Đây là thông tin được ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - chia sẻ tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế diễn ra chiều 11/2. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Quyết tâm ‘cởi trói’ các điểm nghẽn
Theo ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và triển khai Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ; Bộ Khoa học Công nghệ đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, xây dựng, hoàn thiện và triển khai các giải pháp mang tính đột phá để quyết tâm "cởi trói", tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Việt Nam. Đẩy nhanh tiến độ thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới
Riêng với nội dung triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Việt Nam, ông Huỳnh Thành Đạt thông tin, những năm qua, kết quả Chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực, năm 2024, Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 32 bậc từ vị trí 76 lên 44 so với năm 2013.
Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là tỉ lệ nhập khẩu công nghệ cao (CNC), xuất khẩu CNC và lần đầu tiên chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như hiện nay, nếu chúng ta không đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hệ thống đổi mới sáng tạo thì việc duy trì, cải thiện chỉ số GII là rất khó khăn, chính vì vậy các bộ, ngành cần chung tay bám sát các chỉ tiêu thành phần được phân công, tập trung xây dựng các chính sách, kế hoạch hành động phù hợp để hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung đẩy mạnh các chỉ số về giáo dục, giáo dục đại học; trong đó lưu ý có 2 chỉ số chưa có dữ liệu phục vụ đánh giá, xếp hạng trong nhiều năm liên tiếp (là Chỉ số chi của chính phủ cho mỗi học sinh trung học và Số năm đi học kỳ vọng); Bộ Thông tin và Truyền thông cần tập trung nâng cao các chỉ số về hạ tầng công nghệ thông tin (như chỉ số về xuất khẩu dịch vụ ICT);
Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý về các chỉ số về môi trường sinh thái; Bộ Tư pháp cần cải thiện các chỉ số về môi trường thể chế (như chỉ số về chất lượng các quy định pháp luật); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung triển khai các chỉ số về lao động có kiến thức; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần cải thiện các chỉ số về công nghiệp văn hóa (như dịch vụ văn hóa và sáng tạo, thị trường giải trí)...
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII); đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện chỉ số PII hằng năm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhiệm vụ này đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 1 vừa qua, từ đó triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW trong thời gian tới.
Để cải thiện chỉ số GII, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực, chủ động phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) đồng bộ với Chỉ số GII.
Kết quả PII 2024 nhìn chung cho thấy, các địa phương cần tập trung có các giải pháp cải thiện đối với các trụ cột đầu vào hiện có kết quả còn kém như: Trình độ phát triển của doanh nghiệp; trình độ phát triển của thị trường; vốn con người và nghiên cứu và phát triển; cải thiện trụ cột đầu ra về sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ.
Nguyễn Hạnh