho cơ sở này.
Trong tình huống này, cơ quan thuế có quyền không chấp nhận chi phí thuê lại toàn bộ nhân công của Cty B do: hợp đồng thuê lao động không phù hợp pháp luật; và tiền lương không chi trả cho người lao động và không có chứng từ theo quy định của pháp luật.
PV
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chi-phi-thue-lai-nhan-cong-quan-ly-dieu-hanh-va-lao-dong-truc-tiep-co-la-chi-phi-hop-ly-hop-le-khong-d55023.html