Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bắt đầu từ đột phá giáo dục Đại học

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bắt đầu từ đột phá giáo dục Đại học
7 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Vai trò nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học
Chiều 11/2 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại hội nghị, phát biểu về mối liên kết giữa Nhà nước- nhà trường- doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết:
Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định 41 chỉ tiêu chính và 140 nhiệm vụ cụ thể; trong đó Bộ GD&ĐT được giao chủ trì 10 nhiệm vụ riêng và 21 nhiệm vụ chung. Bộ GD&ĐT tuy không được giao trực tiếp chủ trì, theo dõi chỉ tiêu cụ thể nào, nhưng phần lớn các chỉ tiêu chính đều có sự tham gia, đóng góp quan trọng của ngành GD-ĐT.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch thực hiện gồm 33 nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai trong toàn ngành.
Bộ trưởng khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực khoa học, công nghệ đóng vai trò quyết định quá trình chuyển dịch nền kinh tế từ thâm dụng nhân công, thâm dụng vốn, tới thâm dụng tri thức và công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Việc tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao có tác động mạnh tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi 3 yếu tố: Tăng năng suất lao động trực tiếp và gián tiếp; tăng thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực thâm dụng tri thức và công nghệ; và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn.
Thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao, nhất là đội ngũ nhân tài công nghệ, ngày nay đã trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia, trong đó hệ thống giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt.
Các cơ sở giáo dục đại học vừa là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao, nuôi dưỡng và phát triển nhân tài khoa học, công nghệ; nhiều đại học đồng thời là những trung tâm nghiên cứu lớn, đi đầu trong chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các cơ sở giáo dục đại học đóng góp chủ lực cho lực lượng cán bộ nghiên cứu hiện nay, cả về số lượng và trình độ. Hiện nay, có khoảng 90.000 giảng viên với 1/3 có trình độ tiến sĩ, cùng với khoảng trên 120.000 học viên sau đại học, cùng với khoảng 85% số công bố quốc tế cũng như các phát minh sáng chế giải pháp khoa học công nghệ.
Do vậy, để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục đại học.
Có thể khẳng định rằng nếu không có đột phá trong phát triển các trường đại học thì không có đột phá trong phát triển nhân lực chất lượng cao và cũng khó có đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Bộ GD&ĐT xác định: Thứ nhất cần hoàn thiện thể chế cho phát triển giáo dục đại học với mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, phát huy tiềm năng của tự chủ đại học, phát triển các cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mạnh.
Các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học và các nhà đầu tư cho giáo dục đại học (trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp) rất cần thiết cho họ.
Chính sách hỗ trợ tài chính cho người học, đặc biệt để thu hút nhiều học sinh, sinh viên giỏi theo học các ngành STEM; chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút giảng viên, đặc biệt thu hút chuyên gia nước ngoài; các chính sách đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học cần có những đổi mới theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả.
Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành đưa vào chương trình công tác và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ này để cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng cho biết đang khẩn trương đánh giá để sửa đổi Luật Giáo dục đại học cũng như Luật Giáo dục nghề nghiệp trong năm nay.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng được giao xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực trọng yếu.
Nhóm nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là nâng cao năng lực, hiện đại hóa hệ thống giáo dục ĐH với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tối ưu hóa hoạt động của cả hệ thống giáo dục đại học và từng cơ sở giáo dục đại học.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thứ nhất, triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học gắn với thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, tổ chức bộ máy và quản trị của từng cơ sở giáo dục đại học theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả;
Thứ 2, xây dựng và trình Chính phủ Đề án chuyển các cơ sở giáo dục đại học do các bộ chủ quản về Bộ GD&ĐT quản lý, trừ các trường trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các trường đào tạo lĩnh vực chuyên sâu đặc thù;
Thứ 3, xây dựng và triển khai các đề án, dự án đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở giáo dục đại học theo các nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng phát triển kinh tế-xã hội tại các vùng kinh tế và một số tỉnh;
Thứ 4, tiếp tục triển khai các đề án phát triển đội ngũ giảng viên, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy ở Việt Nam;
Thứ 5, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhất là trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường và trong dạy và học.
Nhóm nhiệm vụ trọng tâm thứ ba là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực STEM gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo với mục tiêu bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao về số lượng, chất lượng và cơ cấu phục vụ đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung triển khai Chương trình đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và 2 đề án quan trọng đã trình Thủ tướng (Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao, Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0); phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch đào tạo nhân lực cụ thể cho các ngành đường sắt, điện hạt nhân và các ngành công nghệ khác.
“Có thể nói, số lượng các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án Bộ GD&ĐT đã và đang xây dựng, sẽ được triển khai là khá lớn, nếu được bố trí đủ kinh phí thực hiện chắc chắn sẽ tạo ra một bước tiến lớn của hệ thống giáo dục đại học và đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng chia sẻ.
Hải Bình
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-bat-dau-tu-dot-pha-giao-duc-dai-hoc-post719106.html